Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về “báo hóa” trang tin điện tử, mạng xã hội
Bên cạnh mặt tích cực, thời gian gần đây, tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội (trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất tin bài, nội dung như cơ quan báo chí) có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Nội dung trên được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Bộ Thông tin và Truyền thông gửi các đại biểu Quốc hội.
Cùng đó, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các trang mạng nước ngoài, các nền tảng xuyên biên giới hoạt động như một kênh sản xuất, phân phối nội dung, chủ sở hữu các nền tảng lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Netflix… thường đưa ra các quy định riêng của mình để quản lý nội dung (gọi tên là tiêu chuẩn cộng đồng) và áp dụng chung trên toàn cầu, rất hạn chế tuân theo luật pháp quốc gia sở tại.
Chính vì vậy, tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng xuyên biên giới.
Sẽ rà soát toàn bộ giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi cung cấp thông tin của từng trang, yêu cầu ghi rõ từng chuyên mục vào giấy phép. Đưa đầy đủ dữ liệu giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước lên trên trang https://mic.gov.vn.
Báo cáo của Bộ cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông xử lý 134 tên miền gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, 14 tên miền có dấu hiệu cung cấp thông tin quảng cáo cho các dịch vụ trò chơi điện tử có tính chất cờ bạc; ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động cung cấp trang thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền trên 1,9 tỷ đồng.
Đồng thời ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiên trì triển khai đấu tranh quyết liệt, buộc các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm.
Cụ thể tính từ năm 2018 đến 21/9/2022, Facebook đã gỡ 311 tài khoản giả mạo, 12.638 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu; 484 fanpage quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng 2.476 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; trong thời gian gian cao điểm chống dịch Covid-19, đã gỡ 14 tài khoản giả mạo Bộ Y tế; 2.527 bài viết xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và có nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Tỷ lệ xử lý theo đề nghị từ cơ quan quản lý chuyên ngành từ đầu năm 2022 đến nay đạt 90%.
YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ 76.590 video vi phạm, ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 30/62 kênh YouTube có nội dung xấu, độc (30 kênh này chứa 11.212 video clip vi phạm). Tỷ lệ xử lý theo đề nghị của cơ quan quản lý đạt 92%.
Tiktok đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.445 link vi phạm, trong đó có 5 tài khoản có nội dung xấu độc; ngoài ra, TikTok đã tự chủ động rà quét, ngăn chặn 3.568 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình. Tỷ lệ xử lý theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước đạt 91%.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết để ngăn chặn thông tin xấu độc, thời gian qua, Bộ đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai nhiệm vụ: Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế; triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Y tế... buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp sau nhằm tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến trong và ngoài nước.
Theo đó, sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó thể chế hóa khái niệm “báo hóa”, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang tin, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng, quản lý nền tảng xuyên biên giới…
Thực hiện rà soát toàn bộ giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi cung cấp thông tin của từng trang, yêu cầu ghi rõ từng chuyên mục vào giấy phép. Đưa đầy đủ dữ liệu giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước lên trên trang https://mic.gov.vn.
Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về “báo hóa” trang tin điện tử, mạng xã hội, về đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.