Xu thế dòng tiền: Margin 300 triệu USD - tin được không?
Quy mô dòng tiền mạnh đã khiến một số chuyên gia bất ngờ, nhất là khi thị trường không điều chỉnh
Đã có sự phân hóa trong việc đánh giá xu thế thị trường.
2/5 các chuyên gia trong tọa đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền” mà VnEconomy phỏng vấn đã tỏ ra lạc quan và tăng tỷ trọng cổ phiếu lên. Một chuyên gia giữ nguyên, trong khi những người còn lại đã giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống với quan ngại thị trường sẽ điều chỉnh.
2/5 các chuyên gia trong tọa đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền” mà VnEconomy phỏng vấn đã tỏ ra lạc quan và tăng tỷ trọng cổ phiếu lên. Một chuyên gia giữ nguyên, trong khi những người còn lại đã giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống với quan ngại thị trường sẽ điều chỉnh.
Về sức mạnh dòng tiền thể hiện trong tuần qua, cũng có hai hướng đánh giá khác biệt. Quan điểm tích cực nhìn nhận dòng tiền vào đang rất mạnh và tạo được mặt bằng giá mới cao hơn. Quan điểm ngược lại lo ngại rằng dòng tiền lớn nhưng mức tăng giá lại giảm đi.
Dòng tiền không ngừng tăng
Thật thú vị là chú Gấu đã không thể khống chế được thị trường tuần này, VN-Index vẫn tăng 2,8% dù có nhiều đợt biến động mạnh trong các phiên. Nếu nhìn nhận tuần trước thị trường có những đợt hạ margin đẩy thanh khoản tăng vọt thì tại sao tuần này lượng tiền vẫn tới gần 16.500 tỷ đồng khớp lệnh? Anh chị có bất ngờ về sức mạnh của dòng tiền này? Con số thống kê đâu đó 300 triệu USD số dư margin trên toàn thị trường có đáng tin cậy hay không?
Một khi thị trường vào “uptrend” thì chúng ta không thể hiểu rõ cụ thể dòng tiền từ đâu ra chảy vào thị trường. Điều chắc chắn nhất là dòng tiền đồng thuận đẩy mạnh tham gia vào thị trường đang không ngừng tăng lên.
Ngoài dòng tiền cũ thì dòng tiền mới phải nói là rất lớn đã tham gia vào thị trường và nó sẽ tạo nền tảng cho một xu hướng tăng điểm mạnh của thị trường chứng khoán. Tôi cũng đang khá bất ngờ về dòng tiền hiện tại khi nó đang tác động và neo giữ các cổ phiếu lên một mặt bằng mới và làn sóng đầu cơ cổ phiếu mới chỉ mới bắt đầu.
Thống kê số dư margin toàn thị trường 300 triệu USD hiện tại mới chỉ là con số ước tính, nhưng hoàn toàn có cơ sở tin cậy và con số này thời gian tới còn phải tăng lên.
Theo tôi dù có xuất hiện động thái hạ margin để tránh rủi ro ở những phiên biến động mạnh trong tuần trước, tuy nhiên nhờ lực mua bền bỉ của khối ngoại, bối cảnh chưa xuất hiện thông tin tiêu cực nên dòng tiền vẫn ở lại và tiếp tục giao dịch, giúp thị trường duy trì thanh khoản ở mức cao.
Trong điều kiện hiện nay, việc tổng hợp, thống kê số dư margin từ các công ty chứng khoán, công ty tài chính rất khó thực hiện. Tôi cho rằng thông tin về số dư margin trên thị trường sẽ có độ chính xác không cao.
Việc sử dụng margin là nhu cầu thường xuyên của nhiều nhà đầu tư ngắn hạn với hy vọng có thể kiếm lời nhanh với tỷ suất cao hơn vốn thực có. Các đợt điều chỉnh margin thường dẫn tới các phiên điều chỉnh mạnh như phiên giao dịch ngày 20/2.
Tuy nhiên dòng tiền mới vẫn chuyển vào thị trường do lãi suất huy động có xu hướng tiếp tục giảm đã giúp cho chỉ số tiếp tục duy trì đà tăng đồng thời thanh khoản vẫn đạt ở mức cao.
Theo tôi, trung bình quy mô margin của các công ty chứng khoán trong top 10 (chiếm hơn 70% thị phần) rơi vào khoảng 400 tỷ đồng, như vậy tổng margin của các công ty top 10 sẽ là 4.000 tỷ đồng (khoảng 200 triệu USD), nếu so sánh với con số 300 triệu USD dự tính cho toàn thị trường là tương đối chính xác.
Như đánh giá từ tuần trước, tôi cho rằng dòng tiền trong thị trường ngày một dày lên, những phiên như 20/2 chỉ là bước ngoặt tạo ra mặt bằng thanh khoản mới, vì vậy tôi không bất ngờ về sức mạnh của dòng tiền trong tuần này.
Con số 300 triệu USD margin có thể cao, nhưng so với quy mô dòng tiền vào thị trường thì không phải con số gây bất ngờ. Tính riêng giai đoạn sau tết, giá trị giao dịch trung bình phiên duy trì khoảng 2,900 tỷ đồng, đủ thấy thị trường chứng khoán đang hấp thụ một lượng tiền rất lớn.
Thị trường vẫn đang tăng điểm với thanh khoản tăng, cho thấy dòng tiền mới tham gia thị trường rất dồi dào.
Tôi thấy không bất ngờ gì về dòng tiền. Thị trường chứng khoán là một thị trường đặc biệt, trong đó giá càng lên thì không chỉ cung mà cầu cũng lại càng tăng lên. Không thể phủ nhận rằng đang có một lượng tiền mới được đổ vào thị trường và hấp thụ, đối ứng lượng cung cổ phiếu lớn trong những đợt hạ margin của thị trường.
Quán tính của thị trường đang rất lớn. Nhưng tôi cho rằng cái đáng quan tâm hơn là dòng tiền ấy ứng với trạng thái thị trường như nào. Trong tuần qua, chỉ số tăng, thanh khoản giữ ở mức cao, nhưng tỷ suất sinh lời bình quân giảm (do điểm số tăng chủ yếu nhờ vào các mã vốn hóa lớn – như MSN trên sàn HSX, hay các cổ phiếu ngân hàng trên sàn HNX, các dòng chính là bất động sản và chứng khoán tầm trung không còn duy trì được đà tăng).
Thêm nữa, thanh khoản tăng cao trong thời gian gần đây luôn tập trung vào các phiên giảm điểm – thể hiện sự chủ động hơn từ phía người bán. Câu chuyện dòng tiền lớn hay lượng cung cổ phiếu lớn luôn là đề tài hấp dẫn ở các thời kỳ sôi động của thị trường, nhưng thực tế “tiền và hàng” luôn đối ứng nhau.
Cơ hội cho nhóm cổ phiếu nào?
Nếu nhìn vào biến động giá của các nhóm cổ phiếu, thì dường như các blue-chips tỏ ra mạnh mẽ nhưng phiên đầu tuần và suy yếu về cuối tuần. Trong khi đó dòng cổ phiếu thị giá thấp, vốn hóa nhỏ lại nổi lên với rất nhiều mã tăng mạnh. Phải chăng đây là dấu hiệu của hiện tượng chuyển hướng của dòng tiền? Theo anh chị những nhóm cổ phiếu nào sẽ có cơ hội lớn nhất?
Đúng vậy, dòng tiền đang chuyển hướng.
Dòng tiền có xu hướng nghỉ ngơi ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt (bao gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn – các Bluechips, những mã cổ phiếu đầu ngành của các dòng bất động sản, chứng khoán). Cùng lúc đó, một bộ phận dòng tiền có tính đầu cơ cao tìm kiếm cơ hội ở phân lớp cổ phiếu có thị giá thấp: các cổ phiếu nhỏ đầu P, thậm chí là một vài mã cổ phiếu trên sàn giao dịch Upcom, hay các cái tên đầu cơ quen thuộc như FLC, KMR, MCG… – và đây có thể sẽ tiếp tục là những nhóm cổ phiếu có cơ hội lớn nhất trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, cũng có thể nhắc tới nhóm ngân hàng, sự bứt phá trước của STB, MBB, sau đó là SHB và tuần này tới lượt CTG có thể gợi ý rằng các “cổ phiếu vua” đang dần tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài.
Tôi thấy tuy nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng giá mạnh, nhưng mức độ hấp thụ dòng tiền của nhóm này không lớn, chiếm tỷ trọng nhỏ trong giao dịch toàn thị trường. Tôi cho rằng diễn biến này không phản ánh xu thế chính của dòng tiền. Dòng tiền vẫn tập trung ở các cổ phiếu blue chips và midcaps.
Tuần tới, các cổ phiếu có liên quan tới động thái của quỹ ETF, nhóm được dự báo có kết quả kinh doanh quý I/2014 thuận lợi sẽ có được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Cơ hội có thể đến từ những cổ phiếu này.
Tôi nhận thấy nhiều cổ phiếu blue chips hiện nay đã bước vào giai đoạn 2 tăng rất mạnh và điều chỉnh ở những phiên cuối tuần trước sau đó đó lại một số cổ phiếu lớn khác như cổ phiếu ngân hàng, mid cap tăng trưởng và một số mã cổ phiếu đầu cơ lại quay đầu tăng.
Điều này phản ánh rõ nét dòng tiền lớn đang loanh quanh giữa các cổ phiếu lớn, mid cap và penny – chốt lời ở những cổ phiếu tăng mạnh và chuyển dần sang cổ phiếu chưa tăng nhiều – cổ phiếu có tin tức cơ bản hỗ trợ.
Nhóm cổ phiếu có cơ hội lớn nhất vẫn là những cổ phiếu vững mạnh về tài chính, kết quả kinh doanh ấn tượng, nhiều dự án mang lại lợi nhuận cao trong năm 2014 và thông tin trả cổ tức trong thời gian tới.
Nhìn ở góc độ 1, 2 phiên, bạn sẽ có cảm giác dòng tiền chuyển hướng từ nhóm này sang nhóm khác, nhưng nhìn từ chân sóng thì không hẳn vậy.
Dòng tiền đổ vào cả thị trường tương đối đồng thuận và các lớp cổ phiếu thay nhau điểu chỉnh, tăng điểm.
Tôi duy trì chiến thuật lựa chọn các cổ phiếu đã tăng điểm và nhịp điều chỉnh chỉ đi ngang. Ứng với chiến thuật này thì tuần tới, nhóm chứng khoán sẽ có khả năng bứt phá mạnh. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng có những biến chuyển đáng lưu ý, báo hiệu một diễn biến giá hoàn toàn khác với 2 năm qua.
Dòng tiền vẫn đang xoay vòng qua nhiều nhóm / ngành cổ phiếu vì vậy việc suy yếu tạm thời của các cổ phiếu bluechip và mạnh dần lên của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là điều dễ hiểu. Theo tôi, trước khi ra kết quả kinh doanh quý 1, dòng tiền đầu cơ vẫn sẽ lựa chọn các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong diễn biến khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng các cổ phiếu bluechips.
Các cổ phiếu có dự kiến nới room cho khối ngoại và các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc Việt Nam sẽ gia nhập TPP là hai cái đích đến đáng chú ý của nhà đầu tư vào lúc này.
Thị trường không điều chỉnh – mua thêm
Thị trường trong tuần đã trải qua các đợt chốt lời lớn nhưng đều phục hồi thành công và hẳn nhiều nhà đầu tư bán trước đó đã quay lại mua. Chiến lược phân bổ vốn của anh chị liệu có sự thay đổi?
Cơ cấu danh mục của tôi vẫn ưu tiên các cổ phiếu cơ bản tốt, cổ phiếu có dòng tiền mạnh và tỷ trọng của những cổ phiếu này có tăng lên với tỷ lệ cổ phiếu/tiền là 60/40.
Việc hạn chế sử dụng margin cũng như để dành phần tiền cho những cơ hội tốt nhất trong thời gian tới khá quan trọng để có thể tăng hiệu quả sinh lời của danh mục lên mức tối đa và phòng ngừa rủi ro về diễn biến thị trường trong ngắn hạn.
Tôi vẫn duy trì quan điểm giải ngân 50% danh mục vào các cổ phiếu bluechips dự kiến có kết quả quý I rất tốt hoặc có trả cổ tức lớn như GAS, VCB, BID, VNM.
Đối với các cổ phiếu vừa và nhỏ nên phân bổ 30% danh mục và phần còn lại là tiền mặt để duy trì trạng thái trading của toàn danh mục.
Với danh mục ngắn hạn, tôi tiếp tục để dòng vốn của mình “nghỉ ngơi”, chỉ giành 10% để tiếp tục “phiêu lưu” với các cổ phiếu thị giá nhỏ, nếu tuần trước là một vài “mã đầu P” , tuần tới có thể là dòng chứng khoán nhỏ hoặc các cổ phiếu Sông Đà.
Tuần trước tôi giữ 50% và cho rằng nhịp điều chỉnh là cơ hội để sàng lọc lại một lượt các cổ phiếu trên thị trường để mua vào.
Tuần này tỷ lệ cổ phiếu của tôi là 80% với hầu hết là cổ phiếu đã về tài khoản. Tôi tiếp tục lựa chọn chiến thuật nắm giữ cổ phiếu nếu hiện tượng phân hóa vẫn tiếp diễn.
Tôi giảm tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn về mức 20% do lo ngại thị trường sẽ sớm bước vào giai đoạn điều chỉnh.
VN-Index chinh phục mức 600 điểm?
Vn-Index cuối tuần vẫn nằm trên mức 580 điểm. Theo anh chị thị trường có cơ hội chinh phục đỉnh cao mới trong tuần tới?
Tôi nghiêng về kịch bản thị trường lại quay đầu tăng lên chạm ngưỡng 595 - 600 ở các phiên đầu tuần do chỉ số VN-Index tuần trước chưa chạm ngưỡng tâm lý đó. Với tính toán bước sóng Elliot thì khả năng 2 – 3 phiên đầu tuần sẽ là phiên tăng điểm trước khi điều chỉnh quay đầu ở các phiên cuối tuần về quanh ngưỡng 590 điểm.
Với sự hưng phấn hiện tại của chú Bò, cơ hội chinh phục đỉnh cao mới của thị trường là không nhỏ, nhưng những phiên xả hàng với khối lượng lớn đã xuất hiện với mật độ ngày càng dày hơn vẫn là những tín hiệu cảnh báo đầy sức nặng. Và nếu để lựa chọn, tôi vẫn đứng về phe Gấu.
Tôi duy trì quan điểm đi ngang theo xu hướng hướng lên các mức mục tiêu cao mới. Tuy nhiên chỉ số tăng nhanh và mạnh ngay từ mức này sẽ xuất hiện sớm các phiên điều chỉnh mạnh.
Tôi cho rằng khả năng cao thị trường sẽ có bứt phá trong tuần tới. Từ khi VN-Index đạt 560 điểm, thị trường vẫn tiếp tục đi lên với những hưng phấn xen kẽ lo ngại, tính chất này vẫn sẽ tiếp diễn.
Thị trường sẽ không tránh khỏi những phiên giằng co quyết liệt, nhưng xu hướng vẫn là tích lũy đi lên và phần lớn các nhịp điều chỉnh chỉ đi ngang chứ không giảm sâu.
Tuy dòng tiền trong thị trường vẫn dồi dào, nhưng nếu nhóm cổ phiếu ngân hàng không trở lại xu thế tăng điểm thì khả năng các chỉ số sẽ khó chinh phục được đỉnh cao mới trong tuần tới.
Nhằm giúp bạn đọc/nhà đầu tư chứng khoán có thêm những góc nhìn tham khảo uy tín, đến từ các chuyên gia hàng đầu trên thị trường, bắt đầu từ tháng 1/2014, VnEconomy mở thêm chuyên mục tọa đàm định kỳ hàng tuần mang tên “Xu thế dòng tiền”. “Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường thông qua các hoạt động giao dịch, hoạt động tư vấn đầu tư. Ở vị trí điều phối cuộc tọa đàm là nhà báo Nguyễn Hoàng, người phụ trách Ban Chứng khoán của VnEconomy. VnEconomy và các chuyên gia không chịu trách nhiệm trước những thiệt hại nếu có trong hoạt động đầu tư dựa trên những nhận định được đăng tải. Các chuyên gia là những thành viên tham gia thị trường, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các hoạt động đầu tư thực tế, do vậy, các quan điểm nhận định cũng như phương pháp đầu tư có thể dẫn đến những xung đột lợi ích. |