21:14 13/10/2019

Xu thế dòng tiền: Đàm phán Mỹ - Trung có đủ lực giúp thị trường bùng nổ?

Nguyễn Hoàng

Trừ chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán toàn cầu cuối tuần qua đã không kịp phản ứng với kết quả đàm phán Mỹ - Trung. Mặc dù đạt kết quả được xem là tích cực, các chuyên gia vẫn đánh giá rất thận trọng về cơ hội bùng nổ

Trừ chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán toàn cầu cuối tuần qua đã không kịp phản ứng với kết quả đàm phán Mỹ - Trung. Mặc dù đạt kết quả được xem là tích cực, các chuyên gia vẫn đánh giá rất thận trọng về cơ hội bùng nổ.

Kỳ vọng đạt được thỏa thuận đã giúp các thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm tốt những ngày cuối tuần. Tuy nhiên việc chỉ đạt được thỏa thuận một phần cũng khiến chứng khoán Mỹ những phút cuối cùng trượt dốc khá mạnh. Mặc dù cùng đánh giá về cơ hội cải thiện tâm lý cũng như giao dịch, giúp thị trường ổn định hơn trong những phiên tới, các chuyên gia lại không quá lạc quan về cơ hội bùng nổ thật sự của thị trường trong nước.

Quan điểm thận trọng cho rằng các thỏa thuận đạt được vẫn cần được làm rõ hơn và các xác nhận cần thời gian. Nguy cơ thay đổi hay thậm chí là bùng phát căng thẳng trở lại vẫn có thể xảy ra. Thị trường trong nước vẫn chỉ đang tích lũy tích cực và cơ hội ngắn hạn vẫn chỉ là tiến đến ngưỡng 1.000-1005 điểm.

Liên quan đến kết quả kinh doanh quý 3, các chuyên gia cũng không cho rằng hiệu ứng "tạo sóng" của các thông tin này đủ lớn. Thực tế đã cho thấy sóng kết quả kinh doanh quý 3 không phải là sóng mạnh mà chỉ đủ tạo sự phân hóa trên cổ phiếu, không đủ thay đổi tạo thay đổi đột biến đến xu hướng chung.

Sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế và các chuyên gia vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu dưới trung bình. Chiến lược chờ đợi vượt 1.005 điểm của VN-Index vẫn được lựa chọn, hoặc chỉ giải ngân thăm dò cho mục đích trung dài hạn.

Xu thế dòng tiền: Đàm phán Mỹ - Trung có đủ lực giúp thị trường bùng nổ? - Ảnh 1Thị trường vẫn đi ngang ở biên độ hẹp và cũng khó có thể nói thị trường sẽ tăng mạnh ngay và luôn khi mà nhà đầu tư vẫn còn đó lo ngại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào trước khi thỏa thuận chính thức hoàn tất.
ÔNG TRẦN HỮU PHÚC

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Trừ 2 phiên đầu tuần biến động khá mạnh, những ngày sau đó thị trường khá ổn định nhưng VN-Index nhiều lần không vượt qua được mốc 990 điểm và thanh khoản giảm. Theo anh chị đó là biểu hiện của một thị trường yếu, hay đơn giản chỉ là nhà đầu tư hạn chế giao dịch để chờ đợi kết quả cuộc đàm phán Mỹ - Trung?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường – VietinBank Securities

Đúng là theo dõi diễn biến thị trường tạo cảm giác thị trường khá yếu với việc khối ngoại vẫn liên tục bán ròng không ngừng nghỉ và dòng tiền vẫn tỏ vẻ khá thờ ơ. Dòng tiền chỉ tham gia vào mạnh khi chỉ số VN-Index có xu hướng tạo đáy hoặc đầu cơ tại những cổ phiếu có "game riêng" và sau đó rút đi rất nhanh.

Bên cạnh đó, tình trạng thị trường yếu cũng là do bị gián tiếp ảnh hưởng bởi diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Nếu căng thẳng thương mại thật sự được giải quyết thì sẽ là một cú hích lớn cho thị trường khi gánh nặng tâm lý của nhà đầu tư được cởi bỏ.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN-Index ghi nhận một tuần tăng điểm nhẹ dưới sự dẫn dắt của một nhóm nhỏ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số mở cửa tuần với những diễn biến tiêu cực khi áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng tại ngưỡng 990 điểm khiến chỉ số chung chịu áp lực điều chỉnh giảm trong các phiên đầu tuần và thậm chí đã có thời điểm chỉ số tiệm cận ngưỡng 980 điểm nhưng lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh mẽ trong phiên đã khiến chỉ số hồi phục và giữ vững mốc 985 điểm.

Tuy nhiên, các phiên sau đó chỉ số chủ yếu dao động trong biên độ hẹp (986 – 990 điểm) mà không có sự bứt phá đáng kể nào do sự phân hóa trong nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Sang tới phiên cuối tuần, lực cầu ở một nhóm nhỏ các cổ phiếu "trụ" như VIC, VNM, VCB,… đã giúp chỉ số đóng cửa tuần vượt trên mức 990 điểm. Thanh khoản tính chung cả tuần không biến động quá lớn so với tuần trước. Kết tuần giao dịch, VN-Index tăng 4.25 điểm (+0.43%) và dừng tại mức 991.84 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0.10% lên mức 105.26 điểm.

VN-Index bật tăng sau khi kiểm định thành công mốc 980 điểm trong tuần cho thấy đây là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy trong ngắn hạn, thể hiện qua việc lực cầu bắt đáy luôn xuất hiện khá dồi dào tại ngưỡng hỗ trợ "mềm" này với trọng tâm là nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Bất động sản và Bán lẻ & tiêu dùng.

Chúng tôi cho rằng chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng dao động đi ngang trong vùng 980 -1,000 điểm trong một vài tuần sắp tới.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Sau khi thất bại trước ngưỡng kháng cự tâm lý 1000-1005 điểm, thị trường đã điều chỉnh và bước vào giai đoạn giằng co, đi ngang trong biên độ hẹp để tích lũy thêm xung lực và chờ đợi thêm các yếu tố hỗ trợ mới như kết quả cuộc đàm phán Mỹ-Trung, cuộc họp của FED, thông tin kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết...

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Về kỹ thuật VN-Index đang tích lũy ở cuối và giữa kênh giá hồi với dòng tiền ở mức bình thường đạt giá trị 2.780,3 tỷ đồng (chưa bao gồm giao dịch thỏa thuận), chưa tới mức yếu. Nhà đầu tư giao dịch ở mức vừa phải, đợi thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý 3 công bố dần và thông tin quan trọng từ kết quả cuộc đàm phán Mỹ.

Xu thế dòng tiền: Đàm phán Mỹ - Trung có đủ lực giúp thị trường bùng nổ? - Ảnh 2Mỹ-Trung đã đạt được những thỏa thuận khá tích cực trong cuộc đàm phán vào cuối tuần qua. Điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường có diễn biến khởi sắc trong tuần tới và VN-Index sẽ có cơ hội thử thách lại vùng kháng cự 1000-1005 điểm một lần nữa.
ÔNG TRẦN XUÂN BÁCH

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Do lệch một ngày so với Việt Nam nên kết quả cuộc đàm phán thương mại sẽ chỉ biết được vào cuối tuần. Nếu đàm phán có kết quả, liệu thị trường sẽ thăng hoa?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Vòng đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung bắt đầu vào ngày thứ Năm đã kết thúc vào ngày thứ Sáu. Hai nước đã đạt thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với các nhất trí về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và Trung Quốc mua một lượng lớn hàng hóa nông sản của Mỹ. Thỏa thuận một phần này là bước tiến quan trọng nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đã kéo dài 15 tháng qua giữa hai nước. Nhờ thông tin tích cực này, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm mạnh những phiên gần đây.

Quay trở lại thị trường chứng khoán Việt nam, thị trường vẫn đi ngang ở biên độ hẹp và cũng khó có thể nói thị trường sẽ tăng mạnh ngay và luôn khi mà nhà đầu tư vẫn còn đó lo ngại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào trước khi thỏa thuận chính thức hoàn tất.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường – VietinBank Securities

Với nhận định thận trọng, chúng tôi cho rằng kể cả đàm phán thương mại giữa Mỹ - Trung có đạt được một số kết quả tích cực thì cũng vẫn chưa đủ để khiến cho thị trường thật sự bùng nổ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump luôn được biết tới với những thay đổi bất ngờ vào phút cuối có thể làm đảo lộn hoàn toàn các nhận định ban đầu. Tuy nhiên, chúng tôi không phủ nhận rằng kết quả khả quan về cuộc đàm phán sẽ góp phần cải thiện diễn biến giao dịch trên thị trường hiện nay khi nhà đầu tư tự tin hơn.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Mỹ-Trung đã đạt được những thỏa thuận khá tích cực trong cuộc đàm phán vào cuối tuần qua. Điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường có diễn biến khởi sắc trong tuần tới và VN-Index sẽ có cơ hội thử thách lại vùng kháng cự 1000-1005 điểm một lần nữa.

Cá nhân tôi vẫn kỳ vọng và một diễn biến tích cực cho thị trường với khả năng hướng đến các mốc kháng cự cao hơn trong quý cuối năm.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng kết quả đàm phán giữa 2 cường quốc hàng đầu có kết quả tích cực sẽ tác động tốt đến VN-Index trong ngắn hạn, thị trường vẫn đang tích lũy tích cực.

Xu thế dòng tiền: Đàm phán Mỹ - Trung có đủ lực giúp thị trường bùng nổ? - Ảnh 3Với việc bán ròng cổ phiếu liên tục của khối ngoại cùng với việc dòng tiền vẫn thờ ơ đứng ngoài thì tôi nghĩ hiệu ứng của kết quả kinh doanh quý 3 cũng khó đủ mạnh để có thể tạo sóng trên thị trường.
ÔNG NGUYỄN HOÀNG VIỆT

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Tuần qua nhóm cổ phiếu ngân hàng xuất hiện thông tin kết quả kinh doanh tốt nhưng diễn biến cũng không thật tích cực. Một số doanh nghiệp công bố lợi nhuận nhưng giá lại giảm. Theo anh chị liệu hiệu ứng của kết quả kinh doanh quý 3 có đủ mạnh để tạo sóng cho thị trường, hay sẽ là những "game" của cổ phiếu cụ thể mà thôi?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng, kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ khá nhiều cho thị trường trong giai đoạn đầu khi mà các cổ phiếu bluechips có triển vọng lợi nhuận tích cực sẽ công bố báo cáo trước.

Tuy nhiên, về tổng thể, mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3 sẽ khó tạo ra sức ảnh hưởng mang tính đột biến đến xu hướng chung của thị trường. Thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm cổ phiếu tuy thuộc vào kết quả lợi nhuận cụ thể của từng doanh nghiệp.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường đang xảy ra hiện tượng là khi kết quả kinh doanh được công bố thì giá cổ phiếu giảm trở lại. Hiện tượng này có thể được hiểu là nhà đầu tư đã dự báo được đúng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và "sell in the good news" (bán khi ra tin) đã được áp dụng.

Theo quan sát của chúng tôi thường sóng quý 3 không phải là sóng mạnh nhất. Thị trường sẽ tiếp tục phân hóa khi kết quả kinh doanh dần hé lộ.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng hiệu ứng kết quả kinh doanh quý 3 tốt kết hợp với thông tin đàm phán Mỹ - Trung tích cực có tác động tốt tới thị trường tăng trong ngắn hạn. Thị trường đang phân hóa, những cổ phiếu cơ bản tốt và kết quả kinh doanh hiệu quả vẫn được nhà đầu đánh giá cao.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường – VietinBank Securities

Với việc bán ròng cổ phiếu liên tục của khối ngoại cùng với việc dòng tiền vẫn thờ ơ đứng ngoài thì tôi nghĩ hiệu ứng của kết quả kinh doanh quý 3 cũng khó đủ mạnh để có thể tạo sóng trên thị trường.

Mặc dù vậy, những cổ phiếu có kết quả báo cáo tốt vẫn là những lựa chọn khá hợp lý cho nhà đầu tư.

Xu thế dòng tiền: Đàm phán Mỹ - Trung có đủ lực giúp thị trường bùng nổ? - Ảnh 4Tôi cho rằng hiệu ứng kết quả kinh doanh quý 3 tốt kết hợp với thông tin đàm phán Mỹ - Trung tích cực có tác động tốt tới thị trường tăng trong ngắn hạn. Thị trường đang phân hóa, những cổ phiếu cơ bản tốt và kết quả kinh doanh hiệu quả vẫn được nhà đầu đánh giá cao.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Nếu đánh cược về khả năng thành công của đàm phán thương mại Mỹ - Trung thì chiến lược đón đầu là mua trước, anh chị thì sao, đã tăng tỷ trọng cổ phiếu lên chưa?

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường – VietinBank Securities

Tôi vẫn tuân thủ chiến lược giao dịch đã đề ra ban đầu và sẽ chỉ giải ngân nếu chỉ số VN-Index vượt kháng cự mạnh 1,000 điểm thành công hoặc ở tại các ngưỡng hỗ trợ hợp lý hấp dẫn.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường Việt nam đi ngang lình xình trong thời gian khá lâu và dường như không mấy liên quan đến vận động của thị trường thế giới. Dự báo VN-Index tiếp tục đi ngang do đó chúng tôi tái cơ cấu danh mục theo hướng tích lũy dần và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung-dài hạn, với trọng tâm là các cổ phiếu tăng trưởng có triển vọng kinh doanh tích cực trong Q4.2019.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi nhà đầu tư nên tập trung vào những cổ phiếu có cơ bản tốt, kết quả kinh doanh hiệu quả để giải ngân 1 phần thăm dò.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng của mình ở mức 40% cổ phiếu. Việc mở các vị thế mua mới nâng tỷ trọng sẽ chỉ được tôi thực hiện khi thị trường bứt phá thành công qua vùng kháng cự 1000-1005 điểm.