Xây dựng luật: Cần tránh “phanh gấp”
Pháp luật kinh doanh trong năm qua còn rất nhiều ngổn ngang. Doanh nghiệp phải thực hiện một hệ thống pháp luật lớn, nên sự đồng bộ cũng như tính ổn định và dự đoán được của pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý là một trong những biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam...
Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022” của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa được công bố mới đây cho thấy, trong năm 2022, các cơ quan nhà nước đã dành nhiều nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh.
CHÍNH SÁCH LINH HOẠT NHƯNG VẪN CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Theo thống kê của VCCI, trong năm 2022, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 636 Văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 12 luật của Quốc hội, 3 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 131 nghị định của Chính phủ, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 462 thông tư của các bộ trưởng.
So với trung bình các năm, tổng số văn bản và số lượng từng loại văn bản đều có xu hướng giảm. Cụ thể, số lượng luật được ban hành trong năm 2022 là 12 luật, thấp hơn so với con số 18 luật của năm 2017 và 22 luật của năm 2012 (đều là các năm thứ hai trong nhiệm kỳ).
Nhìn lại bức tranh pháp luật kinh doanh năm 2022, ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia Ban Pháp chế VCCI, cho rằng năm 2022, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ. Tuy vậy, năm 2022, nước ta lại đối mặt với nhiều biến động của kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, ngân hàng linh hoạt, kịp thời nhưng vẫn cần sớm hoàn thiện.
Đơn cử, giảm thuế giá trị gia tăng là một trong những chính sách đáng chú ý trong năm 2022, chính sách này được Quốc hội thông qua ngay từ đầu năm. Theo đó, thuế giá trị gia tăng đại trà sẽ được giảm từ mức 10% xuống mức 8% trong năm 2022 đối với rất nhiều mặt hàng. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP để cụ thể hóa chủ trương này.
Song trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh một số khó khăn khi áp dụng quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, nhất là vấn đề xác định hàng hóa nào được hưởng thuế suất 8%, hàng hóa nào vẫn phải chịu thuế suất 10%. Để an toàn, nhiều doanh nghiệp chấp nhận áp dụng thuế suất 10% cho toàn bộ hàng hóa đầu vào, đầu ra để tránh nộp thiếu thuế.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đưa ra biện pháp hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP quy định chi tiết về việc sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...
Đây là chính sách được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau Covid-19.Tuy nhiên, trên thực tế, gói tín dụng này lại giải ngân được rất ít.
Một trong những chính sách được quan tâm nhiều nhất trong năm 2022 là hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng). Tăng trưởng tín dụng toàn bộ hệ thống ngân hàng theo dự kiến đầu năm 2022 là 14%, sau được điều chỉnh lên thêm 1,5 - 2% vào tháng 12/2022. Nhưng do nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam tăng cao trong năm 2022 nên mức giới hạn trên không đủ đáp ứng, gây thiếu hụt nguồn cung tín dụng và đẩy lãi suất cho vay lên cao.
Ngoài ra, một số đạo luật quan trọng về tài nguyên thiên nhiên được thảo luận trong năm 2022 như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, các đạo luật này đều có quy định về việc cấp, giao, cho thuê những loại tài sản này để người dân và doanh nghiệp sử dụng cho các mục đích sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
Nhưng quyền của các cá nhân, tổ chức khi được cấp, giao, cho thuê những loại tài sản này chưa thực sự được bảo đảm vững chắc. Các đạo luật này đều đang tiếp cận theo hướng liệt kê quyền của người được cấp quyền khai thác tài nguyên và có nhiều quy định hạn chế các quyền này.
DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN LO NGẠI RỦI RO PHÁP LÝ
Theo thống kê năm 2022, có đến 98% trong số 870 nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu cộng cả số lượng 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể thì thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ. Tất cả mọi thành phần kinh tế đều cần sự ổn định chính sách và pháp luật về kinh doanh để có thể yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, nếu cùng đầu tư các dự án lớn, thì doanh nghiệp tư nhân trong nước nhạy cảm với rủi ro pháp lý hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Báo cáo cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm. Tỷ lệ này đạt cao nhất vào năm 2014 với 15,75% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được, nhưng đến năm 2021 thì số doanh nghiệp dự đoán được chỉ còn 4,55%.
Các doanh nghiệp quy mô lớn có xu hướng dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật tốt hơn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có mức độ dự đoán được thấp nhất. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp có khả năng dự đoán sự thay đổi quy định pháp luật tốt hơn thì thường có kết quả kinh doanh tốt hơn so với những doanh nghiệp không hoặc ít có khả năng dự đoán.
Để giảm rủi ro thay đổi quy định của pháp luật, báo cáo cho rằng cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và các cam kết quốc tế có liên quan. Điều này giúp bảo đảm tính ổn định và tiên đoán được của pháp luật.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam