Xây dựng quy định về sử dụng không gian ngầm trên địa bàn Hà Nội
Theo dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn TP. Hà Nội, không gian ngầm đô thị phải được phân vùng chức năng theo mục đích sử dụng và theo chiều thẳng đứng; phân vùng không gian gắn với không gian trên mặt đất để quản lý, khai thác, sử dụng…
![Ảnh minh họa.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/07/78976867-16871566536011178547667.jpg)
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn TP. Hà Nội, nhằm cụ thể hóa các nội dung được quy định tại Điều 19 Luật Thủ đô số 39/2024/QH15.
XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH LÀ CẦN THIẾT
Bộ Xây dựng cho biết Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, nhất là TP.Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm thi hành Luật…
Tuy nhiên, qua hơn 9 năm, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn cho thấy nhiều hạn chế. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý không gian ngầm đô thị và công tác triển khai vẫn tồn tại bất cập, mà nguyên nhân là do thực thi chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu cơ chế đặc thù, cụ thể để thực hiện trên thực tế.
Do đó, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hiện nay, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã có quy định về Quản lý, sử dụng không gian ngầm tại Điều 19 và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 19 “Không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn Thành phố được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định để xây dựng công trình ngầm phải trả tiền sử dụng không gian ngầm, trừ trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh, thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng hoặc trường hợp khác do Chính phủ quy định”.
Bởi vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn TP.Hà Nội (quy định chi tiết Khoản 2 Điều 19 Luật Thủ đô số 39/2024/QH15) là cần thiết.
NGUYÊN TẮC PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG
Trong đó, về nguyên tắc phân vùng chức năng và sử dụng không gian ngầm, dự thảo Nghị định quy định không gian ngầm trên địa bàn TP.Hà Nội phải được phân vùng chức năng phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy hoạch không gian ngầm Thủ đô.
Việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm cần tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn, đất đai, xây dựng và các pháp luật khác có liên quan, phù hợp với phân vùng chức năng không gian ngầm và giới hạn độ sâu không gian ngầm theo quy định... Còn khi sử dụng không gian ngầm ngoài giới hạn độ sâu quy định, phải được cấp phép. Đặc biệt, ưu tiên sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm thuộc danh mục các công trình được khuyến khích đầu tư xây dựng do HĐND TP.Hà Nội ban hành.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định nhấn mạnh không gian ngầm đô thị phải được phân vùng chức năng theo mục đích sử dụng và theo chiều thẳng đứng; phân vùng không gian gắn với không gian trên mặt đất để quản lý, khai thác, sử dụng; bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường.
Mặt khác, việc phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để bố trí các khu vực chức năng dưới lòng đất cần phù hợp với mục đích sử dụng, tính chất, chức năng công trình xây dựng; đảm bảo tính liên kết, kết nối không gian, khả năng phát triển theo nhiều giai đoạn và các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn của Thủ đô quy định.
Phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm được xác định trong các loại đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn, phù hợp với loại và các cấp độ của đồ án quy hoạch bao gồm: xác định các khu vực khai thác, sử dụng không gian ngầm; khu vực hạn chế; khu vực cấm xây dựng công trình ngầm; xác định vùng chức năng không gian ngầm theo các mức giới hạn độ sâu trong lòng đất phù hợp cho mục đích xây dựng các loại công trình: dân dụng, công nghiệp, giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình quốc phòng, an ninh và các công trình khác.
Phân vùng không gian ngầm gắn với quyền sử dụng, khai thác không gian ngầm, bao gồm vùng không gian ngầm gắn với phạm vi ranh giới thửa đất xây dựng công trình trên mặt đất của người sử dụng đất; vùng không gian ngầm còn lại ngoài phạm vi vùng không gian ngầm quy định trên.