Xu thế dòng tiền: Ngắn hạn vẫn nên đứng ngoài
Thị trường bất ngờ phục hồi vào phiên cuối tuần kể cả khi Mỹ tăng đánh thuế lên Trung Quốc. Tuy nhiên điều đó không khiến các chuyên gia lạc quan hơn
Thị trường bất ngờ phục hồi vào phiên cuối tuần kể cả khi Mỹ tăng đánh thuế lên Trung Quốc. Tuy nhiên điều đó không khiến các chuyên gia lạc quan hơn.
Căng thẳng thương mại vẫn là yếu tố phủ bóng đen lên thị trường và quan điểm của các chuyên gia là không nên cố gắng dò đoán kết cục. Việc thị trường bất ngờ đảo chiều tăng ngày cuối tuần, thậm chí là có khả năng phục hồi ngắn hạn vẫn không có nghĩa là rủi ro đã giảm bớt.
Đánh giá về cơ hội ngắn hạn khi thị trường Argentina được nâng hạng và Việt Nam có triển vọng nhận được dòng vốn gián tiếp mới, các chuyên gia không cho rằng điều đó sẽ sớm xảy ra. Các thông tin ước tính chỉ mang tính tham khảo và nhà đầu tư nên chờ đợi phản ứng có thể kiểm chứng của thị trường trước khi hành động.
Các chuyên gia cho rằng nếu thị trường tiếp tục suy yếu, ngưỡng hỗ trợ hướng tới của VN-Index có thể trong khoảng 920 điểm. Ưu tiên lúc này là bảo vệ tiền mặt và quan sát.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường tuần qua đã rơi vào kịch bản xấu của anh chị khi có liền 6 phiên giảm. Tuy nhiên phiên cuối tuần lại khá tích cực bất chấp căng thẳng thương mại chính thức leo thang với mức thuế mới. Đây là diễn biến khá bất ngờ, và ngay cả thị trường Trung Quốc cũng tăng rất mạnh. Có thể lý giải hiện tượng này như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng thị trường trong tuần qua đã phản ứng quá tiêu cực trong phiên đầu tuần trước thông tin Mỹ sẽ áp thuế lên hàng hóa của Trung Quốc, điều này dẫn đến một vài cổ phiếu rơi vào trạng thái quá bán ngắn hạn.
Ngoài ra, 950 đang là một ngưỡng hộ trợ khá chắc chắn do vậy nhịp phục hồi trong phiên cuối tuần bất chấp các thông tin bất lợi không quá bất ngờ và tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động quanh mức 950 điểm của chỉ số VN-Index.
Đồng thời, thị trường tiếp tục rơi vào vùng quá bán ngắn hạn cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn, nhưng khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp cho thấy mức hồi phục sẽ không kéo dài và tâm lý thận trọng vẫn còn rất cao. Tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục giảm cho thấy chiến lược ngắn hạn vẫn là đứng ngoài thị trường.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Những diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới vào phiên cuối tuần đã gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư trong nước, mặc dù Mỹ đã chính thức áp dụng biện pháp tăng thuế lên 25% với hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhưng phần lớn các chỉ số đều tăng điểm, trong đó thị trường Trung Quốc có sự phục hồi mạnh nhất.
Theo nhiều nhà phân tích thì đây được xem là bước leo thang căng nguy hiểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng có lẽ do nhiều nhà đầu tư cho rằng thông tin đã được phản ánh vào giá nên tham gia bắt đáy.
Ngoài ra, sự phục hồi cũng khởi đầu từ chính thị trường Trung Quốc trong bối cảnh Chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới kêu gọi lòng tự tôn dân tộc và nhấn mạnh khả năng ứng phó của họ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ nên thực sự chúng ta cũng không chắc chắn rằng sự phục hồi này có sự hỗ trợ nào từ chính phủ Trung Quốc hay không?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo tôi hiện tượng trên được lý giải là một sự hồi phục mang tính kỹ thuật khi các chỉ số chứng khoán toàn cầu đã phản ánh trước với thông tin tiêu cực này bằng sự suy giảm mạnh trước đó. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đã phần nào thích nghi dần với diễn biến thông tin từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường vẫn còn đó kỳ vọng Mỹ - Trung kết thúc cuộc chiến này, nếu kịch bản đẹp đó xảy ra, liệu thị trường sẽ bùng nổ đến đâu? Và nếu kịch bản xấu xảy ra, theo anh chị thị trường có thể tồi tệ đến mức nào?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Thực sự những chuyên gia giỏi nhất cũng không thể đoán trước được những diễn biến tiếp theo của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì như tôi đã chia sẽ trước đây rằng đây không đơn thuần là cuộc chiến thương mại hay là cuộc chiến vì tiền mà nó còn liên quan tới nhiều yếu tố địa chính trị của hai siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư không nên cố dự đoán kết quả của cuộc chiến thương mại và xem đó là kim chỉ nam để quyết định đầu tư, như thế là quá rủi ro. Hành động khôn ngoan nhất trong giai đoạn thị trường khó lường là giữ được tiền, còn tiền là còn cơ hội.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo tôi, với kịch bản tích cực, thị trường có thể tạo điểm bật ngắn hạn tại vùng 940-950 điểm để hướng đến thử thách vùng kháng cự tâm lý mạnh quanh 1000 điểm trong thời gian tới. Ngược lại nếu kịch bản tiêu cực xảy ra, thị trường có thể sẽ lùi về vùng hỗ trợ sâu hơn 910-920 trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng tâm lý nhà đầu tư rất thận trọng và chờ đợi về kết quả của cuộc đàm phán cuối cùng. Hiện tại, nhà đầu tư đang tỏ ra rất bị quan và có khả năng Mỹ sẽ tiến hành áp thuế lên Trung Quốc và cuộc trả đũa sẽ liên tiếp diễn ra sau đó của hai quốc gia. Tôi xin đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra trong 1 - 2 phiên đầu tuần tới.
Kịch bản 1: Mỹ - Trung đạt các thỏa thuận thương mại. Đây là kịch bản tích cực nhất và thị trường chứng khoán toàn cầu có thể sẽ tăng trở lại. Chỉ số VN-Index có thể sẽ tăng từ vùng giá 950 điểm.
Kịch bản 2: Mỹ và Trung Quốc không đạt bất kỳ thỏa thuận nào. Thị trường có thể sẽ giảm mạnh trong đầu tuần tới. Tôi đánh giá các thông tin tiêu cực đã phản ánh vào đà giảm của thị trường trong các phiên giao dịch vừa qua và chúng tôi nhìn nhận chiến tranh thương mại sẽ còn là câu chuyện kéo dài như Brexit, nhưng mức độ tác động lên thị trường sẽ giảm dần
Chỉ số VN-Index có thể sẽ xuất hiện nhịp "Wash Out" về mức 920 điểm và một kịch bản tương tự Brexit đã diễn ra trong quá khứ. Ở kịch bản này, tỷ trọng cổ phiếu dự báo sẽ giảm mạnh về vùng 20%, đây là vùng cảnh báo hình thành đáy.
Khuyến nghị mua khi giảm sâu tại điểm "Wash Out" về 920 điểm. Tôi khuyến nghị các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao có thể chú ý vào các cổ phiếu được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại trong nhóm ngành như dệt may, thủy sản, BĐS khu công nghiệp, logistic… với các cổ phiếu đề xuất TNG, TCM, STK, VHC, ANV, KBC, GMD.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Cuộc chiến thương mại căng thẳng khiến nhà đầu tư quên rằng tuần tới câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ diễn ra. Đã có nhiều phân tích rằng nếu Argentina được nâng hạng, Việt Nam sẽ hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng. Liệu có thể chờ đợi dòng vốn ngoại mới đổ vào thị trường Việt Nam trong vài tuần tới?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng đây rõ ràng là một thông tin hỗ trợ đối với thị trường trong thời gian tới. Dù vậy, cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào yếu tố này trong ngắn hạn bởi có một quy tắc trong MSCI Frontier 100 Market Index là tỷ trọng phân bổ vào hai quốc gia lớn nhất trong rổ chỉ số không được vượt quá 40%. Tại thời điểm review hiện tỷ trọng của Kuwait và Việt Nam đã lên tới gần 43% do đó khả năng tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số Frontier Markets 100 sẽ không thay đổi nhiều.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tỷ trọng của chứng khoán Việt Nam trong MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index sẽ được nâng lên đáng kể nếu Argentina chính thức được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi trong kỳ xem xét tới, sẽ có khoảng 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng) được các quỹ trên phân bổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nếu Argentina được chuyển sang nhóm thị trường mới nổi thì gần như toàn bộ số tiền 501 triệu USD sẽ được các quỹ này phân bổ sang các thị trường cận biên còn lại.
Việt Nam sẽ là một trong những thị trường được hưởng lợi lớn nhất do đang chiếm tỷ trọng lớn trong MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index. Tuy nhiên đây là câu chuyện của nửa sau năm 2019 và sẽ chưa thể có dòng vốn ngoại đổ vào thị trường trong vài tuần tới.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Theo tính toán về mặt lý thuyết là như vậy nhưng 4 phiên gần nhất thì khối ngoại lại bán ròng khá mạnh. Điều này cho thấy tất cả thông tin trong giai đoạn này chỉ mang yếu tố tham khảo, không nên xem đó là yếu tố quyết định đầu tư. Hãy chờ các diễn biến cụ thể trên thị trường để đưa ra quyết định.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Anh chị đã quay lại thị trường hay chưa, tỷ trọng như thế nào?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Hiện tại tôi đã ngừng các hoạt động giao dịch và giữ tỷ trọng ở mức 28% cổ phiếu và 72% tiền. Tôi lựa chọn đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này để quan sát và đánh giá lại danh mục của mình trong lúc chờ thị trường có xu hướng rõ ràng hơn.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi không giải ngân thêm và ưu tiên nắm giữ tiền mặt.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi vẫn chưa mở thêm vị thế mới và vẫn chỉ duy trì tỷ trọng ở mức trung bình 25% cổ phiếu.