Xu thế dòng tiền: Thận trọng chờ phản ứng tại đáy
Trong kịch bản xấu, thị trường vẫn có nguy cơ cao là tạo đáy ở vùng thấp hơn mức 880 điểm
Điểm nhấn trong 3 phiên giao dịch đầu năm 2019 là diễn biến VN-Index đánh mất ngưỡng đáy 880 điểm trong một phiên rồi ngay lập tức phục hồi trở lại trên mức này.
Các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền" của VnEconomy nhận định diễn biến phục hồi như vậy vẫn chưa đủ tin cậy và thị trường vẫn đang "dập dình" chưa rõ ràng tại vùng đáy đó. Khả năng phục hồi kỹ thuật vẫn được đánh giá là có triển vọng, nhưng các chuyên gia lại cho rằng chưa có gì đảm bảo chắc chắn diễn biến phục hồi đó là chấm dứt xu thế giảm hiện tại mà có thể chỉ là ngắn hạn.
Do đó các chuyên gia tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu hoặc giữ vị thế đứng ngoài quan sát quá trình phản ứng của thị trường tại đáy cũ. Trong kịch bản xấu, thị trường vẫn có nguy cơ cao là tạo đáy ở vùng thấp hơn mức 880 điểm, và nên chuẩn bị sẵn cho kịch bản này.
Các chuyên gia cũng cho rằng thị trường trong nước hiện đang phản ứng trong tương quan chặt chẽ với các biến động bên ngoài. Khi các yếu tố ngoại biên chưa được cải thiện thì dòng tiền sẽ vẫn giữ thái độ dè dặt và thanh khoản không cải thiện được.
TÂM LÝ YẾU KHIẾN TIỀN CẠN KIỆT
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Tuần đầu tiên của năm 2019 thị trường chỉ giao dịch 3 phiên nhưng lại là 3 phiên rất quan trọng. VN-Index để mất ngưỡng hỗ trợ rất cứng 880 điểm và phiên cuối tuần đã quay trở lại trên ngưỡng này một cách may mắn nhờ vài cổ phiếu lớn. Biến động thị trường mấy ngày qua rất lớn và gây ức chế cao. Cảm nhận của các anh về sức khỏe thị trường lúc này thế nào?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi cho rằng nhìn chung thị trường đang giao dịch khá yếu, dòng tiền đang ngần ngại và có vẻ lựa chọn giải pháp đứng ngoài thị trường nhiều hơn là tham gia bởi có quá nhiều yếu tố tiêu cực bên ngoài.
Thị trường đã để mất đi mốc hỗ trợ rất cứng 880 điểm một cách dễ dàng, điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất mong manh.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Tình trạng thị trường lúc này khiến tôi liên tưởng tới tình trạng một người đang bị ốm.
Sức đề kháng bao gồm các yếu tố nội tại nền kinh tế vĩ mô khả quan, kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 4/2018 tốt và các thông tin hỗ trợ khác là không đủ để chống chịu lại với bệnh tật từ bên trong và ngoài.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Rõ ràng sức khỏe của thị trường đang ở trạng thái không tốt ở thời điểm hiện tại khi mà xu hướng chính vẫn đang là giảm kèm theo sự giảm sút về khối lượng giao dịch.
Sự thận trọng, dè dặt và hạn chế giao dịch của giới đầu tư có lẽ đến từ sự bất ổn, khó lường của các yếu tố ngoại biên, đặc biệt là biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Nếu bỏ qua các nhịp hồi ngắn mang tính kỹ thuật thì cá nhân tôi vẫn chưa nhìn thấy những tín hiệu kết thúc của xu hướng giảm điểm ngắn và trung hạn của thị trường.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Kết quả kinh doanh cả năm 2018 của một số doanh nghiệp dần hé lộ với kết quả kinh doanh tăng trưởng nhưng nhà đầu tư nội dường như hướng sự chú ý đến diễn biến tiêu cực của thị trường thế giới hơn.
Theo tôi, xu hướng giảm kéo dài đã tác động xấu đến tâm lý chán nản của nhà đầu tư vì có rất nhiều cổ phiếu về dưới giá trị thực rồi nhưng vẫn bị bán mạnh.
Tâm lý yếu khiến dòng tiền cạn kiệt, giá trị giao dịch chỉ xoay quanh ngưỡng 2.000 tỷ đồng/phiên khiến thị trường rất mong manh.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường tuần qua đang giao dịch quanh vùng 880 điểm, có thể nói đây là đáy thấp nhất trong năm 2018 của thị trường, do vậy tâm lý nhà đầu tư có xu hướng e ngại không muốn tham gia, trong bối cảnh chứng khoán quốc tế cũng đang có những biến động khá khó lường.
Tuy nhiên tôi nhận thấy thị trường cũng đang có một vài điểm tích cực như sau: Thứ nhất, chỉ số VN-Index đang giao dịch quanh vùng hỗ trợ mạnh và nếu nhịp hồi phục hình thành tại vùng giá này trong 1-2 phiên giao dịch tới thì chúng tôi kỳ vọng kịch bản tích cực sẽ hình thành.
Thứ hai, khối ngoại duy trì xu hướng mua ròng trong 7 phiên liên tiếp, điều này đã hỗ trợ được tâm lý nhà đầu tư trong nước.
Thứ ba, chỉ số S&P500 có xác suất tăng là 58% trong tháng 01 kể từ năm 1971 đến nay với mức tăng trung bình là 1,1%. Đồng thời, tính từ năm 2.000 đến nay, chỉ số VN-Index có xác suất tăng điểm trong tháng 1 là 58% với mức tăng trung bình là 5,5% và đây cũng là tháng tăng điểm tốt nhất trong năm.
Thứ tư, tỷ trọng cổ phiếu giảm mạnh. Theo mô hình định lượng của tôi, tỷ trọng cổ phiếu đã giảm dưới mức 20% và có khả năng sẽ sớm giảm về vùng 10% thì khả năng xác lập đáy của thị trường được đánh giá cao.
CHƯA NÊN VỘI BẮT ĐÁY
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Điều được chú ý nhất lúc này có lẽ là quan điểm kỹ thuật khi VN-Index đang rất mong manh ở vùng đáy 2018. Đang có rất nhiều lo ngại thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Quan điểm kỹ thuật của các anh có tiêu cực không, đáy của thị trường có thể tìm thấy ở đâu?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index giảm về vùng đáy của năm 2018 mà ở đó chỉ số đã 3 lần kiểm nghiệm. Ngưỡng 880-900 điểm được coi là ngưỡng phòng thủ quan trọng do đó bình thường chỉ số sẽ có những phản ứng tích bật tăng trở lại khi chạm ngưỡng này vì nhiều nhà đầu tư sẽ tham gia bắt đáy giúp chỉ số tăng.
Tôi kỳ vọng VN-Index trước mắt sẽ dừng giảm ở ngưỡng hỗ trợ cứng này với hi vọng khối ngoại thường giải ngân vào tháng 1 hàng năm cùng với kết quả kinh doanh tích cực của năm 2018 sẽ giúp thị trường bật tăng trở lại.
Trong trường hợp xấu VN-Index có thể giảm thêm về ngưỡng 755 điểm, tương đương MA200 tuần.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index được kỳ vọng sẽ xuất hiện nhịp hồi phục ngắn từ một đến hai tuần tại vùng hỗ trợ 855-865 điểm. Đích đến của nhịp hồi phục này (nếu có) sẽ nằm tại 905-910 điểm và 920-930 điểm trong kịch bản tích cực.
Mặc dù vậy, với cái nhìn dài hơi hơn, tôi vẫn nghiêng về quan điểm thận trọng với khả năng thị trường sẽ còn tìm đến các vùng hỗ trợ sâu hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi đánh giá cao khả năng thị trường sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn trong tuần tới, theo những tín hiệu tích cực trong phiên cuối tuần vừa qua.
Theo mô hình định lượng của tôi, tỷ trọng cổ phiếu đã giảm dưới mức 20% và gần với vùng đáy cho thấy áp lực giảm sâu sẽ giảm dần trong vài phiên tới khi dấu hiệu tạo đáy đang dần hình thành.
Ngoài ra, nếu đồ thị giá hồi phục trong phiên giao dịch tới thì rủi ro ngắn hạn sẽ có chiều hướng giảm dần.
Hệ thống chỉ báo xu hướng của tôi vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số với mức kháng cự ở mức 914.62 điểm của chỉ số VN-Index và 105.53 điểm của chỉ số HNX-Index.
Do đó, tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chưa nên vội tham gia bắt đáy ở vùng giá hiện tại khi dấu hiệu tạo đáy chưa hình thành rõ ràng.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS
Vùng đáy kỹ thuật của thị trường ở vùng 880 đã bị xuyên thủng nhẹ nhàng, do đó khả năng rất cao việc hồi phục trở lại vùng này chỉ là nhịp hồi mang tính kỹ thuật, khi hầu hết các cổ phiếu rơi vào trạng thái quá bán.
Về mặt kỹ thuật, thì nếu xuyên thủng vùng 880 thì chỉ số khả năng sẽ về sâu quanh vùng 830-850 điểm.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Về mặt kỹ thuật, siêu hỗ trợ 880 điểm đã bị phá thủng và kết phiên giao dịch cuối tuần thì chỉ số cũng chỉ vừa quay trở lại ngưỡng điểm này.
Điều này cho thấy sức khỏe thị trường đang rất mong manh trong bối cảnh tâm lý các nhà đầu tư đang rất dễ bị dao động; được phản ánh thông qua việc dòng tiền tham gia vào thị trường là khá yếu.
Chỉ báo MACD < 0 cho thấy rủi ro giảm điểm tiếp vẫn là rất lớn. Điểm sáng duy nhất là thị trường đã tạm thời thoát ra khỏi vùng quá bán nên trước mắt áp lực giảm điểm sẽ có thể không lớn.
Tuy nhiên, dựa trên tình hình hiện tại thì tôi nghĩ có lẽ chúng ta vẫn cần phải chuẩn bị cho việc chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục không trụ vững được tại mức 880 điểm. Trong trường hợp đó thì, ngưỡng hỗ trợ gần nhất là ở mức điểm 865 và đáy của thị trường có thể ở ngưỡng điểm 800.
GIAI ĐOẠN BI QUAN THÁI QUÁ
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Tâm lý bi quan đang chiếm ưu thế và với tâm lý này nhìn đâu cũng thấy những thông tin xấu, từ diễn biến tăng rộ lên của lãi suất, giá vàng, tới nguy cơ thị trường chứng khoán quốc tế tiếp tục tìm đáy mới, thậm chí là Mỹ đóng cửa Chính phủ. Thậm chí nếu phiên cuối tuần chỉ số phái sinh chứng khoán Mỹ không ấm lên thì VN-Index khó phục hồi được như vậy. Không lẽ thị trường chứng khoán Việt Nam cứ phải chờ đợi sự ổn định từ bên ngoài, dường như nhà đầu tư đang bi quan thái quá?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Các thông số vĩ mô trong nước năm 2018 được công bố với các con số tích cực, kèm theo đó là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng tốt.
Ngay kể cả trong năm 2019, theo dự báo của chúng tôi, nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định dù phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, các doanh nghiệp vẫn tạo được sự tăng trưởng về lợi nhuận dù cho đà tăng được dự báo sẽ chậm lại so với năm 2018.
Nói như vậy để thấy rằng, diễn biến thị trường đang phần nhiều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khó lường, bất định từ bên ngoài.
Và khi các yếu tố này chưa có lời giải thì dòng tiền có lẽ sẽ còn tiếp tục giữ thái độ thận trọng và dè dặt.
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Đúng là thị trường chứng khoán luôn có xu hướng phản ứng lại một cách thái quá nhất là theo chiều hướng tiêu cực.
Điều này cũng là dễ hiểu do ưu tiên bảo vệ danh mục đầu tư và bảo toàn vốn vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư trong bối cảnh có hàng tỷ lý do có thể khiến giá cổ phiếu giảm và nhất là sau một năm 2018 "đau thương".
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Trong bối cảnh hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động khá mạnh từ thị trường chứng khoán quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ, do đây đang là thời điểm trống thông tin cơ bản của doanh nghiệp, trong khi các hiệp định thương mại như CPTPP chưa có tác động đến thị trường.
Do vậy nhà đầu tư có xu hướng quan sát các thị trường chứng khoán quốc tế và hành động theo dẫn đến sự tương quan nói trên.
Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng khi thị trường Việt Nam đã giảm về đáy, và khi dòng tiền đang có dấu hiệu nâng đỡ thị trường, thì sự tương quan này sẽ giảm bớt.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường thế giới biến động tiêu cực kéo tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư khiến dòng tiền suy kiệt. Dường như nhà đầu tư không còn quan tâm đến nội tại của môi trường kinh doanh trong nước như GDP tăng trưởng cao nhất từ 10 năm trở lại đây hay như kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp niêm yết đã dần hé lộ với kết quả đầy khả quan.
Sự sợ hãi từ thị trường thế giới đã chi phối mạnh nhà đầu tư trong nước. Tình trạng "quan sát thị trường thế giới để phỏng đoán diễn biến thị trường trong nước" thời gian gần đây có xác suất đúng cao.
Thị trường chứng khoán luôn luôn có những giai đoạn mà ở đó tâm lý bi quan hay lạc quan thái quá gây ra tình trạng quá bán hoặc quá mua. Theo tôi, giai đoạn này là giai đoạn bi quan thái quá của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong tuần tới sẽ diễn ra cuộc đàm phán Mỹ - Trung. Những thông tin khả dĩ từ cuộc họp này mới, theo tôi, có thể đủ mạnh để kéo thị trường khỏi trạng thái bi quan hiện tại.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS
Thị trường chứng khoán luôn luôn đi trước các diễn biến vĩ mô trước một khoảng thời gian từ 6-12 tháng, vì nó thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trước diễn biến bên ngoài hết sức bất lợi, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện đang lớn nhất từ trước tới nay, nên khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Do đó, nhà đầu tư thể hiện sự bi quan cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, khi định giá của thị trường cũng như các cổ phiếu bị chiết khấu sâu so với giá trị thì tất nhiên các dòng tiền thông minh sẽ nhập cuộc, từ đó thị trường sẽ ổn định trở lại, chưa kể các dòng tiền lớn sẽ quay lại các thị trường mới nổi năm 2019, sau khi đã bán ròng mạnh mẽ vào năm 2018, trong đó Việt Nam là một điểm sáng trong việc thu hút vốn.
Theo tôi, năm 2019 khả năng rất cao dòng tiền sẽ lựa chọn theo từng mã cổ phiếu riêng lẻ, có câu chuyện dẫn dắt, thay vì tập trung vào từng dòng như trước đây, vì lúc này dòng tiền sẽ yếu, không thể lan tỏa trên diện rộng nữa.
Đặc biệt, các cổ phiếu liên quan tới kế hoạch chuyển sản, thoái vốn của Nhà nước là một lựa chọn tốt, hoặc một số cổ phiếu có cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng nhưng do ảnh hưởng của thị trường đã bị chiết khấu sâu so với giá trị.
KHUYẾN NGHỊ BÌNH TĨNH THEO DÕI
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Nhà đầu tư đã giảm đáng kể cường độ giao dịch và thanh khoản trong 3 phiên vừa qua rất thấp. Các anh có giải ngân mới không, hay vẫn giữ nguyên danh mục và đứng ngoài?
Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank
Tôi chỉ giải ngân và mua mới thêm khoảng 5% giá trị danh mục với mục đích thăm dò, nâng tỷ trọng danh mục lên khoảng 35-40%.
Đối với các nhà đầu tư khác, tôi vẫn khuyến nghị bình tĩnh theo dõi thị trường và tìm cơ hội giải ngân hợp lý.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Hiện tại, thị trường đang ở vùng khá nhạy cảm, do đó, lựa chọn của tôi là tiếp tục quan sát, và chưa gia tăng tỷ trọng.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tôi đã hạ tỷ trọng danh mục ngắn hạn xuống 18% cổ phiếu và 82% tiền mặt.
Tỷ trọng danh mục đầu tư trung hạn tôi vẫn giữ ở mức 30% cổ phiếu và 70% tiền mặt.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Chúng tôi vẫn tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường phản ứng với ngưỡng 880-900 điểm.
Chỉ khi dòng tiền đủ lớn vào thị trường chúng tôi mới an tâm tham gia giải ngân trở lại.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi ưu tiên việc đứng ngoài và giữ tỷ trọng danh mục ở mức thấp trong giai đoạn này.
Các hoạt động trading nếu có, chỉ nên dành cho các vị thế ngắn hạn có sẵn trong danh mục, và tập trung ở các cổ phiếu blue-chips.