10:22 07/06/2012

Xử lý nợ xấu: Làm sao để doanh nghiệp không còn “nuốt nước bọt”?

Nguyễn Hoài

Hành trình dòng vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp được ví như hệ thống giao thông đang vận hành nhưng bị tắc nghẽn

Hiện tại, khá nhiều người quan tâm đến số nợ cần tập trung xử lý là bao nhiêu.
Hiện tại, khá nhiều người quan tâm đến số nợ cần tập trung xử lý là bao nhiêu.
Hành trình dòng vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp được ví như hệ thống giao thông đang vận hành nhưng bị tắc nghẽn, bởi chiếc xe “nợ xấu” chết máy nằm chềnh ềnh giữa đường. Làm thế nào để đưa “chiếc xe” đó ra khỏi hệ thống ngân hàng?

4 mục tiêu khi xử lý

“Nợ xấu đang đẩy quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp rơi vào thế doanh nghiệp nhìn ngân hàng và nuốt nước bọt, còn ngân hàng thì gầm ghè, nghi ngờ doanh nghiệp”.

Đó là nhận xét của ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư chính sách tiền tệ Quốc gia. Theo ông, Chính phủ cần đẩy nhanh đề án xử lý nợ xấu, một trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Theo đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thì quá trình này tạm chia 3 giai đoạn cơ bản: giai đoạn 1: củng cố, ổn định thanh khoản, giai đoạn 2: xử lý nợ xấu và giai đoạn 3 là củng cố hệ thống tổ chức. Trong đó, giai đoạn 2 (xử lý nợ xấu) được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Với cách nhìn như vậy, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước từng ví von: “Cả đoàn xe đang chạy phải dừng lại vì tắc đường do chiếc xe đầu tiên chết máy nằm chềnh ềnh giữa đường. Đó chính là chiếc xe nợ xấu và phải bốc nó ra khỏi đường, đặt sang chỗ khác thì hệ thống giao thông mới vận hành trở lại”.

Xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng, mặc dù chưa cơ quan chức năng chưa công bố chính thức con số một chuyên gia đã “giả định” khoảng 10% GDP. GDP năm 2011 khoảng 119 tỷ USD, tương đương 2.380 nghìn tỷ đồng. Như vậy, con số nợ xấu có thể lên tới 238 nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, khá nhiều người quan tâm đến số nợ cần tập trung xử lý là bao nhiêu. Hé mở một vài thông tin cho câu hỏi này thì như VnEconomy đã đưa tin trước đó, tại cuộc họp “G14” ngày 31/5, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập với 14 ngân hàng thương mại rằng, sẽ thành lập công ty mua bán nợ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để mua số nợ xấu trong hệ thống khoảng 100 nghìn tỷ đồng.

Các nhà phân tích cho rằng, bất kể với con số nào nhưng nếu để tự các ngân hàng thương mại giải quyết thì trung bình mỗi năm, họ chỉ xử lý được 15 - 20%. Như vậy, phải mất 5 năm nữa, chuyện nợ nần giữa ngân hàng và doanh nghiệp mới ổn thỏa. Và cũng trong thời gian đó, ngân hàng không dám cho vay và/hoặc cho vay với lãi suất cao để bù đắp một phần thiệt hại do nợ xấu.

Và để xử lý bài toán nợ xấu thì nên lưu ý những vấn đề gì? Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trước hết phải xác định và hướng tới 4 mục tiêu khi xử lý nợ xấu. Mục tiêu đầu tiên là làm sạch bảng cân đối tài sản ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để ngân hàng thiết lập nền tảng tín dụng mới để họ có cơ sở cho vay.

Hai, tiếp sức cho những doanh nghiệp còn có khả năng tồn tại tiếp tục hoạt động; đồng thời, thanh lọc những doanh nghiệp không còn khả năng tồn tại.

Ba, thông qua xử lý nợ xấu, ngân hàng thương mại có thêm điều kiện hạ lãi suất tiền vay. Điều này rất cần thiết bởi hiện nay, Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý như từng xảy ra ở Brazil và Argentina là lạm phát xuống thấp nhưng lãi vay vẫn cao, mà nguyên nhân là nợ xấu không được xử lý, buộc ngân hàng thương mại phải nâng lãi suất tiền vay để bù đắp một phần thiệt hại từ nợ xấu.

Bốn, khi chuẩn mực tín dụng được phục hồi, dòng vốn từ ngân hàng tiếp tục chảy vào doanh nghiệp và cầu đầu tư dần dần hồi phục.

Hiện nay, nhà nước đang sử dụng một số biện pháp trong quá trình tái cơ cấu nợ xấu là giãn nợ, chuyển hoặc giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ; xóa nợ và phát mại tài sản. Để quá trình xử lý nợ đúng đối tượng và tránh tham nhũng, tiêu cực thì Ngân hàng Nhà nước phải phân nhóm đối tượng rõ ràng. Qua đó, với những doanh nghiệp còn có khả năng tồn tại thì áp dụng các biện pháp đầu tiên; còn những doanh nghiệp không còn khả năng tồn tại thì phải cho phá sản, giải thể và phát mại tài sản để bù đắp thiệt hại cho chủ nợ.

Đặc biệt, với các khoản nợ được xóa, phải hết sức cẩn trọng. Trong đợt “xóa nợ” xấu ngân hàng giai đoạn 2001 - 2004, nhà nước từng thành lập hội đồng liên ngành gồm các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước kiểm tra từng trường hợp; lập hồ sơ xóa nợ và phải có 4 chữ ký đi kèm gồm: giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương, tổng giám đốc ngân hàng thương mại là chủ nợ, trưởng ban xử lý nợ của Ngân hàng Nhà nước trình lên Chính phủ và phải thông qua mới được xóa.

Ai quản lý công ty mua bán nợ?

Một vấn đề khá nóng hổi hiện nay là sau khi xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước thành lập công ty mua bán nợ, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước dùng ngân sách, tiền thuế do dân đóng góp để xử lý rủi ro của ngân hàng là không công bằng. Theo quan điểm của họ, nợ xấu của ngân hàng thì ngân hàng và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm.

Để giải đáp mối quan tâm này thì trước hết cần tham khảo kinh nghiệm Thụy Điển. Năm 1992, Quốc hội nước này đã họp và quyết định dành toàn bộ quyền xử lý nợ xấu ngân hàng cho ngân hàng trung ương. Và lần đầu tiên trên thế giới, Thụy Điển đã thành lập công ty mua bán nợ (AMC) trực thuộc ngân hàng trung ương. Sau này, rất nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc… khi xử lý nợ xấu đều áp dụng mô hình này.

Ngoài ra, việc không nên giao công ty mua bán nợ cho Bộ Tài chính quản lý hoặc sử dụng Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính để xử lý nợ xấu ngân hàng, còn vì ngân sách quốc gia là “tiền cứng”, không được phép sử dụng theo kiểu “bốc” chỗ này “đặt” sang chỗ kia.

Vì, nguồn lực này đã được sắp đặt, tính toán theo các chương trình, dự án của Chính phủ. Chưa kể, yêu cầu tài chính cho quốc phòng, an ninh, rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… không thể đặt cân đối ngân sách quốc gia trong tình trạng “chông chênh” về tiền mặt. Cũng vì lý do đó mà nhiều quốc gia còn không cho phép kho bạc nhà nước gửi tiền vào ngân hàng thương mại mà chỉ gửi vào ngân hàng trung ương.

Bởi vậy, việc chọn lựa ngân hàng trung ương để xây dựng công ty mua bán nợ là phù hợp hơn nếu nhìn ở góc độ cân đối nguồn tài chính. Thực tế, trên bảng cân đối tài sản “Có” của ngân hàng trung ương rất phong phú tạm gọi là vốn như: nguồn từ tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền vượt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, tiền phát hành tín phiếu, lợi nhuận từ hoạt động của “người mua bán cuối cùng” trên thị trường và thậm chí là một phần nhỏ từ…in thêm nếu thấy cần thiết. Tất nhiên, in ra lúc này thì hút về lúc khác nhưng khôn ngoan nhất là hạn chế in.

Thêm một nguồn khác là ngân hàng trung ương thành lập công ty mua bán nợ dưới hình thức cổ phần. Ở đó, ngân hàng trung ương là cổ đông chi phối và có sự góp vốn của các ngân hàng thương mại khác, nhất là nhóm “G14”. Nếu theo cách này, chỉ cần trung bình mỗi ngân hàng góp vài nghìn tỷ đồng thì nguồn vốn của công ty có thêm gần 30 nghìn tỷ đồng. ngân hàng trung ương có thể dùng nguồn vốn này làm tài sản cầm cố để phát hành trái phiếu.

Với cơ cấu nguồn tiền phong phú đang tạm thời nhàn rỗi như trên, ngân hàng trung ương có thể đứng ra bảo lãnh phát hành trái phiếu cho chính công ty mua bán nợ của mình nhằm huy động vốn trong quá trình mua nợ xấu.

Chẳng hạn, để có nguồn, ngân hàng trung ương có thể phát hành tín phiếu gối đầu theo cách: năm đầu tiên, phát hành 1 tỷ USD, năm sau phát hành 2 tỷ USD, lấy 1 tỷ USD trả nợ cũ vẫn còn 1 tỷ USD để tiếp tục mua nợ. Tương tự, năm thứ 3 phát hành 3 tỷ USD, trả 2 tỷ USD nợ cũ vẫn còn 1 tỷ mua nợ tiếp và đến khi nào thị trường các tài sản đã mua dần hồi phục, ngân hàng trung ương cân đối đủ nợ và có thì dừng lại.

Trên thực tế, trong một kỳ phát hành, ngân hàng trung ương Việt Nam có thể phát hành tới 4 - 5 tỷ USD chứ không phải chỉ 1 - 2 tỷ USD như ví dụ trên.