Xu thế dòng tiền: Điều chỉnh chưa xong?
Thị trường đã điều chỉnh mạnh liên tục như dự kiến của các chuyên gia và mặc dù có phiên đảo chiều tăng cuối tuần, nhịp điều chỉnh này vẫn chưa kết thúc
Thị trường đã điều chỉnh mạnh liên tục như dự kiến của các chuyên gia và mặc dù có phiên đảo chiều tăng cuối tuần, nhịp điều chỉnh này vẫn chưa kết thúc.
Các chuyên gia cho rằng phiên tăng cuối tuần chỉ là phiên hồi giá bình thường trong nhịp giảm đang diễn ra. Mức độ hồi thường không kéo dài và sẽ quay lại xu thế giảm.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng kỳ vọng một vài yếu tố tích cực. Đó là phản ứng của dòng tiền trên thị trường phản ánh sự thận trọng và hoài nghi nhiều hơn là các phản ứng mang tính hoảng loạn tiêu cực. Xu hướng giảm vẫn sẽ duy trì trong các phiên tới nhưng tốc độ giảm sẽ không còn nhanh như các phiên đầu tuần.
Thị trường giai đoạn này được cho là đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ, xu thế tăng ngắn hạn đã gãy và nhiều thông tin khó khăn như khả năng leo thang căng thẳng thương mại, FED tăng lãi suất, các quỹ ETF cơ cấu danh mục. Thị trường có thể còn chịu nhiều áp lực.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Sau 4 phiên giảm mạnh tới gần 40 điểm ngay sau ngày nghỉ lễ, thị trường đã có phiên cuối tuần khá tưng bừng. Anh chị một lần nữa lại đúng về nhịp điều chỉnh ngắn hạn này. Mức điều chỉnh như vậy đã đủ để kết thúc hay chưa?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Sau 7 tuần tăng điểm liên tiếp trước đó, VN-Index đã có một tuần điều chỉnh giảm khá mạnh đồng thời đánh mất mốc 1.000 điểm. Căng thẳng thương mại Mỹ -Trung leo thang vẫn là quan ngại lớn nhất trên thị trường tại thời điểm này và ảnh hưởng đáng kể đến chuyển động của dòng tiền trong giai đoạn trước mắt.
Tuy nhiên, tôi đánh giá phản ứng hiện tại của dòng tiền thiên nhiều hơn về xu hướng thận trọng và hoài nghi hơn là phản ứng mang tính hoảng loạn tiêu cực.
Việc thị trường liên tục giảm 4 phiên trong tuần qua đã khiên cho VN-Index diễn biến xấu, thủng ngưỡng trung bình 20 phiên và gẫy xu hướng tăng ngắn hạn. Ngưỡng 950 điểm tương đương MA50 phiên sẽ phát huy vai trò ngưỡng hỗ trợ cứng.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại khi thị trường bị thiếu vắng thông tin, xu hướng tăng ngắn hạn bị gẫy thì việc giảm tỷ trọng trong danh mục đầu tư là cần thiết.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Về mặt kỹ thuật, phiên tăng điểm mạnh vào thứ sáu tuần rồi chỉ là phiên hồi trong một sóng giảm đã được xác định trước đó. Mà đã là sóng hồi thì thường sẽ không kéo dài, độ dài phổ biến từ 3 đến 4 phiên trong đó thường có 2 phiên hồi và 1-2 phiên giằng co sau đó lại giảm tiếp. Chính vì vậy tôi cho rằng khả năng sóng điều chỉnh chưa thể chấm dứt trong ngắn hạn.
Tuy nhiên có một điểm tích cực là do sóng tăng trước đó kéo dài 2 tháng nhưng mức độ tăng rất nhẹ và có sự xoay chuyển dòng tiền liên tục nên áp lực giảm sâu trong đợt này là không cao, khả năng sẽ còn giảm nhưng tốc độ giảm sẽ chậm hơn so với 3 phiên đầu tuần rồi.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng Ngâu với lượng thanh khoản trung bình. Chỉ số VN-Index có sự phục hồi tốt trong phiên khi tăng lại 1.12% đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên 968.9 điểm. Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục trong phiên giao dịch đầu tuần tới và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức kháng cự 978 điểm.
Điểm tích cực là lực cầu gia tăng tại các mức giá thấp ở nhóm Largecaps. Đồng thời, với đà giảm trong tuần giao dịch 3 - 7/9/2018, nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn cho nên nhịp hồi phục kỹ thuật có thể sẽ được xuất hiện trong vài phiên tới.
Theo đồ thị tuần, tôi đánh giá thị trường có thể sẽ còn bước vào giai đoạn tích lũy trong tuần giao dịch tới, tức là thị trường sẽ có trạng thái đi ngang quanh đường trung bình 20 tuần (mức 983 điểm của chỉ số VN-Index).
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Chúng tôi cho rằng hiện vẫn còn hơi quá sớm để kết luận rằng nhịp điều chỉnh đã kết thúc chưa trong bối cảnh rủi ro thông tin vĩ mô vẫn còn khá lớn với việc Mỹ áp thuế thêm 200 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc và việc FED sẽ tiếp tục nâng mức lãi suất vào cuối tháng 9.
Bên cạnh đó, tuy khối ngoại đã quay lại mua ròng khá mạnh trong phiên thứ sáu 7/9 nhưng theo thống kê của chúng tôi thì xu hướng chủ đạo trong 10 phiên giao dịch gần nhất của nhóm này vẫn là bán ròng. Do đó, dòng tiền lớn khối ngoại hiện vẫn chưa cho thấy dấu hiệu quay trở lại thị trường một cách ổn định và chắc chắn.
Cuối cùng, nhà đầu tư cũng đừng quên việc các quỹ ETF sẽ tiến hành tái cơ cấu lại danh mục trong trung tuần tháng 9, tiếp tục gây thêm áp lực lên thị trường. Do đó, chúng tôi nhận định nhiều khả năng các phiên điều chỉnh như vừa qua sẽ còn tiếp tục ít nhất là cho tới khi các quỹ ETF trên tiến hành tái cơ cấu xong danh mục.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Có điểm thường khiến nhà đầu tư nghi ngại về những phiên phục hồi như cuối tuần qua là thanh khoản hơi thấp. Quả thực hai ngày cuối tuần thanh khoản chỉ ở mức trung bình kém. Anh chị đánh giá yếu tố này như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Lượng thanh khoản trung bình trong tháng Ngâu vừa qua là 5.076 tỷ đồng thấp hơn nhiều so với thanh khoản trung bình từ đầu năm đến nay khoảng 7.000 tỷ đồng. Việc thị trường có thanh khoản thấp như vậy bời vì chúng ta vừa trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh, kết thúc sóng 4 lớn của thị trường.
Giai đoạn hiện tại có thể nói thị trường đang là sóng 2 nhỏ của của con sóng 5 lớn, và khi thị trường đi lên từ đáy như vậy thanh khoản không thể nào cao như khi thị trường ở những con sóng cuối. Vì vậy tôi cho rằng thanh khoản thấp không phải là yếu tố quá đáng ngại với thị trường hiện tại.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index giảm khá mạnh trong tuần vừa qua. Cụ thể, chỉ số ghi nhận 4 phiên đầu tuần giảm điểm trước khi có một phiên hồi phục vào cuối tuần. Theo đó, chỉ số kết tuần đánh mất mốc 1.000 điểm nhưng vẫn giữ trên 950 điểm với thanh khoản ghi nhận sự sụt giảm nhất định. Hầu hết nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như các nhóm ngành chủ chốt đều ghi nhận một tuần giảm điểm nhưng đáng kể nhất vẫn là nhóm bất động sản và ngân hàng.
Đóng góp phần nào vào áp lực giảm giá, khối ngoại cũng bán ròng nhẹ khoảng hơn 70 tỷ trên cả 3 sàn. Như vậy tính đến hết tuần, VN-Index đạt 968,90 điểm (-2,09% so với tuần trước) còn HNX-Index đạt 111,70 điểm (-0,97% so với tuần trước).
04 phiên giảm mất hơn 40 điểm tương đương gần 5% đã khiến chỉ số VN-Index phát đi tín hiệu không tích cực. Phiên phục hồi cuối tuần với thanh khoản thấp chưa có dấu hiệu đảo chiều đáng tin cậy. Nhà đầu tư cần quan sát thêm thị trường những phiên giao dịch đầu tuần tới.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Thanh khoản chung trên toàn thị trường chỉ duy trì ở mức trung bình kém trong giai đoạn này là điều khá dễ hiểu do phần lớn tâm lý các nhà đầu tư đều lo sợ bất ổn leo thang của các rủi ro vĩ mô khiến cho dòng tiền tham gia vào thị trường trở nên thận trọng hơn.
Mặt khác, thị trường Việt Nam vẫn đang nằm trong xu thế tích lũy trong trung hạn nên thanh khoản chỉ duy trì ở mức trung bình kém theo đánh giá của chúng tôi là khá hợp lý.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng, nó cho thấy giá đã điều chỉnh về vùng hấp dẫn và dòng tiền đã thực sự quay lại hay chưa? Rõ ràng là chưa khi thanh khoản còn rất thấp, sự phục hồi chủ yếu đến từ dòng tiền đầu cơ tranh thủ bắt đáy trading T và dòng tiền này rất thiếu bền vững.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Trong kỳ trước anh chị cũng khá thống nhất coi yếu tố bất ổn về nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại có thể dẫn đến nhịp điều chỉnh hiện tại. Tuy vậy dường như thị trường lại không lo ngại nhiều, cụ thể là tuần tới các quyết sách mới có thể được áp dụng nhưng thị trường lại phục hồi trước. Nếu quả thực 200 tỷ USD hàng hóa sẽ bị đánh thuế, thị trường có vượt qua được áp lực thông tin đó? Theo anh chị nhà đầu tư nên phản ứng như thế nào?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Thực sự thị trường đã phản ánh trước đó rồi chứ không phải trong phiên cuối tuần. Ngoài thị trường Việt Nam, các thị trường chứng khoán mới nổi khác như Trung Quốc, Indonesia, Nam Phi hay các nước Đông Nam Á cũng đã giảm điểm khá mạnh.
Ngoài lo ngại về chiến tranh thương mại leo thang, nhà đầu tư còn dè dặt khi khả năng tăng lãi suất của FED là hiện hữu khi kinh tế Mỹ có thêm các tín hiệu khả năng về số lượng việc làm hay chỉ số lạm phát tiệm cận ngưỡng 2%. Nếu cả 2 điều này xảy ra thì dòng vốn sẽ tiếp tục bị rút khỏi thị trường mới nổi mặc dù nhiều quỹ đầu tư đã lên tiếng về việc giá cổ phiếu tại các thị trường này đang bắt đầu hấp dẫn.
Với những thông tin như vậy, tôi cho rằng thận trọng là cần thiết trong giai đoạn này, ít nhất là giúp chúng ta có thể bảo toàn vốn trong một giai đoạn thị trường biến động khó lường.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Như đã nhận định từ trước, những thông tin về chiến tranh thương mại Mĩ - Trung đã không còn ảnh hưởng quá lớn đến thị trường Việt Nam, nhiều khả năng với việc áp thuế 200 tỷ USD xảy ra thì tác động xấu đến thị trường Việt Nam chỉ trong một vài phiên. Vì vậy nhà đầu tư không nên quá bi quan dẫn đến bán tháo cổ phiếu.
Việc thị trường giảm mạnh và nhanh dẫn đến một vài cổ phiếu rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn, nhà đầu tư có thể canh những nhịp hồi để hạ tỉ trọng và cơ cấu lại danh mục.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ việc Mỹ quyết định đánh thuế thêm 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc do đã được phản ánh qua 4 phiên điều chỉnh liên tiếp của tuần vừa qua.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên đặc biệt thận trong giai đoạn này và nên duy trì tỷ lệ margin ở mức hợp lý do chúng tôi quan ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể tiếp tục leo thang lên mức cao hơn do hiện tại Mỹ vẫn đang tỏ ra yếu thế hơn so với Trung Quốc về thâm hụt thương mại đơn thuần và động thái đánh thuế 200 tỷ USD này chỉ là một nước đi nhằm san bằng lại "tỷ số".
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
4 phiên giảm mạnh đã khiến giá cổ phiếu rớt mạnh.Anh chị có giảm danh mục không, tỷ trọng còn lại như thế nào?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Cho đến hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục giữ nguyên quan điểm rằng thị trường vẫn đang dao động tích lũy trong quá trình các biến động kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước dần được phản ánh vào mặt bằng giá cổ phiếu. Theo đó, có khả năng sẽ có sự phân hóa nhất định trên thị trường khi dòng tiền chuyển sự chú ý về lại nhóm doanh nghiệp tăng trưởng hoặc một số doanh nghiệp đã tái cấu trúc thành công và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, cả nhà đầu tư ngắn hạn và dài hạn trong thời điểm hiện tại vẫn nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục khi mà thị trường đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ cho xu hướng đi lên.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tỷ trọng danh mục ngắn hạn của tôi vẫn duy trình ở mức 51% cổ phiếu và 49% tiền mặt. Tỷ trọng danh mục trung hạn ở mức 43% cổ phiếu và 57% tiền mặt.
Tuy nhiên xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức giảm trên hai chỉ số với mức kháng cự ở mức 1,021 điểm của chỉ số VN-Index và 115.39 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, tôi khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tích lũy cổ phiếu theo mức khuyến nghị. Trên quan điểm an toàn thì có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi chủ trương hạ danh mục và chỉ nắm những cổ phiếu thực sự tốt với tỷ trọng tương đối thấp.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Tôi vẫn duy trì danh mục đầu tư như hiện tại với 35% - 40% danh mục tập trung cho các cổ phiếu có nền tẳng cơ bản tốt cho mục tiêu trung - dài hạn với kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt trong Quý 4.