16:57 21/01/2022

Xốc lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý thị trường

Vũ Khuê

Năm 2022, quản lý thị trường phải xốc lại kỷ cương, nguyên tắc trong chỉ đạo, điều hành, ý thức chấp hành trong toàn lực lượng, xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe. Đồng thời, phát huy vai trò người đứng đầu đơn vị trong thực thi công vụ…

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của lực lượng quản lý thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của lực lượng quản lý thị trường.

Báo cáo tại "Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của lực lượng Quản lý thị trường" ngày 21/1 cho thấy, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các hành vi cũng như lĩnh vực vi phạm luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, khó lường.

CÒN NHIỀU KẼ HỞ

Tính chung cả năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm. Ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng (xử phạt vi phạm hành chính gần 244 tỷ, ước tiền bán hàng hóa, phương tiện vi phạm bị tịch thu trên 186 tỷ đồng).

Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong cao điểm dịch bệnh, đặc biệt đối với mặt hàng phòng, chống dịch, mặt hàng thiết yếu.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý thị trường năm 2021 vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó nhận thức, tư duy của công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chưa đúng đắn về sứ mệnh, vị trí, vai trò của mình; chưa có sự đổi mới, sức ì còn lớn.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính một số mặt còn lúng túng, chưa quyết liệt; phản ứng chính sách có mặt còn chậm. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh dẫn đến việc thống nhất, đồng thuận trong giải quyết các vụ việc chưa cao.

Hiện tượng suy giảm về đạo đức công vụ, tình trạng quan liêu, hách dịch hoặc gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân trong thực thi công vụ của một bộ phận công chức quản lý thị trường chưa được ngăn chặn và đẩy lùi triệt để.

Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp  đối với hoạt động công vụ của công chức quản lý thị trường còn nhiều.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật văn bản quy phạm pháp luật và các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính còn trùng lặp, chồng chéo gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc và cả những rủi ro pháp lý cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.

Thống kê của quản lý thị trường cho thấy, hiện nay, khoảng trên 60% (32/53) số Nghị định có quy định thẩm quyền xử phạt của quản lý thị trường nhưng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung. Và có độ trễ so với sự thay đổi của các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước.

Hơn nữa, giữa các lĩnh vực do nhiều Bộ ngành cùng xây dựng có sự chồng lấn, tạo ra nhiều rủi ro, kẽ hở cho công chức khi thực thi pháp luật, làm gia tăng các vụ việc khiếu nại, khởi kiện đối với quản lý thị trường.

XỬ LÝ NGHIÊM CÁC SAI PHẠM

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ còn phức tạp, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến khó lường. Để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh cũng như quyền lợi người tiêu dùng, ông Linh cho biết sẽ tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường.

“Tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất đối với công chức, từng đơn vị trực thuộc Tổng cục; xử lý nghiêm công chức vi phạm, nhất là hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa… là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của lực lượng trong năm mới”, ông Linh nhấn mạnh.

Đồng thời, xây dựng kịp thời các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa không rõ ràng.

Tại buổi tổng kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá cao những kết quả đạt được của lực lượng quản lý thị trường trong năm qua. Song ông Diên cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của lực lượng trong năm qua.

Đó là những kết quả chưa cao trong công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, gian lận thương mại; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ về nghiệp vụ chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ của ngành còn hạn chế. Nhiều vấn đề, vụ việc tồn đọng phức tạp nhưng chưa được giải quyết.

Theo ông Diên, trong thời gian tới sẽ có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi, nên các hoạt động thương mại, giao thương sẽ diễn ra ngày càng sôi động, phức tạp. Tình trạng buôn lậu hàng giả, kém chất lượng ngày càng tinh vi. Thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, nên quản lý thị trường cần phải tham mưu để có quy định, chế tài xử lý khi có tổ chức, cá nhân vi phạm.

Để công tác đấu tranh ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao hơn nữa, người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên phổ biến, quán triệt thật sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tập trung tổng kết 5 năm thi hành pháp lệnh quản lý thị trường. Đánh giá kết quả hoạt động sau 5 năm thực hiện mô hình Tổng cục để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có những chủ trương, chính sách phù hợp.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo, năm 2022, toàn ngành phải xốc lại kỷ cương, nguyên tắc trong chỉ đạo, điều hành, ý thức chấp hành trong toàn lực lượng, xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe. Phát huy vai trò người đứng đầu đơn vị trong thực thi công vụ. “Người đứng đầu đơn vị phải là người chịu trách nhiệm toàn diện trong đơn vị mình”, ông Diên nhấn mạnh.