Xu thế dòng tiền: Tin đồn - Giọt nước tràn ly?
Mặc dù không ít quan điểm đổ lỗi cho việc sụt giảm của thị trường là từ tin đồn, nhưng các chuyên gia lại cho rằng đó chỉ là cú hích mà thôi
Mặc dù không ít quan điểm đổ lỗi cho việc sụt giảm của thị trường là từ tin đồn, nhưng các chuyên gia lại cho rằng đó chỉ là cú hích mà thôi.
Đánh giá về biến động rất lớn trên thị trường tuần qua, các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn đều cho rằng thị trường vận động giảm là bình thường và hợp lý. Câu chuyện tin đồn chỉ là “giọt nước tràn ly” hay cái cớ, thậm chí là “mồi lửa cho đống rơm khô” thúc đẩy hoạt động chốt lời mạnh hơn.
Nguyên nhân nội tại của thị trường dẫn đến biến động giảm đó được đánh giá cao hơn. Đó là hai tuần tăng tốt trước đó chủ yếu do các cổ phiếu lớn đẩy lên; Đòn bẩy được sử dụng lớn; Dòng tiền không mạnh thêm được, thậm chí có dấu hiệu bị rút ra sau các tin kết quả kinh doanh…
Biến động giảm rất mạnh được cho là xuất phát từ nội tại, các chuyên gia lại không tỏ ra bi quan và đều thống nhất nhịp giảm là hợp lý và đem lại cơ hội nhiều hơn. Tuy các thông tin kết quả kinh doanh đã qua đi phần lớn, nhưng thị trường vẫn sẽ được hỗ trợ từ các chuyển biến mới trong nền kinh tế. Rủi ro nếu có bất thường sẽ là các biến động địa chính trị, tuy nhiên xác suất được đánh giá là rất thấp.
Vùng hỗ trợ kỹ thuật đối với VN-Index được xác nhận là quanh 760 điểm, tương đương với đáy gần nhất hoặc sâu hơn là 750-754 điểm.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Mặc dù VN-Index tuần này đã có lúc tiến sát ngưỡng 800 điểm mà anh chị kỳ vọng trong tuần trước, nhưng rốt cục vẫn là một tuần sụt giảm với những biến động rất mạnh. Việc xuất hiện tin đồn bất lợi được cho là nguyên nhân gây nên biến động đó. Quan điểm của anh chị thế nào?
Ông Lê Hoàng Tân
Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Theo quan điểm của tôi, thì việc thị trường điều chỉnh sẽ là điều tất yếu, vì sau giai đoạn điều chỉnh lần trước, thị trường đã tăng điểm mạnh mẽ trở lại trong 2 tuần, tuy nhiên việc tăng điểm chủ yếu do các trụ còn mặt bằng chung của các cổ phiếu nhìn chung không còn xung lực mạnh mẽ.
Lúc này, tin đồn xuất hiện có vẻ như là “ giọt nước tràn ly” khiến cho thị trường điều chỉnh với tốc độ nhanh và mạnh hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm, nhịp điều chỉnh này là bình thường và cần thiết cho 1 xu hướng tăng tốt tới cuối năm.
Ông Ngô Quốc Hưng
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Tôi cho rằng việc thị trường sụt giảm với những biến động rất mạnh vừa qua đến từ một trong số các nhân tố tác động gây nên biến động đó, một trong các nhân tố đó là việc xuất hiện tin đồn bất lợi.
Ngoài yếu tố này chúng ta cũng nhận thấy một số các nhân tố khác như: (1) Việc chỉ số VN-Index trong quá trình tiến sát ngưỡng 800 điểm đã gặp ngưỡng kháng cự gần nhưng tôi đã lưu ý ở kỳ trước. Trong bối cảnh tiền vào thị trường khá ổn nhưng việc đẩy chỉ số không “test” thành công ngưỡng kháng cự cho thấy lượng tiền này đã gặp phải lượng hàng đủ lớn để bão hòa dẫn đến thị trường có nguy cơ suy yếu dần dần.
(2) Thị trường biến động quá lớn khiến cho những tài khoản sử dụng đòn bẩy lớn phải bảo toàn lợi nhuận và kiểm soát rủi ro và (3) thanh khoản thị trường gia tăng đột biến cùng với chỉ số biến động lớn và đóng cửa gần với mức thấp nhất đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại hiện tượng phân phối đỉnh đã diễn ra.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tính từ năm 2014 tới nay có tới 19 phiên thị trường biến động giảm nhiều hơn 2%. Tuy nhiên, mức giảm của VN-Index trong phiên 9/8 dù rất mạnh nhưng tác động của nó khó có thể xếp chung vào nhóm những sự kiện đã đi vào lịch sử thị trường như “giàn khoan biển Đông” (2014).
Tin đồn “bắt bớ” ngay sau đó đã được phản bác. Tuy nhiên nhà đầu tư dường như vẫn lựa chọn đứng ngoài thị trường khi mà khối lượng giao dịch hai phiên tiếp theo bị sụt giảm thấp so với trung bình.
Vì vậy theo tôi có thể nói những tin đồn vừa qua chỉ là cái cớ để VN-Index giảm mạnh khi mà dòng tiền có dấu hiệu bị rút bớt ra trong tháng vừa qua do kết quả kinh doanh quý 2 đã qua đi được coi như lực cản chính cản trở việc chỉ số chinh phục và duy trì trên mức 800 điểm.
Ông Phạm Văn Khoa
Chuyên gia Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi nghĩ tin đồn giống như mồi lửa cho một đống rơm khô, điều này đặc biệt đúng với trạng thái thị trường tuần qua. Nếu rơm khô, hay niềm tin của giới đầu cơ mong manh, một kích thích nhẹ cũng có thể bùng phát bán tháo.
Tôi thấy thị trường đã có 2 tuần liên tiếp tăng mạnh, VN-Index có lúc lên mức cao nhất trong nhiều năm, số liệu về margin cũng cho thấy giới đầu cơ đã dùng vốn vay nhiều quá mức, đó là các nhân tố tiềm ẩn rủi ro và không khó để hình dung sẽ có những phiên sụt giảm mạnh, dù có hay không có tin đồn.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Hiện tại phần lớn các thông tin về kết quả kinh doanh quý 2 đã qua đi và nhạt dần. Trong khi đó các biến động xấu từ thị trường chứng khoán thế giới, giá dầu lại xuất hiện. Anh chị có lo ngại về khoảng trống thông tin trong ngắn hạn? Nếu quan ngại rủi ro, anh chị lo ngại nhất về điều gì?
Ông Ngô Quốc Hưng
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Theo tôi những yếu tố tác động mạnh đến thị trường phải đến từ tầm vĩ mô. Ở thời điểm hiện tại những yếu tố cơ bản hỗ trợ thị trường và sẽ tiếp tục là động lực giúp thị trường tăng trưởng vẫn tiếp tục được củng cố như: tín dụng mở rộng, tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng năm 2017 của 612 công ty niêm yết + 23,67%, tỷ giá USD/VND trong nước ổn định, lãi suất trong nước đang được giữ ở mức thấp, khối ngoại rót cả tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam…sẽ là những điểm nhấn quan trọng giúp chúng ta tin tưởng hơn vào xu thế đi lên vững chắc của thị trường.
Nếu quan ngại rủi rỏ, có lẽ rủi ro về địa chính trị sẽ là nhân tố tiềm ẩn trong lúc này.
Ông Phạm Văn Khoa
Chuyên gia Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Khoảng 90% doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý 2, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên HOSE tăng khoảng 14%, trong khi các doanh nghiệp trong VN30 tăng khoảng 20%. VN-Index và VN30 Index đã tăng khoảng 16% so với thời điểm này năm trước. Thị trường đang ổn được định giá ở mức P/E khoảng 16 lần, không quá cao so với quá khứ.
Tháng 8 là một khoảng trống thông tin nên sẽ khó khăn cho người đầu cơ trong việc giao dịch ngắn hạn. Còn về các căng thẳng địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên, tôi chưa nhìn thấy sự thay đổi nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến hướng đi của dòng vốn giữa các lớp tài sản.
Tôi vẫn tin cổ phiếu là tài sản hấp dẫn nhất ở thời điểm hiện tại nên không có nhiều lo ngại về triển vọng dài hạn của tài sản này.
Ông Lê Hoàng Tân
Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Trong ngắn hạn, thực sự các thông tin hỗ trợ cho thị trường không còn nhiều và hiện tại bất kỳ thông tin này chỉ cần “ không tốt” cũng sẽ trở thành tin tiêu cực cho thị trường và làm cho đà điều chỉnh của thị trường tiếp diễn.
Hiện tại căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên cùng với biến động giảm của giá dầu là điều mà nhà đầu tư hết sức quan tâm. Việc phố Wall liên tục thiết lập các kỷ lục trong nhiều năm, thì sự kiện căng thẳng này cũng là cái cớ để phố Wall điều chỉnh mà thôi.
Nhìn lại, việc căng thằng Mỹ - Triều nó đã tồn tại nhiều năm qua, 2 bên đã có rất nhiều phát ngôn rất mạnh mẽ, nhưng kết cục vẫn chưa có bất kỳ hành động quân sự nào; lần này sau sự kiện Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa khiến tâm lý nhà đầu tư càng trở nên lo lắng hơn.
Theo tôi, đây cũng chính là rủi ro lớn nhất ở thời điểm hiện tại – rủi do xung đột vũ trang giữa Mỹ và Triều tiên, nhưng theo tôi, xác suất xảy ra rất thấp.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Trong nửa đầu năm 2017, thị trường tăng khá bền bỉ trong đó có phần hỗ trợ không nhỏ về tỷ giá chỉ tăng ở mức chấp nhận được. Do vậy, trong trường hợp tỷ giá chịu áp lực tăng nhiều khả năng thanh khoản trên thị trường sẽ chịu những áp lực nhất định.
1) Xu hướng nới lỏng của các ngân hàng trung ương dù vẫn được duy trì đặc biệt là đối với BOJ. Tuy nhiên, xu hướng đang có dấu hiệu sẽ dần dần chấm dứt và thậm chí có thể dần chuyển sang chính sách thắt chặt khi các yếu tố kinh tế vĩ mô cho thấy các tín hiệu hồi phục. Các đại diện thuộc nhóm này là ngân hàng ECB và PBOC.
2) Đồng USD được dự báo có thể tăng trở lại sau khi giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt trong 6 tháng đầu năm.
3) Trong quý 4, lãi suất liên ngân hàng có thể tăng trở lại mức cao và qua đó, ảnh hưởng tiêu cực tới dòng vốn trên thị trường.
4) P/E thị trường không còn ở mức hấp dẫn đặc biệt khi so sánh cùng các thị trường cận biên kéo theo đó là rủi ro các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước có nguy cơ đẩy mạnh chốt lời trong trường hợp có các tin tức tiêu cực ảnh hưởng lên xu hướng chung của thị trường.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Nếu kịch bản xấu xảy ra, anh chị dự kiến thị trường có thể điều chỉnh như thế nào?
Ông Lê Hoàng Tân
Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Trong ngắn hạn, nếu không có thêm sự kiện bất lợi nào, theo tôi khả năng thị trường sẽ sideway trong vùng 760-780 điểm trước lúc bước vào nhịp tăng mới.
Ngược lại, trong trường hợp xảy ra chiến tranh (tôi nhấn mạnh là xác suất rất thấp) thì lúc này thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh rất sâu, vì đây có thể được xem là sự kiện “thiên nga đen”.
Ông Ngô Quốc Hưng
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Với sự biến động mạnh trong tuần vừa qua, hiện chỉ số VN-Index đã phá vỡ các xu hướng tăng ngắn và trung hạn và đe dọa xu hướng tăng dài hạn đang cố gắng duy trì trong thời gian vừa qua.
Nếu kịch bản xấu xảy ra, chúng tôi nhận thấy có 2 khả năng về xu hướng của thị trường trong thời gian tới: 1) Thị trường sẽ có những phiên “bulltrap” (các nhịp tăng kỹ thuật sẽ bị cản trở bởi lượng hàng cắt lỗ mới), với khối lượng tiếp tục ở mức cao. Nếu điều này xảy ra thì thị trường sẽ bật lại sớm hơn dự kiến. Chúng tôi nghiêng về khả năng.
2) Thị trường sẽ đi vào vùng tích lũy và “test” nguồn cung hiện có, trong vùng tích lũy này thị trường vẫn có những con sóng hồi kỹ thuật, quá trình này kết thúc khi khối lượng giao dịch giảm dần và khi đó giá sẽ tăng trở lại.
Hiện ngưỡng hỗ trợ mạnh về mặt kỹ thuật của VN-Index ở vùng 754 điểm (ứng với đường EMA 90 ngày) - 760 điểm (mức đáy của nhịp hồi kỹ thuật vừa qua).
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index có ngưỡng hỗ trợ hiện tại là 770 điểm tương đương MA50. Nếu ngưỡng này bị xuyên thủng sẽ dẫn đến xu hướng tăng ngắn hạn bị gãy và thị trường có thể lùi về ngưỡng 750 điểm tương đương MA100.
Ông Phạm Văn Khoa
Chuyên gia Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Trong khả năng quan sát của tôi, VN-Index có thể sẽ giữ ổn định ở vùng 760-770 điểm, trên cơ sở kỳ vọng thị trường sẽ giữ được tăng trưởng dài hạn.
Tuy nhiên, đó chỉ là con số và không quan trọng bằng việc xây dựng chiến lược phù hợp cho bức tranh lớn. Nếu nhà đầu tư chú ý đến bức tranh lớn thì cho dù VN-Index có thể sụt giảm sâu hơn hay ngay lập tức tăng trở lại, họ vẫn sẽ có sự chủ động.
Nguyễn Hoàng
VnEconomy
Hoạt động bắt đáy trong phiên hoảng loạn ngày 9/8 có vẻ kém hiệu quả. Anh chị có tăng tỷ trọng cổ phiếu lên hay không, mức phân bổ bao nhiêu? Nếu có tham gia phái sinh, vị thế của anh chị như thế nào?
Ông Lê Hoàng Tân
Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Hiện tay tỷ trọng cổ phiếu /tiền mặt của tôi đang là 50/50.
Nếu tham gia phái sinh, thì đối với Hợp đồng VN30F1708 chỉ cần dùng phân tích kỹ thuật cho VN30. Vì giá của Hợp đồng VN30F1708 đã tiệm cận với chỉ số VN30 thực tế, và thứ 5 tuần sau cũng là ngày đáo hạn của hợp đồng, nên mức độ biến động sẽ không nhiều.
Vị thế bán khả năng sẽ là lựa chọn của tôi. Còn đối với VN30F1709 tôi sẽ mở vị thế mua.
Ông Trần Hữu Phúc
Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Do VN30 dao động hẹp 733 - 749 điểm nhưng vẫn đang vận động ở xu hướng giảm và khối lượng giao dịch chưa cải thiện nên nhà đầu tư có thể dùng chiến thuật Short khi giá lên.
Ông Phạm Văn Khoa
Chuyên gia Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi vẫn giữ danh mục cổ phiếu dài hạn ở mức 90% giá trị tài sản ròng và chưa sử dụng vốn vay.
Ông Ngô Quốc Hưng
Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Với sự thận trọng tôi cho rằng nên duy trì 50% cổ phiếu dành cho các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép và bản lẻ…