Xu thế dòng tiền: Áp lực bán ròng sẽ còn tăng?
Nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ đẩy mạnh bán ra trong tuần qua và các chuyên gia cho rằng đó là điều cần chú ý
Nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ đẩy mạnh bán ra trong tuần qua và các chuyên gia cho rằng đó là điều cần chú ý.
VN-Index gần như đi ngang trong tuần nhưng vẫn đẩy rất nhiều cổ phiếu giảm giá. Các chuyên gia đều nhìn nhận đó là biểu hiện của sự méo mó về chỉ số từ tuần trước, đồng thời chuyển hướng sang đánh giá thị trường thông qua các chỉ số khác hoặc chỉ tập trung vào cổ phiếu cụ thể.
Đánh giá về động thái bán mới của nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia cho rằng đó có thể chỉ là sự khởi đầu. Áp lực bán này không chỉ đơn giản là đến từ tương quan với biến động tỷ giá gần đây mà còn có thể là biểu hiện của sự dịch chuyển dòng vốn sang những tài sản gắn với đồng USD cũng như kỳ vọng tăng lãi suất của FED trong tháng 12.
Đợt tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF tới đây được dự kiến là sẽ bán ròng do các quỹ đang bị rút vốn. Hoạt động bán ra của khối ngoại có thể chi phối thị trường trong tháng 12.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng tình hình có thể ổn định lại từ nửa sau của tháng 12 và hiện tại không phải là điều kiện thị trường tốt cho các giao dịch ngắn hạn. Các chuyên gia vẫn đang nắm giữ một tỷ trọng cổ phiếu khá cao, nhưng ít thực hiện giao dịch trading ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Diễn biến thị trường không thật sự mạnh mẽ trong tuần này, đúng như cảm nhận về diễn biến ngắn hạn của anh chị trong tuần trước. VN-Index đã không thay đổi nhiều trong tuần, nhưng cổ phiếu lại giảm giá khá nhiều và thị trường bắt đầu chịu ảnh hưởng méo mó nhất định đã được đề cập trước đó. Vậy anh chị đánh giá thị trường tuần qua thế nào và làm cách nào để có thể nhìn nhận thị trường khách quan hơn những gì chỉ số thể hiện?
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Thị trường tuần qua chủ yếu có diễn biến đi ngang với sự phân hóa giữa các dòng cổ phiếu. Thị trường đã phải chịu áp lực chốt lời mạnh khi lượng cổ phiếu bắt đáy tuần trước đó về tài khoản. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng mang tính chi phối của ROS đã giúp thị trường không bị sụt giảm quá mạnh về mặt điểm số.
Sự chi phối này được thể hiện rõ nét qua diễn biến trái chiều của VN-Index và 2 chỉ số còn lại là VN30 và HNX-Index. Cả 2 chỉ số này đều đang nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn.
Các cổ phiếu blue-chip đa phần vẫn đang trong trạng thái “sideway down” trong khi các nhóm cổ phiếu khác ngoại trừ một số ngành đang thu hút được sự chú ý của dòng tiền như thép, cao su… cũng đều đang phải chịu áp lực giảm điểm khi hàng T+3 về tài khoản.
Tôi cho rằng diễn biến trái chiều này của các chỉ số sẽ là rào cản không nhỏ đối với kỳ vọng tăng điểm mạnh của thị trường trong ngắn hạn.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Thị trường chung đang yếu hơn so với những gì thể hiện trên điểm số VN-Index. Lượt cổ phiếu bắt đáy về tài khoản không lãi mấy, hầu hết đang hòa. Tâm lý chung đang dập dình chờ đợi một cú huých, nhưng giá trị giao dịch lại yếu đi, khối ngoại bán ròng.
Nhìn chung, thị trường chưa rõ ràng, đòi hỏi chúng ta kiên nhẫn và thận trọng.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Những thông tin về khả năng điều chỉnh tỷ giá cũng như động thái của FED về khả năng tăng lãi xuất trong giai đoạn cuối năm cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường trong tuần qua. Tâm lý nhà đầu tư cũng bị tác động mạnh khi lực bán cổ phiếu gia tăng trên diện rộng.
Tôi vẫn duy trì quan điểm thị trường vẫn đang biến động lên xuống quanh vùng 675 điểm (+/- 5 điểm) và việc giao dịch ngắn hạn sẽ rất khó thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Mặc dù diễn biến phân hóa cổ phiếu vẫn tiếp tục dẫn ra khi chỉ một số cổ phiếu thuộc nhóm cao su, vật liệu xây dựng, bảo hiểm chẳng hạn, mới có giao dịch sôi động. Chính vì giai đoạn điều chỉnh này đã và đang phản ánh tâm lý giao động của các nhà đầu tư ngắn hạn trong khi quan điểm dài hơi hơn thì VN-Index sẽ quay lại chu kỳ tăng điểm mạnh. Như vậy, việc điều chỉnh ngắn hạn của thị trường cũng như tâm lý e ngại của nhà đầu tư đối với những tin tức vĩ mô bất lợi thì điều khá bình thường.
Điều tích cực mà chúng ta có thể quan sát thấy đó là vẫn có một số cổ phiếu cơ bản có giao dịch tốt cho dù thị trường giảm điểm đến từ việc giảm giá của một số cổ phiếu blue-chips. Tôi cho rằng nhà đầu tư cá nhân vẫn nên chỉ quan tâm một số cổ phiếu đang có dấu hiệu tăng trưởng cũng như diễn biến giá tốt trong ngắn và trung hạn.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường đã có một tuần lình xình và tích luỹ trong bối cảnh thiếu những thông tin hỗ trợ về nền tảng doanh nghiệp cũng như thông tin vĩ mô. Diễn biến khá đồng pha ở cả hai sàn HNX và HOSE khi cùng có hai phiên tăng điểm vào ngày thứ 3 và thứ 4 và ba phiên điều chỉnh giảm ở các ngày còn lại trong tuần.
Quan sát giao dịch chúng tôi thấy rõ tâm lý thận trọng và trạng thái chiếm ưu thế của bên bán khi đóng cửa tuần giao dịch là diễn biến nổi bật của thị trường. Để tránh việc bị thể hiện điểm số méo mó của chỉ số Vnindex chúng tôi sử dụng chỉ số VN30 trong phân tích kĩ thuật hiện tại để tránh những tác động của các cổ phiếu vốn hoá lớn vừa niêm yết.
Ông Lê Hoàng Tân
Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Thị trường tuần qua thực sự gây ra rất nhiều khó khăn cho những nhà đầu tư thích trading, rất nhiều cổ phiếu trụ cột liên tục bị các nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh, từ đó tạo nên áp lực giảm giá ở nhóm cổ phiếu này.
Hiện tại gần thời điểm cuối năm nên các quỹ đẩy mạnh cơ cấu lại danh mục, chuẩn bị nguồn tiền cho các cổ phiếu lớn chuẩn bị lên sàn, ngoài ra giá niêm yết chứng chỉ quỹ ETF liên tục bị “discount” là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khối ngoại liên tục bán ròng.
Như đã trao đổi ở tuần trước, giai đoạn hiện nay nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu trong danh mục của mình hơn là chỉ số VN-Index đã bị méo mó. Một vài tổ chức, công ty quản lý quỹ đã bắt đầu có động thái loại các cổ phiếu mà họ cho rằng thiếu tính thị trường khỏi rổ cổ phiếu tính VN-Index để có được chỉ số “thực” cho riêng họ. Tuy nhiên tôi cho rằng điều này không có nhiều ý nghĩa với các nhà đầu tư cá nhân vì họ không hưởng “performance” so với VN-Index và chỉ quan tâm đến lợi nhuận thực tế trên tài khoản.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Đang có những diễn biến bất lợi nhất định với thị trường khi câu chuyện tỷ giá nóng trở lại. Tỷ giá đang tăng nhanh khi chịu ảnh hưởng kép của giá USD tăng và khả năng tăng lãi suất tháng 12 của FED, đồng thời là đồng Nhân dân tệ liên tục phá đáy. Theo anh chị điều này có ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán trong tháng 12?
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Trên thế giới, đồng CNY đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua so với đồng USD. Cụ thể, tỷ giá trung tâm USD/CNY được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố ở mức 6,8796 trong ngày 18/11. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các NHTM cũng tăng khoảng 1% trong tuần qua.
Dù sự chuẩn bị của Ngân hàng nhà nước từ đầu năm nhiều khả năng sẽ giúp tỷ giá không đón nhận không biến động mạnh hay giật cục, chúng tôi cho rằng đây vẫn là yếu tố nhà đầu tư cần theo dõi sát sao khi rủi ro về tỷ giá kết hợp với rủi ro hệ thống bắt nguồn từ diễn biến bất ngờ trên thị trường thế giới giai đoạn vừa qua có thể trở thành yếu tố chi phối thị trường trong tháng 12.
Ông Lê Hoàng Tân
Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng mọi sự di chuyển của dòng vốn luôn gây ra các tác động nhất định, đặc biệt là với các thị trường mới nổi. Tôi nhớ cách đây 2 tuần tôi đã trao đổi về vấn đề này, khi đó tôi cho rằng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục tăng là dấu hiệu cho thấy sự di chuyển của dòng vốn sang các tài sản gắng với đồng USD, từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá của đồng tiền này so với các ngoại tệ khác.
Ngoài ra, việc FED nâng lãi suất vào cuộc họp giữa tháng 12 chỉ còn là vấn đề thời gian, vì vậy, các quỹ đầu tư sẽ hành động trước.
Tỷ giá tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài và gây e ngại không nhỏ cho các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng mọi thứ sẽ bắt đầu ổn định vào giữa tháng 12 khi có kết quả chính thức từ FED, khi đó dòng vốn chờ đợi giải ngân sẽ bắt đầu hoạt động trở lại và hỗ trợ tích cực cho thị trường
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tỷ giá thay đổi, áp lực về điều chỉnh lãi xuất rồi khối ngoại bán ròng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư cũng như xu hướng diễn biến của thị trường. Thông thường chính sách tiền tệ thay đổi sẽ tác động đến thị trường chứng khoán và nhà đầu tư cũng nên chú ý và cẩn trọng đối với những thay đổi này.
Mặc dù quan điểm thị trường về trung hạn khá khả quan, nhưng những giai đoạn thị trường đang biến động giằng co, điều chỉnh “sideway” từ nay đến cuối năm 2016 cũng sẽ tạo ra ít cơ hội đối với nhà đầu tư nhất là đối với các chiến lược trading ngắn.
Tôi cho rằng thị trường nhiều khả năng cũng sẽ không biến động về chỉ số thậm chí một số cổ phiếu sẽ vẫn tiếp tục giảm. Nhưng đây sẽ là cơ hội đối với các nhà đầu tư nhạy bén đầu tư ở một số cổ phiếu đang điều chỉnh ở mặt bằng giá hấp dẫn.
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Thường thì đến giai đoạn cuối năm tỷ giá sẽ tăng. Nhưng câu chuyện tỷ giá năm nay không đơn giản chỉ mang tính chất mùa vụ. Tôi nghĩ áp lực từ bên ngoài rất lớn. Rất nhiều đồng tiền trên thế giới và khu vực đã không giữ được sức mạnh, buộc phải phá giá.
Chúng ta, sau một thời gian dài nỗ lực giữ ổn định, có thể sẽ không tránh khỏi áp lực này. Thị trường chứng khoán có thể sắp bước vào giai đoạn khó khăn hơn, khi các vấn đề vĩ mô dần hiện rõ.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng, những yếu tố kể trên sẽ gây ra tác động đáng kể theo chiều hướng tiêu cực đến diễn biến của thị trường chứng khoán trong tháng 12.
Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ chịu ảnh hưởng tương đối từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Trong kỳ review lần này, các cổ phiếu blue-chip nhiều khả năng sẽ phải chịu áp lực bán giảm tỷ trọng từ 2 quỹ ETFs, bởi theo ước tính của tôi tỷ trọng của các cổ phiếu Việt Nam trong danh mục quỹ VNM ETF đang vượt quá tỷ trọng cho phép, đồng thời cả 2 quỹ này đều đang liên tục bị rút vốn trong thời gian gần đây.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ bán ròng hàng trăm tỷ đồng trong tuần này cũng là một biến số rất mới. Liệu đơn giản đó chỉ là sự cơ cấu lại danh mục, hay có nguy cơ gì đáng lo ngại hơn hay không?
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Quan sát hoạt động bán tập trung của khối ngoại tôi thấy giống như một sự cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, do lực bán tập trung vào một số mã blue-chip nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường, nhất là lúc tâm lý đang mong manh, VN-Index đứng ở vùng ranh giới giữa lên và xuống.
Ông Lê Hoàng Tân
Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tôi đã đề cập ở trên và tôi cho rằng việc này sẽ dừng lại vào tháng 12 khi các yếu tố tác động bắt đầu ổn định.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi cho rằng một số cổ phiếu lớn chắc chắn sẽ có xu hướng giảm giá và cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chỉ số - chiến lược hợp lý là bỏ qua các cổ phiếu lớn chú ý đến các cổ phiếu mid-cap.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Việc FED tăng lãi suất sẽ có tác động nhất định, có thể dẫn tới hành động rút vốn hoặc bán ròng của các quỹ ngoại tại thị trường Việt Nam (trên thực tế khối ngoại đã bắt đầu có động thái bán ròng mạnh trên sàn HSX trong tuần qua). Đây là rủi ro nhà đầu tư cần hết sức lưu ý trong ngắn hạn.
Mặt khác, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, đồng USD có xu hướng tăng giá so với các ngoại tệ khác như EUR (khoảng 1%), JPY (khoảng 5%) do nhà đầu tư kỳ vọng chính sách tăng chi tiêu công và giảm thuế của ông Trump sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng nhà nước liên tục tăng tỷ giá trung tâm, từ đó gây hiệu ứng tăng đối với tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, yếu tố mùa vụ cuối năm (nhập khẩu thường tăng mạnh) cùng kỳ vọng sẽ có một đợt sóng tỷ giá trong hai tháng còn lại của năm 2016 cũng là những nhân tố khiến giá USD có biến động theo chiều hướng tăng những ngày gần đây. Áp lực tỉ giá trong tháng cuối năm sẽ ít nhiều tạo ra ảnh hưởng đối với dòng vốn ngoại.
Như vậy, tôi cho rằng hoạt động bán ròng của khối ngoại có thể chỉ mới bắt đầu và nhiều khả năng hoạt động này sẽ còn tiếp diễn trong một hai tháng tới.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Theo thống kê của chúng tôi quý 4 không phải là thời gian giải ngân ưa thích của khối ngoại. Theo đó, áp lực bán ròng của khối ngoại nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khiến nhà đầu tư cân nhắc nhiều hơn trước khi đưa ra quyết định.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Anh chị đã bắt đáy trong tuần trước và hầu như chỉ có các giao dịch tại vùng đáy mới có lợi nhuận tốt. Anh chị có cơ cấu lại danh mục hay không?Tỷ lệ phân bổ hiện tại như thế nào?
Bà Hồ Huyền
Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi vẫn giữ tỷ lệ 50% do thị trường chưa rõ ràng tiêu cực. Nếu tuần tới tiếp tục tiêu cực, tôi sẽ hạ tỷ trọng cổ phiếu và đứng ngoài quan sát.
Ông Lê Đức Khánh
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi có điều chỉnh đôi chút tỷ trọng từng cổ phiếu nằm trong danh mục nhưng tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt hiện nay đang ở mức 65%/35%.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi cơ cấu danh mục theo kịch bản thận trọng nhất có thể. Duy trì danh mục cổ phiếu ở mức thấp và duy trì tỷ lệ tiền mặt ở mức cao. Chờ đợi cơ hội giải ngân cụ thể khi chỉ số có mức biến động mạnh trong thời gian tới.
Ông Trần Xuân Bách
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tỷ trọng danh mục tổng của tôi vẫn được giữ nguyên ở mức 50% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục trung hạn chiếm 20%).
Ông Lê Hoàng Tân
Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi vẫn duy trì chiến lược ngắm giữ tỷ trọng tương đối ít và trading trên chính cổ phiếu mình đang có. Tỷ trọng hiện nay khoảng 30-40% cổ phiếu và chỉ tập trung vào các mã tôi cho rằng có kết quả tốt vào quý 4 và triển vọng trong năm sau.
* Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ e-mail của các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền". Họ sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS: tan.LeHoang@mbs.com.vn
Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI): leduckhanh@gmail.com
Bà Hồ Huyền, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDS: huyen.ho@vndirect.com.vn
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt: tranxuanbach@baoviet.com.vn