Xu thế dòng tiền: “Hụt hơi” tại đỉnh cũ, thị trường còn cơ hội đột phá?
Các chuyên gia đánh giá sự thận trọng đã xuất hiện rõ nét hơn khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt có tín hiệu mệt mỏi. Thực tế VN-Index tuần qua bị lôi kéo mạnh mẽ bởi cặp cổ phiếu VIC tăng 12,4% và VHM tăng 10,8%. Chỉ hai cổ phiếu này đã đem về tới 34,9 điểm dù tổng mức tăng của chỉ số cả tuần là 13,07 điểm...

Hai phiên tăng tốc khá tốt giữa tuần qua đã có lúc đưa VN-Index chạm tới vùng đỉnh cũ quanh 1340 điểm với mức cao nhất đạt 1331,93 điểm. Tuy nhiên thị trường đã “hụt hơi” khá rõ trong 2 ngày cuối tuần, đặc biệt thanh khoản bất ngờ giảm mạnh.
Các chuyên gia đánh giá sự thận trọng đã xuất hiện rõ nét hơn khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt có tín hiệu mệt mỏi. Thực tế VN-Index tuần qua bị lôi kéo mạnh mẽ bởi cặp cổ phiếu VIC tăng 12,4% và VHM tăng 10,8%. Chỉ hai cổ phiếu này đã đem về tới 34,9 điểm dù tổng mức tăng của chỉ số cả tuần là 13,07 điểm. Điều đó nghĩa là sức mạnh của hai trụ đã bù đắp đáng kể cho rất nhiều cổ phiếu khác giảm giá.
Dù vậy các chuyên gia cũng không đồng thuận trong nhận định thị trường có đang bị phân phối hay không. Các phiên đảo chiều giảm với thanh khoản cao và phiên tăng có thanh khoản thấp hơn vẫn chưa chênh lệch quá nhiều và đây mới là tín hiệu cảnh báo sớm. Thanh khoản cao được nhìn nhận là do giao dịch mạnh của các cổ phiếu đang trong xu hướng tăng tích cực.
Từ sự khác biệt trong quan điểm này, các chuyên gia cũng đánh giá cao hơn khả năng thị trường dao động đi ngang hoặc có thể lùi nhẹ trong lúc chờ đợi thông tin. Tuy vậy vẫn sẽ có sự xoay vòng dòng tiền khi nhiều cổ phiếu cơ bản tốt, có câu chuyện riêng vẫn đang ở nền giá thấp. Hoạt động đầu cơ ngắn hạn sẽ khó khăn hơn nhiều.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Thị trường có thêm một nhịp tăng T+ nữa trong tuần qua và VN-Index tiến vào vùng đỉnh tháng 3/2025 như anh chị kỳ vọng. Tuy nhiên trong khoảng 7 phiên trở lại đây đã xuất hiện những ngày tăng điểm thanh khoản thấp và những phiên quay đầu giảm có thanh khoản cao. Liệu đây có phải là tín hiệu quá trình phân phối đang diễn ra?

Tôi thừa nhận diễn biến thị trường hiện tại cần thận trọng hơn, khi lực cầu mua lên vùng giá cao đã chững lại trong khi áp lực cung chốt lời là hiện hữu. Dù vậy, tôi cho rằng đây là giai đoạn phân hóa và chắt lọc cao từ thị trường, chứ chưa phải quá trình phân phối.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta
Thị trường đã quay trở lại vùng đỉnh tháng 3/2025 trước khi thông tin thuế đối ứng được công bố. VN-Index đã hồi phục tương đối mạnh mẽ dù thiếu những thông tin hỗ trợ thị trường để quay lại chinh phục mốc 1320 điểm. Động lực chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh quý 1/2025 khởi sắc của doanh nghiệp đặc biệt là các mã “nhà Vin”. Tuy nhiên tôi cho rằng mốc 1320 là thách thức rất lớn để thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm hiện tại khi mà thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm trong những phiên vừa qua và quá trình phân phối ở đỉnh đang diễn ra.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Trên khung ngày, sự xuất hiện đan xen của các mẫu nến điều chỉnh với khối lượng có phần cao hơn tương đối cũng cho thấy áp lực phân phối đang có phần thắng thế, nhất là khi một số chỉ báo động lượng đã tạo phân kỳ âm. Mặc dù những tín hiệu này mới chỉ là tín hiệu cảnh báo sớm, tuy nhiên, điều này cho thấy cơ hội tiếp tục kéo dài nhịp hồi phục của chỉ số đang bị thu hẹp và chỉ số sẽ có rủi ro đảo chiều ngắn hạn khi tiếp cận các vùng kháng cự kế tiếp.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi thừa nhận diễn biến thị trường hiện tại cần thận trọng hơn, khi lực cầu mua lên vùng giá cao đã chững lại trong khi áp lực cung chốt lời là hiện hữu. Dù vậy, tôi cho rằng đây là giai đoạn phân hóa và chắt lọc cao từ thị trường, chứ chưa phải quá trình phân phối.
Nếu nhìn vào phần trăm số mã trên MA50 (ngưỡng xác nhận xu hướng trung hạn), vẫn chưa cải thiện trên mức 50%, nghĩa là đa phần các mã đều đang giao dịch dưới mức kháng cự trung hạn, chỉ số ít mã vượt trội là vượt lên được và giao dịch ở kênh trên. Thanh khoản gia tăng được đóng góp từ nhóm cổ phiếu giao dịch kênh trên này, còn những nhóm cổ phiếu suy yếu ở kênh dưới vẫn sẽ biểu thị kém và khớp lệnh thấp, khi dòng tiền chưa thật sự tìm đến.
Ông Trần Long Huân - Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
VN-Index vừa trải qua 3 tuần tăng liên tiếp với sự hỗ trợ lên điểm mạnh mẽ từ “nhóm Vin” và nhóm cổ phiếu ngân hàng TCB STB... Chỉ số lần lượt phá các mốc cản 1240 - 128x - 1320 điểm. Trong tuần 3 thấy rõ hiện tượng kéo xanh là chốt, “dí đạp” xuống là có cầu chủ động chờ bắt lên. VN-Index rung lắc trong phiên rồi kéo mạnh về cuối phiên, rũ bỏ nhà đầu tư, cầm hàng luôn sợ chỉnh và rụng hàng bị động, cầm tiền không dám xuống tay khi chỉ số gần chạm các mốc kháng cự mạnh.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Một thực tế khá bất lợi tuần qua là mặc dù VN-Index leo lên sát đỉnh cũ nhưng cổ phiếu lại không tăng được nhiều do hiện tượng kéo trụ là chính. Cơ hội để chọn được những mã mạnh ngày càng ít dù cũng vẫn có các cổ phiếu tăng tốt. Anh chị đánh giá cơ hội đầu cơ ngắn hạn lúc này thế nào?
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi đồng ý cơ hội chọn được cổ phiếu hiệu suất tốt giai đoạn này sẽ khó, khi sự phân hóa đang diễn ra mạnh. Phần trăm số cổ phiếu trên MA50 vẫn ở dưới mức 50%, nghĩa là đa phần các mã chưa thể vượt lên được kháng cự trung hạn mà đang giao dịch ở kênh dưới, chỉ có số ít mã dẫn dắt vượt trội là giao dịch ở kênh trên. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu nắm bắt được cấu trúc vận động, và dựa vào các chỉ báo đáng tin cậy, cơ hội giao dịch ngắn hạn luôn có. Điển hình, tôi nhận thấy nhịp tăng khá tốt trong tuần ở nhóm Tiện Ích (Điện), Đầu tư công, đã mang lại một số khoản lợi nhuận tốt.
Ông Trần Long Huân - Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Một thực tế đang diễn ra là VN-Index tiến gần tới đỉnh cũ nhưng khá nhiều mã cơ bản tốt vẫn nắm vùng giá tương đương khi chỉ số 1.100 điểm. Khi thị trường đang bước vào “uptrend” lớn tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư nắm bắt những cổ phiếu cơ bản tốt, có câu chuyện và giá ở gần nền hỗ trợ. Tôi nghĩ tuần tới dòng tiền sẽ chảy mạnh vào các cổ phiếu gần nền hỗ trợ, cụ thể là nhóm ngân hàng như ACB, EIB, VIB; Nhóm bất động sản như HDG, VCG, TCH, KDH; Một số mã có câu chuyện như HAG, PET; Nhóm chứng khoán chạm nền hỗ trợ như VIX quanh 13, VCI quanh 35.8-36....
Tôi cho rằng tuần mới sẽ có áp lực chốt lời ở “nhóm Vin” và một số mã ngân hàng STB, VCB, TCB, CTG. Dòng tiền dịch chuyển ngắn hạn vào nhóm trụ mới sẽ hỗ trợ VN-Index giữ vững thế trận có thể là MSN, VJC, GAS, SAB... Đoạn này khi chỉ số tiệm caanh vùng đỉnh cũ 134x... nhà đầu tư cần bình tĩnh quan sát và lựa hàng kỹ, tránh fomo.

Tôi cho rằng mốc 1320 là thách thức rất lớn để thị trường tiếp tục duy trì đà tăng điểm hiện tại khi mà thanh khoản có dấu hiệu sụt giảm trong những phiên vừa qua và quá trình phân phối ở đỉnh đang diễn ra.
Ông Nguyễn Việt Quang
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Theo tôi hiện tượng “kéo trụ” khiến cơ hội đầu cơ ngắn hạn thu hẹp nhưng không mất hẳn. Nhóm cổ phiếu tiềm năng tập trung vào (1) mã midcap có kết quả kinh doanh quý 1 vượt trội, (2) ngành hưởng lợi chính sách, và (3) cổ phiếu kỹ thuật phá vỡ kháng cự kèm thanh khoản tăng đột biến.
Tuy nhiên, rủi ro cao do thị trường dễ điều chỉnh khi VN-Index chạm kháng cự. Vì vậy nên ưu tiên tập trung vào giao dịch lướt sóng với khung thời gian ngắn (1–3 phiên), đặt lệnh cắt lỗ sát (3–5%) và ưu tiên mã có thanh khoản tốt.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta
Theo quan điểm của tôi đây là thời điểm khó để nhà đầu tư có cơ hội lướt sóng ngắn hạn khi các mã cổ phiếu trụ của thị trường trong thời gian vừa qua đã tăng biên độ rất lớn như VIC tăng gần 130% từ tháng 3/2025 hay VHM tăng gần 80% cùng thời điểm. Một số cổ phiếu blue-chip khác cũng phục hồi 20-30% từ thời điểm công bố thuế đối ứng. Đặc biệt khi VN-Index đang kiểm tra ở kháng cự mạnh 1320 điểm thì cơ hội hiện tại là không nhiều.
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Trong lần trao đổi trước anh chị cũng không kỳ vọng thị trường có thể đột phá đỉnh cũ ở giai đoạn hiện tại do mặt bằng thông tin hỗ trợ chưa đủ mạnh. Vòng đàm phán thuế quan thứ 3 dự kiến tổ chức trong tháng 6 tại Việt Nam và hạn cuối khoảng đầu tháng 7, nghĩa là khoảng trống thông tin vẫn sẽ còn kéo dài. Kịch bản khả dĩ nhất của thị trường lúc này là gì, điều chỉnh hay đi ngang?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Tôi nhận định nhiều khả năng trường hiện tại là đi ngang. Lý do chính là mặt bằng thông tin hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh để thị trường đột phá đỉnh cũ, như đã đề cập trước đây. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư có xu hướng thận trọng, chờ đợi kết quả đàm phán, khiến thị trường khó biến động lớn. Dù vậy, các yếu tố như kinh tế vĩ mô ổn định hay chính sách hỗ trợ từ Chính phủ có thể giữ thị trường không điều chỉnh mạnh. Vì vậy, thay vì giảm sâu, tôi nghiêng về khả năng thị trường sẽ dao động trong biên độ hẹp.

Nhiều khả năng tuần tới nhóm chứng khoán/ bất động sản và ngân hàng nhỏ sẻ giao dịch tích cực, hút dòng tiền.
Ông Trần Long Huân
Ông Trần Long Huân - Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Trong lần chia sẻ trước tôi có dự báo VN-Index sẽ hướng tới phá đỉnh cũ, và tôi vẫn duy trì quan điểm đỉnh của năm nay đâu đó quanh ngưỡng 1430-1460 điểm. Trong ngắn hạn, VN-Index hướng tới tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp, chính thức đẩy thị trường lên một mặt bằng giá mới, thanh khoản sẽ được cải thiện tích cực. Hiện tiền vào “nhóm Vin” và một số trụ chưa thể phân phối xong. Thông tin thuế quan phần nào đã thẩm thấu vào giá các nhóm ngành chịu tác động...
Tôi cho rằng trong ngắn hạn tạm tránh những nhóm ngành chịu tác động khi thị trường chưa rõ ràng, tập trung những nhóm hàng tốt, những nhóm hàng có câu chuyện riêng như đã chia sẻ ở trên.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta
Cho tới thời điểm công bố kết quả đàm phán thuế đối ứng với Mỹ, thị trường xác suất cao sẽ đi ngang trong biên độ dao động từ 1220 điểm - 1280 điểm. Do đó theo quan điểm của tôi VN-Index sẽ điều chỉnh về vùng này và tiếp tục đi ngang với thanh khoản ở mức trung bình và dòng tiền luân phiên giữa các nhóm ngành. Tâm lý thận trọng của thị trường và vùng trũng thông tin hỗ trợ có thể khiến chỉ số giảm về hỗ trợ 1220 điểm nếu xuất hiện thông tin tiêu cực.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi cho rằng thị trường đã bước vào giai đoạn hạ nhiệt sau diễn biến phục hồi tốt vừa qua và đạt mục tiêu kỳ vọng của tôi trước đó là khu vực 1320 - 1330 điểm. Dù vậy, tôi đánh giá quá trình điều chỉnh sẽ diễn ra lành mạnh. Chỉ số có thể biến động nhiều do mức ảnh hưởng từ nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là ở nhóm Vingroup, nhưng mặt bằng chung cổ phiếu đã tìm được vùng cân bằng nhất định.
Tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ có sự dịch chuyển, khi hạ bớt từ nhóm vốn hóa lớn và trở lại nhóm Midcap để tạo thêm động lực. Vùng cầu ngắn hạn được thiết lập quanh mức 1290 - 1300 điểm, nhà đầu tư có thể lưu ý theo dõi, một mức thoái lui thấp hơn sẽ phát tín hiệu rủi ro, trong khi giao dịch ổn định sẽ nghiêng về củng cố xu hướng đi lên hiện tại.

Thị trường đang trong giai đoạn củng cố, chưa có động lực bứt phá. Tôi sẽ giữ tỷ trọng thấp, quan sát thêm, chờ thông tin tích cực để điều chỉnh chiến lược.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến
Nguyễn Hoàng – VnEconomy
Tuần trước anh chị đã hạ đáng kể tỷ trọng cổ phiếu xuống và quả thực giá đa số mã sau đó tiến triển không nhiều. Thanh khoản sụt giảm trong ngày cuối tuần có thể hiểu là số đông bắt đầu chọn chiến lược đứng ngoài quan sát; hay áp lực bán không xuất hiện, những ai muốn chốt lời đã chốt xong?
Ông Trần Long Huân - Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
VN-Index lên điểm nhanh, rũ bỏ nhà đầu tư “rụng” hàng bị động, cầm tiền không dám mua nên số đông đang lỡ tàu chứ không phải là lựa chọn đứng ngoài. Tuần mới nhóm midcap được kéo là đám đông sẽ tham chiến, lúc này chúng ta mới thấy dòng tiền lan tỏa. Mấy phiên nay chúng ta nhìn thấy lực chốt lời từ nhóm chứng khoán/ ngân hàng/ nhóm Vin và nhóm hàng liên quan cổ phiếu GEX... nhưng lực bán không quyết liệt, có giá tốt bán, và kê mua thấp, phân phối từ từ…
Nhiều khả năng tuần tới nhóm chứng khoán/ bất động sản và ngân hàng nhỏ sẻ giao dịch tích cực, hút dòng tiền. Nhà đầu tư có thể đang lo ngại thanh khoản phiên cuối tuần qua khá thấp, VN-Index mất mốc 1320 và có nguy cơ sẽ điều chỉnh về hỗ trợ 1300- 1308 điểm. Thực tế áp lực chốt lời không lan rộng mà chỉ tập trung một số nhóm, trong khi đó cổ phiếu đám đông nắm giữ không tăng là bao... Tuần sau tôi dự báo VN-Index biến động quanh 1305-1330 điểm. Chỉ số có thể tăng đột biến phá đỉnh nếu có sự đồng thuận của nhóm ngân hàng/ chứng khoán/ bất động sản, trong khi “nhóm Vin” cần thời gian tích lũy.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta
Tôi đánh giá thanh khoản sụt giảm ở đỉnh và duy trì ở mức thấp khiến cho chỉ số khó có đột phá để vượt qua ngưỡng 1340 điểm lúc này. Với diễn biến của phiên cuối tuần qua thì nhà đầu tư vẫn chưa hành động nhiều và thận trọng mặc dù áp lực phân phối vẫn đang diễn ra. Trong bối cảnh này thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi ngang với thanh khoản thấp trong từ 3-4 tuần tới.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi cho rằng thanh khoản thấp phiên cuối tuần nghiêng về số đông đứng ngoài quan sát. Vì dòng tiền giai đoạn hiện tại phân hóa khá mạnh và chỉ tập trung vào số ít các mã giao dịch kênh trên. Hoạt động tăng giá tiến lên vùng cao ở nhóm này sẽ kèm theo giao dịch thận trọng, cũng như mức điều chỉnh ngắn hạn chưa đủ hấp dẫn để thu hút thêm dòng tiền mới, từ đó thanh khoản hạ bớt.
Còn đối với nhóm cổ phiếu giao dịch ở kênh dưới hoặc mức trung bình, dòng tiền vẫn chưa tìm đến khi ghi nhận thanh khoản thấp. Vận động ở nhóm này có lẽ vẫn đang trong quá trình xác lập lại xu hướng. Tuy nhiên, một tín hiệu phá vỡ xuống các mốc hỗ trợ quan trọng có thể đẩy lực cung gia tăng mạnh hơn.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Thanh khoản giảm cuối tuần cho thấy nhà đầu tư đang chọn đứng ngoài, chờ tín hiệu rõ hơn từ kinh tế vĩ mô, hoặc có thể áp lực bán đã giảm khi ai muốn chốt lời đều xong trước đó. Thị trường đang trong giai đoạn củng cố, chưa có động lực bứt phá. Tôi sẽ giữ tỷ trọng thấp, quan sát thêm, chờ thông tin tích cực để điều chỉnh chiến lược.