14:29 06/12/2020

Xu thế dòng tiền: Đà tăng đang hưng phấn, đâu là điểm yếu?

Nguyễn Hoàng

VN-Index đã có được tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp với mức gia tăng thanh khoản ngày càng cao cũng như tâm lý hào hứng có thể cảm nhận rõ ràng

VN-Index đã có được tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp với mức gia tăng thanh khoản ngày càng cao cũng như tâm lý hào hứng có thể cảm nhận rõ ràng.

Tuy nhiên các chuyên gia lại nhìn nhận sự hưng phấn cao trào đó có thể là một yếu tố cần thận trọng. Thị trường hiện đang được dẫn dắt bởi kỳ vọng tương lai "hậu Covid" và dòng tiền nhàn rỗi quá lớn trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp.

Mặc dù không phủ nhận tính hợp lý trong kỳ vọng, nhưng cũng có ý kiến phân tích cho rằng những kỳ vọng đó dựa trên giả định và dễ thay đổi. Thậm chí có thể nền kinh tế năm 2021 khó tốt bằng năm 2019. Dòng tiền trên thị trường xuất phát từ các nhà đầu tư mới đang tạo nên sự khác biệt so với các giai đoạn trước.

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh mẽ và chưa có nhiều dấu hiệu kết thúc. Tỷ trọng cổ phiếu vẫn được duy trì ở mức cao, thậm chí là tăng tỷ trọng. Tuy vậy vẫn có ý kiến giữ nguyên danh mục và canh chốt lời khi thị trường đang tiến dần vào vùng kháng cự mạnh.

Xu thế dòng tiền: Đà tăng đang hưng phấn, đâu là điểm yếu? - Ảnh 1Dòng vốn đổ vào thị trường trong giai đoạn hiện nay chủ yếu đến từ các nhà đầu tư F0. Họ vẫn đang tận hưởng cảm giác chiến thắng, nhưng kinh nghiệm là điểm yếu của nhóm nhà đầu tư này.
ĐÀO TUẤN TRUNG

Nguyễn HoàngVnEconomy

VN-Index đã xác lập tuần thứ 5 liên tiếp tăng điểm và đã chạm đỉnh cao nhất năm 2019. Dòng tiền vào thị trường vẫn duy trì mức rất cao, tâm lý rất hưng phấn, chứng khoán thế giới liên tục lập đỉnh, vắc-xin Covid sắp được tiêm... Tuy nhiên phải trả lời câu hỏi "Đâu là điểm yếu của thị trường lúc này", anh chị sẽ trả lời như thế nào?

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi cho rằng điểm yếu của thị trường ở thời điểm hiện tại có lẽ là sự lệch pha giữa thực trạng 1 nền kinh tế, sức khỏe doanh nghiệp vẫn đang trong trạng thái phục hồi sau giai đoạn hứng chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trái ngược với 1 thị trường chứng khoán hưng phấn với nhiều cổ phiếu vượt đỉnh, cùng dòng tiền mạnh mẽ.

Tôi không cho rằng sự lệch pha này là điều phi lý khi thị trường ở thời điểm hiện tại đang được nâng đỡ bởi những kỳ vọng vào triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm sau, bên cạnh những động lực khác đến từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cùng diễn biến tích cực của chứng khoán toàn cầu.

Dù vậy, kỳ vọng là yếu tố không chắc chắn và rất dễ thay đổi. Kinh nghiệm đầu tư trong vài năm trở lại đây cho thấy bất kỳ thời điểm nào cũng có thể xuất hiện các hiện tượng Thiên Nga Đen (một sự kiện khó lường và không được dự báo trước, gây ra ra những hậu quả nghiệm trong cho nền kinh tế, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán toàn cầu), tương tự như chiến tranh thương mại hay Covid-19, và làm thay đổi kỳ vọng 1 cách nhanh chóng khiến xu hướng tăng bị đảo chiều.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Nhìn tổng thể từ dòng tiền, tâm lý và các yếu tố tác động bên ngoài,…tất cả các yếu tố đang rất thuận lợi hỗ trợ cho đà leo dốc của thị trường lúc này. Tuy vậy, cũng có những mặt hạn chế như: 1) Các yếu tố cơ bản chưa theo kịp mức tăng thần tốc của thị trường; 2) Mặc dù thanh khoản bình quân toàn thị trường (cả 3 sàn) liên tục lập mức kỷ lục (theo tháng) từ mức 9.642 tỷ đồng ở tháng 10 lên 10.037 tỷ đồng tháng 11 và 13.576 tỷ đồng ở tuần đầu tháng 12 nhưng cơ cấu dòng tiền phần lớn tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng (chiếm gần hơn 1/3 toàn thị trường) và 3) Rủi ro về kỹ thuật khi thị trường đã tăng hơn 4 tháng liên tiếp nên nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá mua. 

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Nếu phải nói 1 yếu tố khiến thị trường chao đảo hoặc điều chỉnh hoặc điểm yếu mang tính riêng có của thị trường có lẽ là tâm lý thị trường, tâm lý nhà đầu tư.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nói thị trường chứng khoán bao gồm 75% là tâm lý và chỉ 25% đó thuộc về tài chính. Điều này có hàm ý rằng một khi nhà đầu tư lo sợ về những biến động bất thường, sự kiện khó đoán định thì người ta dễ hành xử cảm tính nhất.

Mối lo ngại thị trường sẽ phải điều chỉnh, lo ngại về những ca Covid_19 có tiềm năng diễn ra tại Việt Nam, lo sợ về tính hiệu quả của Vaccin chữa Covid_19 đều là những nguyên nhân khiến tâm lý giao động và điều này sẽ gây ra những biến động mạnh trong ngắn hạn. Ngoài ra, điều chỉnh kỹ thuật cũng là điều chúng ta hay nhắc đến. Thị trường tăng liên tục cũng sẽ có phiên chốt lời bán ra và sẽ điều chỉnh trước khi quay lại xu hướng đi lên.

Xu thế dòng tiền: Đà tăng đang hưng phấn, đâu là điểm yếu? - Ảnh 2Nhìn chung thị trường chưa cho thấy đã kết thúc sóng tăng, có hay chăng chỉ là giai đoạn điều chỉnh hoặc điều chỉnh sideway một thời gian. Tín hiệu mà phiên giao dịch thứ 6 vừa qua vẫn chưa đủ khẳng định sóng tăng đã kết thúc.
LÊ ĐỨC KHÁNH

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi điểm yếu của thị trường lúc này là thị trường tăng nguyên nhân chủ yếu là do dòng vốn chuyển dịch từ tiền gửi ngân hàng sang đẩy thị trường đi lên đây là yếu tố ngắn hạn. Bản chất năm nay kinh tế cũng như nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh nên tình hình sẽ không tốt cũng như nền kinh tế năm 2021 khó để tốt bằng năm 2019. Mặt khác giai đoạn này thiếu vắng thông tin hỗ trợ trong nước.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Dòng vốn đổ vào thị trường trong giai đoạn hiện nay chủ yếu đến từ các nhà đầu tư F0. Họ vẫn đang tận hưởng cảm giác chiến thắng, nhưng kinh nghiệm là điểm yếu của nhóm nhà đầu tư này. Khi thị trường xuất hiện những diễn biến xấu ngoài dự đoán, nhóm nhà đầu tư này khó có khả năng kiểm soát tốt tâm lý, dân đến những quyết định đầu tư sai lầm.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Dòng tiền ngoại đang mua vào rất tốt (nếu không tính thỏa thuận bán ròng DIG) tuần này. Cách đây 2 tuần anh chị vẫn chưa nhìn thấy tín hiệu chắc chắn về sự quay lại của dòng vốn ngoại. Còn lúc này thì sao?

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Khối ngoại có dấu hiệu mua ròng trở lại trên sàn khi xu hướng bán ròng đang giảm nhanh chóng từ mức 7.230 tỷ trong tháng 10 xuống 3.081 tỷ trong tháng 11 và tuần đầu tháng 12 chỉ còn 165 tỷ đồng.

Khối này bắt đầu trở lại mua ròng từ 18/11 và tuần đầu tháng 12 họ mua ròng 4/5 phiên với giá trị mua ròng 706 tỷ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh, đây cũng là mức mua ròng cao nhất trong 17 tuần.

Tôi cho rằng tín hiệu tích cực từ khối ngoại ngày càng rõ nét khi trong tuần vừa qua họ đã mua ròng trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn như Ngân hàng, Vingroup, Thực phẩm, rổ ETF nội…nhân tố kéo dòng vốn ngoại quay trở lại được hỗ trợ bởi thông tin tích cực về vắc xin và từ đà suy yếu của đồng USD.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Theo tôi hoạt động mua ròng của khối ngoại chủ yếu đến từ việc MSCI nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam. Vẫn cần thêm thời gian để xác nhận khối ngoại thực sự quay trở lại mua ròng sau giai đoạn bán ròng rất mạnh từ đầu năm.

Xu thế dòng tiền: Đà tăng đang hưng phấn, đâu là điểm yếu? - Ảnh 3Nhìn chung từ vùng giá hiện tại trở lên tôi có cái nhìn thận trọng hơn với diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Một nhịp nghỉ, tích lũy ở thời điểm hiện tại có lẽ là cần thiết để giúp giải tỏa áp lực chốt lời.
TRẦN ĐỨC ANH

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Đúng là số liệu giao dịch trong 11 tháng của khối khoại đã cho thấy họ bán ròng mạnh trên thị trường Việt Nam. Tháng 12 là tháng mà các quỹ đầu tư theo chỉ số, quỹ ETFs mua bán đảo danh mục và việc nâng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 cũng có khả năng diễn ra nhất là thị giá của các cổ phiếu nhóm này vẫn chưa tăng nhiều, các quỹ ETFs nội ngoại đều có thể nâng tỷ trọng ví dụ như các cổ phiếu ngân hàng chưa kể các quỹ cổ phiếu khác.

Tuy nhiên việc khối ngoại mua ròng trong một số phiên gần đây chưa thể khẳng định xu hướng mua ròng sẽ diễn ra trong tháng 12 nhất là 2 tuần cuối tháng 12 là thời điểm khó đoán định về diễn biến giao dịch. Dù sao việc khối ngoại mua ròng hay bán ròng hiện tại đã không còn quan trọng nhiều như thời gian trước đây. Chúng ta đừng quên rằng thị trường Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn trước mắt nhà đầu tư ngoại. Theo tôi chậm nhất là đầu năm 2021, khối ngoại sẽ gia tăng giải ngân trở lại.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi không chắc về việc khối ngoại sẽ quay trở lại giải ngân mạnh mẽ trong thời gian tới. Dù vậy, các tín hiệu đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định động thái bán ròng dồn dập của khối này, đặc biệt trong tháng 10, đã chấm dứt.

Các phiên mua/bán ròng đã có sự đan xen hơn nếu không muốn nói là lực mua có phần chiếm ưu thế. Điều này cũng khớp với các quan sát về chuyển động của dòng vốn đầu tư toàn cầu trong thời gian gần đây, có xu hướng chảy nhiều hơn vào các tài sản mang tính rủi ro cao như các thị trường chứng khoán cận biên và mới nổi (bao gồm Việt Nam), khi mà các yếu tố rủi ro toàn cầu dần hạ nhiệt (vaccine Covid-19, bầu cử Mỹ), cùng với đó là 1 đồng USD suy yếu.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Giai đoạn này động thái quay lại mua ròng của khối ngoại đã tích cực hơn rất nhiều. Mặc dù vậy có thể thấy tuy dòng vốn ngoại quay lại nhưng mức độ mua ròng vẫn chưa lớn, nhất là với thanh khoản thị trường hiện nay.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Nhà đầu tư thường hay cho rằng hiện tượng blue-chips thoái trào, hàng đầu cơ lên ngôi là đoạn cuối của sóng tăng. Cuối tuần này thị trường cũng đã xuất hiện hiện tượng đó. Anh chị có cho rằng đây là tín hiệu tin cậy?

Xu thế dòng tiền: Đà tăng đang hưng phấn, đâu là điểm yếu? - Ảnh 4Thị trường đã có quá trình tăng dài và chưa xuất hiện nhịp điều chỉnh khá. Khi có dấu hiệu hàng đầu cơ lên ngôi ít nhất chúng ta cần thận trọng theo dõi sát danh mục đầu tư.
NGUYỄN VIỆT QUANG

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi tín hiệu này là một tín hiệu đáng để theo dõi kết hợp thị trường đã có quá trình tăng khá dài và chưa xuất hiện nhịp điều chỉnh khá. Khi có dấu hiệu hàng đầu cơ lên ngôi ít nhất chúng ta cần thận trọng theo dõi sát danh mục đầu tư. Khi dòng tiền rút ra khỏi blue-chips chảy vào hàng đầu cơ sau đó nếu dòng tiền từ đầu cơ mà rút ra là tín hiệu khả năng thị trường tạo đỉnh là rất cao.

Ông Lê Đức KhánhGiám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Có thể nói là tùy vào giai đoạn nào, thời điểm nào trong năm hay sóng tăng đã tăng được bao lâu, nhất là vẫn dựa trên yếu tố giá và khối lượng để đưa ra dự đoán. Nhìn chung thị trường chưa cho thấy đã kết thúc sóng tăng, có hay chăng chỉ là giai đoạn điều chỉnh hoặc điều chỉnh sideway một thời gian. Tín hiệu mà phiên giao dịch thứ 6 vừa qua vẫn chưa đủ khẳng định sóng tăng đã kết thúc.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Dòng tiền ngắn hạn của thị trường có xu hướng dịch chuyển luân phiên giữa các phân lớp cổ phiếu. Nếu như ở giai đoạn cuối tháng tháng 11, nhóm vốn hóa lớn thu hút được dòng tiền để tăng điểm trong khi phần còn lại có xu hướng điều chỉnh giảm thì ở những phiên đầu tháng 12, dòng tiền lại đổ mạnh hơn vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khi mà nhóm vốn hóa lớn biến động lình xình.

Điều này cũng dễ hiểu khi  bản chất dòng tiền đầu cơ là tìm kiếm cơ hội liên tục nên khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lình xình thì có một phần dòng tiền chạy vào các số cổ phiếu nhỏ có câu chuyện riêng. Cổ phiếu có câu chuyện riêng thì luôn hấp dẫn bởi vì khi tăng thì ít nhất cũng 20-30% hoặc có lúc tăng gấp đôi, gấp 3 lần. Nhờ sự luân chuyển đều của dòng tiền mà thị trường luôn giao dịch sôi động.

Tuy nhiên, giải ngân vào cổ phiếu tăng nóng luôn có rủi ro cao bởi nếu thông tin không đúng kỳ vọng nhà đầu tư thì giá có thể giảm đúng phần tăng trước đó và hiện tượng sàn liên tục là không tránh khỏi. Với tính chất lợi nhuận cao đi kèm rủi ro cao, nhà đầu tư trước khi tham gia phải xác định được mức độ chịu đựng, khẩu vị rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Tôi không đánh giá cao nhận định hiện tượng bluechips thoái trào, hàng đầu cơ lên ngôi là tín hiệu cho thấy sóng tăng dần đi đến hồi kết. Thực tế thì phản ứng của thị trường mỗi giai đoạn 1 khác, và nhìn chung việc dòng tiền có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu trong 1 sóng tăng là điều hoàn toàn bình thường.

Hơn thế nữa, ở thời điểm hiện tại, nhóm cổ phiếu hàng đầu cơ mới chỉ có sự tăng giá ở vài cổ phiếu đơn lẻ chứ chưa thực sự hình thành sóng mạnh như trong 1 vài giai đoạn quan sát thấy trong quá khứ.

Xu thế dòng tiền: Đà tăng đang hưng phấn, đâu là điểm yếu? - Ảnh 5Tôi cho rằng tín hiệu tích cực từ khối ngoại ngày càng rõ nét khi trong tuần vừa qua họ đã mua ròng trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn như Ngân hàng, Vingroup, Thực phẩm, rổ ETF nội…nhân tố kéo dòng vốn ngoại quay trở lại được hỗ trợ bởi thông tin tích cực về vắc xin và từ đà suy yếu của đồng USD.
NGÔ QUỐC HƯNG

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Nhóm cổ phiếu blue-chips đã có một nhịp tăng khá mạnh nên cần thêm thời gian để tích lũy. Với lượng tiền rẻ tràn ngập trên thị trường, việc dòng tiền chảy vào hàng đầu cơ chưa tăng nhiều là chuyện bình thường. Nhà đầu tư sợ hãi với hiện tượng trên có thể bỏ lỡ những cơ hội tiếp theo xuất hiện trên thị trường.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Tuần trước anh chị hầu hết chỉ đảo hàng mà chưa chốt lời, vậy tuần này thì sao, tỷ trọng cổ phiếu được gia tăng hay giảm đi?

Ông Lê Đức Khánh Giám đốc phân tích Chứng khoán VPS

Tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ cấu lại danh mục để tập trung vào những cổ phiếu có khả năng tăng mạnh nhất. Tôi vẫn luôn quan tâm đến hiệu quả của hoạt động đầu tư và chỉ đầu tư tập trung hơn là mua bán danh mục dàn trải. Những cổ phiếu tăng chậm, cổ phiếu mua sai hay đơn giản là doanh nghiệp thiếu đi chất xúc tác để có thể là doanh nghiệp triển vọng cũng là những cổ phiếu tôi muốn thanh lý trong giai đoạn này.

Ông Trần Đức AnhGiám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán KBS

Nhìn chung từ vùng giá hiện tại trở lên tôi có cái nhìn thận trọng hơn với diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Một nhịp nghỉ, tích lũy ở thời điểm hiện tại có lẽ là cần thiết để giúp giải tỏa áp lực chốt lời.

Dù vậy, với danh mục đầu tư cá nhân có chiến lược hạn chế tối đa các hoạt động trading ngắn hạn, tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình cao khi chưa nhận thấy các rủi ro đáng kể về mặt cơ bản có thể gây áp lực lên xu hướng tăng của thị trường trong trung/dài hạn.

Ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích Chứng khoán VietinBank

Tuần qua tôi đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu/tiền lên mức 60/40.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường Chứng khoán MBS

Thị trường đang trong quá trình vượt đỉnh năm 2019, khả năng hướng tới các mốc cao hơn trong tuần sau ở 1.030 – 1.050 điểm nhưng sẽ có rung lắc mạnh ở vùng 1.025 – 1.037 điểm. Dòng tiền tuy có hiện tượng giảm ở nhóm bluechips để chuyển sang nhóm midcap nhưng về cơ bản thì nhóm vốn hóa lớn như Ngân hàng, thực phẩm hay Vingroup vẫn đóng vai trò giữ nhịp thị trường và nâng đỡ chỉ số. Do vậy, chiến lược giao dịch về cơ bản là hạ bớt tỷ trọng ở nhóm Bluechips, cơ cấu sang nhóm Midcap hoặc các cổ phiểu trong rổ ETF, giữ nguyên tỷ trọng danh mục.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tỷ trọng cổ phiếu tôi vẫn giữ nguyên và theo dõi sát để canh chốt lời khi cổ phiếu nắm giữ tiến sát vùng kháng cự mạnh cũng như có dấu hiệu suy yếu hoặc phân phối.