Xử lý các doanh nghiệp “ôm” đất để “treo”
Hàng loạt các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về sử dụng đất ở các địa phương trên cả nước đã được “bêu tên” công khai. Đây được coi là cảnh báo cho các doanh nghiệp vi phạm và phải có biện pháp khắc phục, đưa đất vào khai thác, sử dụng hiệu quả hơn; đồng thời ngăn chặn những doanh nghiệp không có năng lực triển khai, “ôm” đất để dự án “treo”...
Liên tiếp thời gian gần đây, qua rà soát, tập hợp báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố công khai danh sách tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của hàng loạt doanh nghiệp tại nhiều địa phương như Quảng Nam, Hải Dương, Hà Giang và Đồng Nai... Hầu hết các doanh nghiệp này đều chậm tiến độ, để hoang hóa đất đai; không hoặc chậm đưa đất dự án vào sử dụng với diện tích hàng nghìn, hàng triệu m2. Thậm chí có doanh nghiệp đã được nhiều lần gia hạn nhưng vẫn vi phạm…
“ÔM” HÀNG TRĂM NGHÌN M2 ĐẤT ĐỂ HOANG
Tại Hải Dương, qua kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với 28 doanh nghiệp (kiểm tra 20 doanh nghiệp, rà soát 8 doanh nghiệp), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này báo cáo: có 3 doanh nghiệp phải thực hiện công khai vi phạm là Công ty TNHH Thực phẩm Tin Tin, Công ty Cổ phần Hoàng Long Steel, Công ty Cổ phần Vinamit. Đây là những đơn vị không triển khai thực hiện dự án, để hoang hóa hàng trăm nghìn m2 đất dự án từ nhiều năm nay.
Trong số đó, Công ty Cổ phần Vinamit có diện tích đất vi phạm lớn nhất khi để hoang hóa 349.616m2 đất thuộc dự án Nhà máy chế biến - Tổng kho bảo quản rau, củ quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, tại thôn Phú Lương, xã Nam Đồng, thành phố Hải Dương. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, Công ty Cổ phần Vinamit đã không triển khai thực hiện dự án trên từ nhiều năm nay. Mặc dù dự án này đã nhiều lần được cơ quan quản lý gia hạn tiến độ nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.
Công ty TNHH thực phẩm Tin Tin đã để hoang hóa trên 15.000m2 đất thuộc dự án cơ sở sản xuất nước uống từ sản phẩm nông nghiệp, nước có ga tại cụm công nghiệp Hoàng Diệu, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc. Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương thông tin, doanh nghiệp này đã không thực hiện dự án từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, các cơ quan của xã, huyện, tỉnh Hải Dương đã không liên hệ được với chủ đầu tư để làm việc…
Còn tại Quảng Nam, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện có 62 đơn vị, tổ chức (thống kê chưa đầy đủ) có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã thực hiện thu hồi diện tích đất 13.619.684m2 do vi phạm pháp luật. Ngoài ra, có một số đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê đất không đúng đối tượng, chuyển mục đích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đã bị xử lý và buộc phải thực hiện đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam cho biết, đến ngày 31/12/2021, có 18 đơn vị đã khắc phục các sai phạm có liên quan. Hiện nay còn có 11 đơn vị, tổ chức sử dụng đất có vi phạm pháp luật theo quy định tại Nghị định số 43 của Chính phủ “dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; các dự án được gia hạn; các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vì lý do bất khả kháng”.
Trong số 11 doanh nghiệp vi phạm chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng, nhiều nhất là dự án Khu du lịch sinh thái Biển Cù Lao Chàm với tổng diện tích gần 2,6 triệu m2. Còn lại các dự án khác đều có diện tích từ vài nghìn đến hàng chục nghìn m2.
Cũng từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng tại Hà Giang và Đồng Nai đã được công bố công khai, trong đó bên cạnh một số doanh nghiệp được gia hạn sử dụng đất, đã có những trường hợp bị thu hồi đất hoặc kiến nghị thu hồi đất.
KHÔNG GIẢI QUYẾT TIẾP THỦ TỤC GIAO ĐẤT CHO DOANH NGHIỆP VI PHẠM
Trước đó, trong năm 2021, hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai tại các tỉnh Điện Biên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Phú Thọ... cũng đã được nêu tên công khai. Các tổ chức vi phạm chủ yếu là do sử dụng đất sai mục đích, không đưa đất vào sử dụng, chậm đầu tư, qua kiểm tra hậu kiểm một số trường hợp vẫn chưa khắc phục các tồn tại...
Việc công khai vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/CP của Chính phủ. Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản gửi các địa phương về việc tiếp tục công khai và gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật đất đai.
Những doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về đất đai sẽ không được xem xét để giải quyết tiếp các thủ tục giao đất, cho thuê đất trong các dự án tiếp theo. Theo quy định, việc giao đất, cho thuê đất với các doanh nghiệp không vi phạm pháp luật về đất đai hoặc nếu đã vi phạm thì phải khắc phục xong
Đây là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai diễn ra theo đúng quy định và hiệu quả hơn. Điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý trong thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai.
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, một chuyên gia đất đai cho rằng việc công khai thông tin các đơn vị vi phạm sử dụng đất là một trong những cách thức cảnh báo các doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục, đưa đất vào khai thác sử dụng hiệu quả hơn. Đây cũng là cách để ngăn chặn những doanh nghiệp không có năng lực triển khai dự án một cách hiệu quả nhưng vẫn đi “xin” thêm dự án.
Theo đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, những doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về đất đai sẽ không được xem xét để giải quyết tiếp các thủ tục giao đất, cho thuê đất trong các dự án tiếp theo. Theo quy định, việc giao đất, cho thuê đất với các doanh nghiệp không vi phạm pháp luật về đất đai hoặc nếu đã vi phạm thì phải khắc phục xong.
Nhìn nhận về việc vi phạm đất đai, không sử dụng đất hoặc dự án chậm tiến độ, chuyên gia này cho rằng tình trạng trên diễn ra ở tất cả các địa phương. Bên cạnh các yếu tố chủ quan như doanh nghiệp thiếu vốn, không đủ năng lực triển khai, còn một số yếu tố khách quan, khó khăn do đại dịch Covid hoặc thị trường thay đổi...
Theo kết quả tổng hợp gần đây, cả nước có 3.205 dự án với diện tích khoảng trên 85.163 ha đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng không sử dụng đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Đối với các doanh nghiệp vi phạm, Chính phủ đã có Nghị định 91 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Các quy định cũng đã nêu cụ thể việc xử lý các trường hợp doanh nghiệp không sử dụng đất và chậm tiến độ sử dụng đất... đến mức nào sẽ bị thu hồi. Quy định cũng đề cập tới việc xử lý trong các trường hợp bất khả kháng như chậm tiến độ do dịch bệnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý thu hồi đất với các dự án vi phạm, giải quyết tài sản doanh nghiệp đã đầu tư trên đất gặp nhiều khó khăn. Với thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần sử dụng các công cụ kinh tế, tài chính về thuế để xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa... chứ không chỉ các biện pháp hành chính. Điều này sẽ góp phần khắc phục được tình trạng đầu cơ, không sử dụng, để đất đai hoang hóa…
Tổng Cục đất đai cho biết, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để có các biện pháp mang tính khả thi cao hơn. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội”, trình Chính phủ phê duyệt nhằm khơi thông nguồn lực đất đai bị đóng băng trong các dự án “treo”; tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh việc đưa vào khai thác những diện tích đất dự án không triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, hoang hóa; sử dụng kém hiệu quả, đất đã giao, cho thuê có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...
Hồi cuối năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có Công văn gửi các địa phương về “xử lý các dự án, công trình sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai”, nhằm giải quyết dứt điểm những trường hợp vướng mắc để đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai. Bộ đề nghị các địa phương báo cáo danh sách các dự án, công trình vi phạm pháp luật đất đai còn vướng mắc, chưa xử lý; các dự án, công trình không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí.