10:02 17/03/2010

Xin nhập lao động phổ thông: Nguyên nhân nằm ở đâu?

Vũ Quỳnh

Thông tin hai doanh nghiệp ở Tp.HCM xin nhập khẩu lao động phổ thông được xem như một nghịch lý

Doanh nghiệp khó tuyển lao động chủ yếu thuộc những ngành có mức thu nhập thấp - Ảnh: Việt Tuấn.
Doanh nghiệp khó tuyển lao động chủ yếu thuộc những ngành có mức thu nhập thấp - Ảnh: Việt Tuấn.
Thông tin hai doanh nghiệp ở Tp.HCM xin nhập khẩu lao động phổ thông được xem như một nghịch lý, khi Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh chính sách xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho lao động trong nước.

Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động khẳng định, lao động phổ thông Việt Nam không hề thiếu, ngược lại, đây là lực lượng đang quá dư thừa. Hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn phải đặt ra mục tiêu tạo việc làm mới cho trên 1,6 triệu lao động.

 “Tôi không hiểu lao động chạy đi đâu hết”

Một lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phải thốt lên như vậy khi các doanh nghiệp trên cả nước cho rằng họ rất khó để tuyển đủ lao động vào thời điểm này.

Thậm chí, có hai doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận (Tp.HCM) là Nidec Tosok Vietnam và Three Bambi đã đề xuất nhập khẩu lao động phổ thông từ Philippines và Lào để bù đắp số lao động thiếu hụt.

“Cả ba miền Bắc, Trung, Nam, ở đâu cũng kêu thiếu lao động, trong khi lượng lao động của Việt Nam hiện lên tới 50 triệu người, và con số điều tra tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. Tôi không hiểu lao động chạy đi đâu hết”.

Vị lãnh đạo này bức xúc, nếu nói lao động có tay nghề trong nước hiện thiếu và yếu thì còn chấp nhận được vì chương trình đào tạo chưa gắn với thực tế. Tuy nhiên, nói nước ta thiếu cả lao động phổ thông khiến doanh nghiệp phải đề xuất được nhập khẩu thì hoặc là cần phải xem lại độ chính xác các số liệu điều tra về thị trường lao động, hoặc phải xem lại mức lương  tại các doanh nghiệp sử dụng lực lượng lao động này.

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Quang Điều, Phó ban Chính sách - Kinh tế, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lao động Việt Nam được đánh giá là rất dồi dào so với khu vực và trên thế giới. Vì thế vấn đề chính ở đây là doanh nghiệp thiếu lao động vì họ trả lương cho người lao động rất thấp.

Kết quả đợt làm việc cuối năm 2009 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với liên doàn lao động các tỉnh phía Nam cho thấy, lương bình quân của người lao động chỉ từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng. Khi mức lương chưa tương xứng với sức mà người lao động phải bỏ ra thì họ không “mặn mà” và lao động không tuyển đủ là điều hết sức dễ hiểu.

Trao đổi với VnEconomy xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Phạm Minh Huân cũng cho rằng, quy định về lương tối thiểu của nhà nước hiện đang ở mức thấp. Lao động phổ thông lại là lực lượng chủ yếu làm vệc trong các ngành mà mức thu nhập vẫn ở mức quá  thấp như dệt may, da giầy, chế biến thủy sản….

“Thực tế, những doanh nghiệp “kêu” khó tuyển đủ lao động cũng chủ yếu nằm trong những ngành này”, ông Huân nói.

Không có ngoại lệ

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi khi được hỏi về vấn đề này đã cho rằng, cần nhìn nhận một cách khách quan dưới góc độ  nhà đầu tư.

Theo ông Lợi, khi mình kêu gọi người ta vào đầu tư nhưng lại thiếu sự chuẩn bị về nguồn nhân lực khiến nhà đầu tư bị động thì rất khó để phát triển. Mặt khác, lao động nhập cư cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta đã đến mức phải cần nhập khẩu lao động nước ngoài hay chưa, ông Lợi băn khoăn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, thì thẳng thắn đánh giá, đề nghị nhập khẩu lao động phổ thông là không thực tế bởi nhiều lý do. Thứ nhất, hiện việc xuất khẩu lao động phổ thông ở nước ta vẫn đang được xem là một giải pháp quan trọng để tạo việc làm, chuyện đồng ý cho nhập khẩu lao động phổ thông khác gì đẩy tỷ lệ lao động thất nghiệp trong nước tăng lên. Thứ hai, mức lương trả cho lao động phổ thông ở Việt Nam chắc chắn không đủ hấp dẫn để có thể “nhập” lao động nước ngoài. Thứ ba, với mức lương thỏa đáng, doanh nghiệp không hề khó khăn để tuyển được lao động trong nước.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, hiện Cục chưa nhận được thông tin chính thức từ sở lao động địa phương về vấn đề này, tuy nhiên, về mặt luật pháp, chưa có một ngoại lệ nào với lao động phổ thông là người nước ngoài được cấp giấy phép làm việc tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam chỉ nhận lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao vào làm việc.

Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 đã quy định rõ, đối tượng phạm vi các doanh nghiệp, các tổ chức chỉ được tuyển lao động nước ngoài khi họ đáp ứng được các điều kiện tối thiểu: người lao động phải đảm bảo trình độ chuyên môn kỹ thuật, không vi phạm pháp luật, đảm bảo về sức khỏe và phải có giấy phép lao động trước khi vào Việt Nam làm việc…