21:53 21/04/2019

Xu thế dòng tiền: "Tắt sóng" báo cáo tài chính quý 1?

Nguyễn Hoàng

Diễn biến thị trường yếu ớt trong tuần qua kết hợp với thanh khoản quá thấp đã khiến các chuyên gia chuyển hẳn sang trạng thái bi quan

Diễn biến thị trường yếu ớt trong tuần qua kết hợp với thanh khoản quá thấp đã khiến các chuyên gia chuyển hẳn sang trạng thái bi quan.

Đang có sự khác biệt nhất định trong việc đánh giá thị trường ngắn hạn với chiến lược giao dịch. Tuy quan điểm phân tích của các chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng và không quá bi quan nhưng chiến lược giao dịch lại là giảm mạnh tỷ trọng cổ phiếu, thậm chí là đứng ngoài.

Đánh giá về rủi ro VN-Index trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng nếu chỉ số này xuống dưới 960 điểm thì sẽ điều chỉnh sâu hơn nữa. Các mốc hỗ trợ sâu nhất trong kịch bản này là 900-910 điểm hoặc 930 điểm.

Với diễn biến tiêu cực và thanh khoản đi xuống, các chuyên gia cũng không đánh giá cao cơ hội thị trường hình thành sóng tăng mới dựa trên thông tin báo cáo tài chính quý 1/2019.

Lý do được đưa ra là mức độ sẽ chủ đạo là phân hóa lẻ tẻ, còn lại thị trường tuần qua cũng đã đón nhận thông tin nhưng phản ứng không tốt. Thị trường lúc này nhạy với thông tin xấu hơn. Thông tin trong kỳ đại hội cổ đông vừa rồi cho thấy doanh nghiệp tỏ rõ lo ngại về việc tăng chi phí đầu vào và giảm triển vọng lợi nhuận.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

VN-Index biến động rất bất thường trong tuần qua và câu chuyện mô hình Vai- Đầu – Vai mà chúng ta đã đề cập được bàn tán nhiều hơn. Với các diễn biến mới xấu hơn tuần trước, anh chị đánh giá xác suất giảm sâu hơn có tăng lên không. Nếu kịch bản xấu xảy ra đâu có thể là mức hỗ trợ tốt hơn của VN-Index?

Xu thế dòng tiền: "Tắt sóng" báo cáo tài chính quý 1? - Ảnh 1Thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực, nhưng trạng thái này chưa hoàn toàn rõ ràng. Nhiều cổ phiếu cũng đang rơi vào trạng thái quá bán cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong vài phiên tới.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Hiện tại, chỉ số VN-Index vẫn đang tích lũy trong vùng cân bằng từ 950 - 1.000 điểm, một khi kênh giá này vẫn được giữ vững thì chưa có những biến động lớn.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, độ bật của thị trường đang yếu dần và thanh khoản ngày càng giảm. Mô hình vai đầu vai ngắn hạn có vẻ sắp hoành thiện khi chỉ số đang tiệm cận đường "neckline" 960 điểm.

Nếu thị trường giảm dưới đường "neckline" và gãy ngưỡng tâm lý 950 điểm thì khả năng thị trường sẽ về vùng hỗ trợ 900 - 910 điểm.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng, thị trường sẽ phải đối mặt với rủi ro giảm về các vùng hỗ trợ sâu hơn trong ngắn hạn nếu xuyên thủng ngưỡng 960-964 điểm. Nếu kịch bản tiêu cực xảy ra, Vn-Index có thể giảm về các vùng hỗ trợ 940-950 điểm và sâu hơn 905-915 điểm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ biến động quanh mức 965 điểm của chỉ số VN-Index. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực, nhưng trạng thái này chưa hoàn toàn rõ ràng. Nhiều cổ phiếu cũng đang rơi vào trạng thái quá bán cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong vài phiên tới.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của tôi vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn ở hầu hết các chỉ số. Tôi cho rằng nếu kịch bản xấu xảy ra thị trường nhiều khả năng sẽ quay về kiểm tra lại mốc kháng cự 950 điểm.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank

Hiện chỉ số VN-Index vẫn có sức bật khá tốt tại vùng hỗ trợ trung hạn 963 điểm của đường SMA 50. Rõ ràng với diễn biến thanh khoản đang ngày càng kém đi và thị trường chuẩn bị bước vào vùng trũng thông tin trong tháng 5 với nhiều rủi ro biến động khó lường thì ngưỡng hỗ trợ trên có thể khó giữ vững được. Trong trường hợp này, tôi cho rằng chỉ số VN-Index sẽ tạo nền một cách khá chắc chắn tại vùng điểm 930 tương đương với ngưỡng hỗ trợ mạnh dài hạn của đường SMA 200.

Tuy nhiên, tôi lại khá lạc quan với diễn biến của thị trường trong tuần giao dịch cuối tháng 4. Về mặt kỹ thuật, đồ thị chỉ số VN-Index phiên giao dịch 19/4 hình thành mẫu hình "Inverted Hammer" tại cuối nhịp điều chỉnh bắt đầu từ 9/4 trên nền thanh khoản suy giảm. Đây là một cảnh báo về khả năng đảo chiều để tăng của xu hướng giá sau khi kết thúc một xu hướng điều chỉnh kéo dài.

Tín hiệu này phản ánh tình trạng chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng giảm nhưng đã nhen nhóm bùng lên khá mạnh mẽ và đáng kể của lực mua vào. Điều này đã được thể hiện khá rõ trong phiên giao dịch 19/4 với lực cầu mua vào tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn & blue-chips.

Do đó, tôi cho rằng có khả năng thị trường sẽ chứng kiến một nhịp hồi phục kỹ thuật trong tuần trước khi nhà đầu tư bước vào kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Đan xen tăng điểm và điều chỉnh trong vùng điểm 963 - 980 sẽ là kịch bản chính của chỉ số VN-Index trong bối cảnh dòng tiền sẽ luôn phiên xoay vòng giữ nhịp giữa các cổ phiếu vốn hóa lớn và blue-chips.

Xu thế dòng tiền: "Tắt sóng" báo cáo tài chính quý 1? - Ảnh 2Nhìn trên bình diện chung, độ bật của thị trường đang yếu dần và thanh khoản ngày càng giảm. Mô hình vai đầu vai ngắn hạn có vẻ sắp hoành thiện khi chỉ số đang tiệm cận đường “neckline” 960 điểm. Nếu thị trường giảm dưới đường “neckline” và gãy ngưỡng tâm lý 950 điểm thì khả năng thị trường sẽ về vùng hỗ trợ 900 – 910 điểm.
ÔNG LÊ HOÀNG TÂN

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN-Index ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh trên thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực. Ngay phiên giao dịch đầu tiên sau nghỉ lễ (16/04), thị trường đối diện với áp lực giảm điểm mạnh và lực bán tháo áp đảo lực mua khiến cho chỉ số rơi về sát mốc 960 điểm, nhưng sau đó lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp chỉ số thu hẹp phần nào đà giảm. Tuy nhiên chỉ số tiếp tục đà giảm trong những phiên sau đó và chỉ hồi phục tăng điểm nhẹ vào phiên cuối tuần (19/4).

Nhóm cổ phiếu VIC, VHM, VRE đều kết tuần giảm mạnh so với tuần trước và là tác nhân chính khiến chỉ số ghi nhận tuần lao dốc. Nhóm ngân hàng và dầu khí cũng chịu áp lực chốt lời mạnh và không hỗ trợ nâng đỡ VN-Index được nhiều.

Thanh khoản khớp lệnh trong tuần vừa qua  đạt khoảng 512 triệu cổ phiếu và suy giảm khá mạnh so với tuần trước. Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index giảm 16,69 điểm (-1,70%) về mức 966,21 điểm, còn HNX-Index giảm 1,82 điểm (-1,69%) về mức 105,88 điểm.

Theo tôi, hiện VN-Index đang ở đường viền cổ mô hình vai đầu vai do đó ngưỡng 960-965 đóng vai trò hỗ trợ cứng cho thị trường. Thêm nữa, đây cũng là ngưỡng EMA200 do đó khả năng xuống sâu hơn chúng tôi đánh giá là thấp.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Kết quả kinh doanh cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong tuần qua với cả các doanh nghiệp blue-chips nhưng thật sự tác động tích cực không rõ ràng. Mùa đại hội cổ đông cũng đã gần xong. Vậy có triển vọng gì là thị trường sẽ có sóng báo cáo tài chính quý 1 hay không?

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng mùa công bố kết quả kinh doanh quý 1 đang diễn ra với nhiều kết quả khá tích cực và thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh. Những doanh nghiệp có kết quả tốt vẫn sẽ thu hút được dòng tiền của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên việc thị trường đang có những yếu tố không thuận lợi cùng với đó là việc các cổ phiếu bị phân hóa mạnh nên sóng kết quả kinh doanh quý 1 nếu trong kịch bản thuận lợi xảy ra tôi cho rằng sóng cũng sẽ không quá mạnh mẽ và thời gian để các thông tin tốt phản ánh vào giá cũng sẽ mất thời gian khá dài.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Mùa đại hội cổ đông cũng gần xong, kết quả kinh doanh quý 1 cũng dần dần được công bố tuy nhiên dòng tiền vào thị trường rất yếu khiến các chỉ số chính ở trong tình trạng đi ngang và giảm dần đều.

Lúc này, dòng cổ phiếu dầu khí là dòng cổ phiếu hiếm hoi trên thị trường vẫn còn giữ được đà tăng do giá dầu Brent duy trì ở ngưỡng cao, 72 USD/ thùng. Dòng cổ phiếu dầu khí có thể dẫn dắt thị trường và có đủ mạnh để lan tỏa đà tăng sang các nhóm ngành khác hay không thì chúng ta cần phải quan sát ngưỡng 960-965 phát huy vai trò lực đỡ như thế nào trong thời gian tới.

Xu thế dòng tiền: "Tắt sóng" báo cáo tài chính quý 1? - Ảnh 3Theo tôi, hiện VN-Index đang ở đường viền cổ mô hình vai đầu vai do đó ngưỡng 960-965 đóng vai trò hỗ trợ cứng cho thị trường. Thêm nữa, đây cũng là ngưỡng EMA200 do đó khả năng xuống sâu hơn chúng tôi đánh giá là thấp.
ÔNG TRẦN HỮU PHÚC

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank

Theo nhận định của tôi, thị trường sẽ khó có thể kỳ vọng vào sóng báo cáo tài chính quý 1 do tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra chán nản, thể hiện bởi sự liên tục sụt giảm của thanh khoản. Không khó để có thể dự đoán hiện tượng này khi trong hai tuần giao dịch vừa qua có khá nhiều doanh nghiệp công bố con số lợi nhuận tháng 3 và/hoặc quý 1 khả quan, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ 2018 nhưng vẫn phải chịu áp lực bán khủng khiếp đến mức giảm mạnh hoặc thậm chí nằm "đo sàn".

Tình trạng này một lần nữa nói lên mức độ mong manh của thị trường chứng khoán Việt Nam khi thị trường chứng khoán thế giới và trong khu vực tăng điểm tốt nhưng chỉ số VN-Index lại "đi một con đường rất riêng".

Mặc dù hiệu ứng tích cực của mùa báo cáo quý 1 vẫn hiện hữu trên thị trường nhưng lại chỉ mang tính lẻ tẻ tại một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu và khó có thể tạo ảnh hưởng chung đủ mạnh lên thị trường trong bối cảnh hiệu ứng "tin ra là bán" và "sell in May & go away" đang có sức lan tỏa rất mạnh mẽ.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Đến thời điểm này thật khó để kỳ vọng về một đợt sóng nhờ kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp vì không phải doanh nghiệp nào cũng có kết quả hoặc kế hoạch kinh doanh khả quan trong năm 2019.

Đồng thời, xu hướng thị trường hiện tại không ủng hộ cho việc hấp thụ những thông tin tốt. Chính vì vậy, tôi chỉ hy vọng thị trường đi ngang và nằm trong vùng cân bằng 950 – 1.000 điểm.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi không kỳ vọng vào việc xuất hiện sóng báo cáo tài chính quý 1. Kết quả kinh doanh quý 1 cũng như các thông tin trong mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp đã được phản ánh tương đối vào diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Tác động tiếp theo (nếu có) cũng sẽ không còn nhiều và chủ yếu chỉ tạo ra sự phân hóa theo kết quả của từng doanh nghiệp cụ thể.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Bắt đầu có những đánh giá vĩ mô thận trọng cho quý 2/2019 cũng như mối lo ngại về giá dầu tăng nhanh và giá điện tăng bắt đầu gây áp lực lên giá tiêu dùng. Thị trường chứng khoán hầu như đón nhận tin bất lợi nhiều hơn ở giai đoạn này. Tuy nhiên tháng 5 cũng có thể xuất hiện nhân tố mới như triển vọng tăng tỷ trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam hay hóa giải căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Anh chị đánh giá bức tranh lớn liệu có triển vọng hỗ trợ thị trường tốt hơn?

Xu thế dòng tiền: "Tắt sóng" báo cáo tài chính quý 1? - Ảnh 4Thị trường sẽ khó có thể kỳ vọng vào sóng báo cáo tài chính Quý 1 do tâm lý nhà đầu tư đang tỏ ra chán nản, thể hiện bởi sự liên tục sụt giảm của thanh khoản.
ÔNG NGUYỄN HOÀNG VIỆT

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank

Tôi không đánh giá cao kịch bản thị trường trong tháng 5 sẽ tăng tốt trong bối cảnh đây cũng là khoảng thời gian vùng trũng thông tin và hiệu ứng "sell in May & go away" lan tỏa mạnh mẽ khiến một phần dòng tiền lớn rút ra hoặc đứng ngoài thị trường. 

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Nhìn chung, triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như các yếu tố ngoại biên tác động đến thị trường Việt Nam trong thời gian tới vẫn mang màu sắc tiêu cực nhiều hơn. Còn các nhân tố mới xuất hiện như triển vọng tăng tỷ trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam hay hóa giải căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được xem là các yếu tố tạo kỳ vọng cho thị trường trong trung hạn.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng các thách thức về bảo hộ, bất ổn chính sách thương mại gia tăng, tình hình tài chính thế giới bị thắt chặt, dòng vốn đầu tư có dấu hiệu giảm, có thể làm giảm dòng vốn dành cho thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên một số nhóm nghành lại có sự hưởng lợi như tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong năm 2019 gồm bán lẻ hàng tiêu dùng với mức tăng 35%, cảng biển tăng 31%, dệt may tăng 26%, chứng khoán tăng 23%, ngân hàng tăng 18%.

Cụ thể, bán lẻ Việt Nam đang đứng thứ 2 ASEAN về mức độ sôi động, thu nhập bình quân đầu người tăng và có cơ hội giành thị phần từ các kênh bán lẻ truyền thống. Đặc biệt, bán lẻ hàng tiêu dùng có triển vọng hơn thực phẩm và nước uống.

Cảng biển và vận tải có cơ hội lớn do động lực nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tạo ra nhiều nhu cầu đối với 2 ngành này.

Với ngành dệt may, cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Đối với ngành ngân hàng, chính sách tăng trưởng tín dụng đang được thắt chặt, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng từ các dịch vụ mới và việc hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro theo Basel II.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Bức tranh lớn vẫn không có nhiều tiêu cực nhưng để ủng hộ thị trường chứng khoán đi lên thì tôi chưa thấy tín hiệu nào đáng kể.

Căng thẳng thương mại Mỹ Trung có thể sẽ đi tới kết thúc đàm phán nhưng bản chất nó là xung đột địa chính trị chứ không riêng ở góc độ thương mại đơn thuần.

Ngoài căng thẳng Mỹ Trung, sẽ có nhiều cuộc đàm phán khác như Mỹ EU, Mỹ Nhật…và chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra.

Ở nền kinh tế trong nước, các doanh nghiệp đang dần thấm đòn từ việc giá xăng dầu và giá điện tăng phi mã, chi phí sản xuất tăng và đương nhiên lợi nhuận sẽ giảm. Sau mùa đại hội cổ đông, tôi thấy rõ sự lo ngại của các doanh nghiệp đối với 2 vấn đề này.

Xu thế dòng tiền: "Tắt sóng" báo cáo tài chính quý 1? - Ảnh 5Triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như các yếu tố ngoại biên tác động đến thị trường Việt Nam trong thời gian tới vẫn mang màu sắc tiêu cực nhiều hơn. Còn các nhân tố mới xuất hiện như triển vọng tăng tỷ trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam hay hóa giải căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được xem là các yếu tố tạo kỳ vọng cho thị trường trong trung hạn.
ÔNG TRẦN XUÂN BÁCH

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Cơ hội đầu tư gần như không có hoặc cực nhỏ trong nhiều tuần qua. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm đến mức  bất ngờ và kỳ nghỉ lễ dài cũng sắp tới. Có lẽ chiến lược hợp lý lúc này là rút khỏi thị trường. Anh chị thì sao?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Đúng vậy, tôi tiếp tục đứng ngoài thị trường trong tuần qua và chỉ duy trì một tỷ trọng cổ phiếu nhỏ trong danh mục.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Đúng vậy, giải pháp tốt nhất giai đoạn này vẫn là quan sát và lên kế hoạch. Hạn chế việc trading liên tục để tiết giảm chi phí giao dịch và chi phí margin. Còn tiền là còn cơ hội.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tỷ trọng danh mục đầu tư ngắn hạn tôi vẫn giữ ổn định ở mức 27% cổ phiếu và 73% tiền mặt. Tôi tập trung nắm giữ các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, và có chuyển biến tích cực so với thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường - Chứng khoán Vietinbank

Tôi đã hạ tỷ trọng danh mục của mình về mức 25%. Tôi sẽ cân nhắc giải ngân thêm khi cơ hội tiềm năng xuất hiện.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Dòng tiền hiện đang khá chủ động trong việc rút lui khỏi thị trường, thể hiện qua lực bán áp đảo trong những phiên gần đây. Dù lực cầu bắt đáy vẫn xuất hiện nhưng dòng tiền nhìn chung khá yếu và cũng chỉ đủ để giữ cho chỉ số chung chưa phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 960 điểm trong tuần này.

Khả năng chỉ số đảo chiều tăng điểm mạnh trong tuần sau là không cao, nhưng vẫn có thể xuất hiện những nhịp hồi phục trong phiên. Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu trong giai đoạn này nhưng vẫn nắm giữ dòng cổ phiếu dầu khí do kỳ vọng giá dầu vẫn duy trì ở mức trên 70 USD/thùng.