12:29 13/11/2017

Xu thế dòng tiền: Tương lai VNM sau đấu giá và thị trường hậu APEC

Nguyễn Hoàng

"Khi Việt Nam đăng cai APEC năm 2006 và sau đó là tham gia WTO năm 2007, thì thị trường cũng phản ứng rất tích cực"

“Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường.
“Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường.

Sức mạnh của các cổ phiếu trụ lớn nhất đã dẫn tới một tuần tăng bùng nổ của chỉ số VN-Index.

Các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền" của VnEconomy đều thống nhất về VNM, sau phiên đấu giá thành công bất ngờ, thu hút quan tâm lớn của thị trường.

Với mức giá đấu thành công cao hơn giá trên sàn, VNM có thể sẽ tiếp tục tăng thêm trong tuần tới. Thậm chí có quan điểm cho rằng các tổ chức không mua được VNM sẽ mua thẳng trên thị trường, làm tăng sức cầu với cổ phiếu này.

Tuy nhiên cũng có quan điểm thận trọng cho rằng đà tăng giá của VNM có thể tiếp tục trong phiên đầu tuần nhưng sẽ gặp mức kháng cự mạnh và có khả năng bị chốt lời ngắn hạn. Xét về dài hạn mức giá của VNM là hợp lý, nhưng trong ngắn hạn có thể điều chỉnh.

Các chuyên gia cũng không tỏ ra lo ngại nhiều về mức tăng giá nóng của các blue-chip vì các cổ phiếu này cũng có những câu chuyện riêng hỗ trợ khả năng tăng giá.

Đà tăng giá ở nhóm blue-chip dẫn dắt có dựa trên yếu tố hỗ trợ chứ không chỉ đơn thuần là yếu tố tạo lập thị trường. Do đó rủi ro của các cổ phiếu này không lớn hơn rủi ro của thị trường.

Áp lực chốt lời cổ phiếu trụ

undefined - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu trụ thể hiện rất rõ trong tuần này với thanh khoản tăng mạnh ở những mã như VIC, VNM, VCB, MBB… Quả thực VN-Index tăng mạnh cũng là nhờ những cổ phiếu này. Các anh đánh giá thế nào về cơ hội và rủi ro tại các cổ phiếu trụ?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS

Thị trường tuần qua đóng cửa với mức điểm kỷ lục 868,21 điểm, vượt qua điểm dự báo của tôi ngay từ đầu năm khi cho rằng chỉ số VN-Index năm 2017 có thể chạm mức 850 điểm.

Động lực tăng điểm trong tuần qua chủ yếu đến từ các cổ phiếu blue-chip, có giá trị vốn hóa lớn như VIC, VNM, VCB, MBB và một phần là cổ phiếu VRE mới lên sàn.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc các cổ phiếu trụ liên tục dẫn dắt thị trường đi lên là có sự tác động của các "market - maker", tuy nhiên tôi cho rằng điều này chỉ đúng một phần, phần còn lại vì các cổ phiếu này đều có câu chuyện riêng.

Chẳng hạn như VIC thì có câu chuyện Vinfast, Vincom Retail, còn VNM thì ai cũng biết thứ Sáu tuần rồi, một nhà đầu tư nước ngoài đã mua trọn lô 48.3 triệu cổ phiếu với mức giá 186 nghìn đồng, cao hơn 14,4% giá tham chiếu ngày hôm đó, hay VCB, MBB đều có các thông tin hỗ trợ, mặc dù chưa chính thức được công bố.

Như vậy có thể thấy, các cổ phiếu trụ tăng mạnh một phần cũng nhờ sự kỳ vọng của nhà đầu tư, chứ không đơn thuần là yếu tố tạo lập thị trường.

Với nền tảng như vậy, tôi cho rằng rủi ro đối với các cổ phiếu này là không nhiều so với rủi ro của thị trường chung.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng khả năng giảm giá mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ sẽ khó xảy ra khi mà đà tăng ở nhóm cổ phiếu này không phải chỉ do những yếu tố hỗ trợ mang tính thời điểm, đặc biệt là lực cầu của khối ngoại trong những phiên gần đây. Mà đằng sau đó còn xuất phát từ các yếu tố nền tảng cơ bản, như tăng trưởng kết quả kinh doanh, định hướng nới lỏng của chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô ổn định, triển vọng nâng hạng…

Mặc dù vậy, sau giai đoạn tăng điểm nóng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ gặp phải áp lực chốt lời và cần một nhịp điều chỉnh để xác lập mặt bằng giá mới.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường đã có tuần hưng phấn với việc chỉ số liên tục chinh phục các đỉnh cao mới.

Các nhóm trụ cột luân phiên dẫn dắt thị trường tạo hiệu ứng lan tỏa khá tốt, tạo nên đặc trưng trong giai đoạn này là mức tăng trưởng vượt trội của các cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành, cổ phiếu có khả năng dẫn dắt.

Trong các tuần tới đây, tôi cho rằng xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Với việc hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 3, doanh thu tăng 16% (yoy) và lợi nhuận tăng 20% (yoy).

Do vậy thị trường thị trường có mức tăng trưởng hơn 28% kể từ đầu năm là hoàn toàn có cơ sở vì thế việc các trụ kéo thị trường để chinh phục các đỉnh cao mới vẫn nằm trong xu hướng chung đó.

Nhìn lại các cổ phiếu trụ như trên có thể thấy đây là các cổ phiếu đầu ngành, có sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Mặt khác những cổ phiếu này cũng có kết quả kinh doanh hết sức khả quan trong 9 tháng vừa qua và còn dư địa tăng trưởng trong năm, hệ quả là kết quả đạt được đã phản ánh vào giá, thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên.

Tóm lại đây là những cổ phiếu đầu ngành, có kết quả kinh doanh triển vọng và được sự quan tâm của nhiều tổ chức lớn do vậy dòng tiền tập trung vào những cổ phiếu này không phải bàn cãi, tuy nhiên rủi ro có thể đến với những nhà đầu tư ngắn hạn.

VNM trước vùng kháng cự mạnh

undefined - Ảnh 2.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Nhà đầu tư nước ngoài đã có một tuần "ăn vã" cổ phiếu VNM. Các anh đánh giá thế nào về kết quả đấu giá VNM so với giá cổ phiếu trên sàn? Ẩn số tuần sau của VNM sẽ thế nào?



Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Kết quả đấu giá cổ phiếu VNM có phần gây bất ngờ cho nhiều người với mức giá đấu cao hơn khá nhiều so với giá giao dịch hiện tại trên thị trường.

Tuy nhiên, nếu xét về tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp này trong tương lai, thì mức giá đấu đó vẫn được xem là một mức giá hợp lý.

Theo tôi, giá của cổ phiếu VNM nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực trong tuần tới. Mặc dù vậy, sau khi những yếu tố hỗ trợ ngắn hạn cho giá cổ phiếu qua đi, VNM nhiều khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời và bước vào nhịp điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự mạnh 180-190 nghìn đồng/cổ phiếu.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tâm điểm thị trường trong phiên cuối tuần thuộc về nhóm thực phẩm tiêu dùng khi cổ phiếu VNM đã tăng khá trong tuần qua, xoay quanh thông tin về đợt thoái vốn của SCIC và thậm chí tăng hết biên độ trong phiên giao dịch cuối tuần với hơn 9 triệu cổ phiếu được giao dịch và phần lớn đến từ các nhà đầu tư ngoại.

Theo thông tin cuối cùng, toàn bộ 3,33% lượng cổ phiếu VNM được chào bán lần này đã được một nhà đầu tư ngoại mua hết với giá 186.000 đồng/cổ phiếu.

Đứng từ góc độ nhà đầu tư tổ chức, chúng tôi nhận định đây là giá trị hợp lý để mua khối lượng lớn cổ phiếu VNM - giao dịch không dễ thực hiện với hình thức khớp lệnh hoặc trao tay trên sàn.

Nhìn từ góc độ thị trường, thông tin này nhiều khả năng tiếp tục tục hỗ trợ cho đà tăng ngắn hạn của cổ phiếu VNM và là một trong những căn cứ hỗ trợ cho kịch bản tăng điểm của chỉ số chung trong phiên đầu tuần tới.

Nhìn rộng hơn, đây được xem là dấu hiệu tích cực cho qua trình thoái vốn của SCIC không chỉ đối với VNM mà còn các nhiều doanh nghiệp khác theo đúng chủ trương của Chính phủ khi nhiều điểm vướng mắt trong đợt chào bán cuối năm 2016 đã được khắc phục.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Từ lâu nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị "gây thương nhớ" bởi Vinamilk, nhất là F&N Dairy Investments.

Kết quả đấu giá, lệnh khủng ôm trọn 48 triệu cổ phiếu, giá 186.000 đồng/cổ phiếu của tổ chức nước ngoài, đúng bằng một phiên trần so với giá đóng cửa cùng ngày, cho thấy "bò sữa" vẫn rất hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Kể từ khi niêm yết, cổ phiếu này được đánh giá có một không hai trên thị trường, và nếu các tổ chức lớn không tham gia vào cuộc đua VNM thì còn biết đổ tiền vào đâu?

Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp cùng ngành đã niêm yết: như Habeco (BHN), Sabeco (SAB), Vinasoy, Masan Consumer hay các doanh nghiệp có quy mô tương đương như ACV, VJC… nhưng VNM vẫn là sự khác biệt so với phần còn lại.

Do vậy đối với VNM cũng không thể đánh giá trong thời gian ngắn, về mặt kỹ thuật VNM đã vượt đỉnh, nên phía trước là bầu trời!

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS

Các nhà đầu tư nước ngoài có một chiến lược đầu tư rõ ràng và mang tầm nhìn dài hạn.

Trước đây F&N Dairy mua cổ phiếu VNM với giá 144.000 đồng/cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng mức giá đó là khá cao, tuy nhiên đến hôm nay họ đã có lãi rất lớn từ thương vụ này.

Tuần qua, lại một nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận mua trọn lô 48.3 triệu cổ phiếu VNM với mức giá 186 nghìn đồng/cổ phiếu, có thể có một số anh sẽ cho rằng mức giá đó lại rất cao, tuy nhiên nó hoàn toàn phù hợp với chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Diễn biến cổ phiếu VNM trên sàn cũng chịu tác động của đợt đấu giá này. Theo đánh giá của tôi, một số nhà đầu tư nước ngoài dự báo họ sẽ không mua được cổ phiếu VNM trong phiên đấu giá nên tranh thủ gom cổ phiếu trên sàn với mức giá rẻ hơn.

Có thể đó là nguyên nhân của việc cổ phiếu VNM lên trần và cạn nguồn cung.

Tăng do APEC cũng là quy luật

undefined - Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Nhiều ý kiến cho rằng đà tăng hiện tại một phần do ảnh hưởng tích cực từ các sự kiện chính trị lớn trong nước mà nổi bật là APEC, thậm chí việc đẩy thị trường tăng là một "nhiệm vụ". Các anh liệu có nghĩ như vậy không, và có dự cảm gì cho tuần tới?

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Như đã nhận định ở trên, năm nay thị trường tăng trưởng nhờ bức tranh nội tại của doanh nghiệp khả quan hơn cùng kỳ.

Thị trường tăng 28% kể từ đầu năm là một phần được phản ánh từ doanh nghiệp và bao trùm tất cả là nền tảng vĩ mô của nền kinh tế đang rất ủng hộ cho một xu hướng tăng bền vững, và không còn cách nào khác là thị trường phải tăng trưởng.

Các sự kiện chính trị lớn trong nước như APEC là những động lực hỗ trợ tâm lý thêm cho trên thị trường, nhưng chưa phải là nhân tố chính.

Với sự nhập cuộc mạnh mẽ của dòng tiền và các trụ luân phiên làm việc tích cực như hiện nay, sức lan tỏa sẽ ngày càng cải thiện, tạo sự đồng thuận cho các nhóm cố phiếu khác tăng trở lại, một trong các nhóm đó là ngân hàng, các cổ phiếu săm lốp, bán lẻ, thép…

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng, khả năng tiếp tục bứt phá của thị trường trong một, hai tuần tới là khá thấp. Thay vào đó, chúng ta có thể sẽ sớm thấy thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh lình xình, phân hóa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Bên cạnh đó, diễn biến điều chỉnh sâu có thể sẽ diễn ra cục bộ ở một số ít những mã cổ phiếu đã tăng nóng.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS

Theo tôi rất khó để nói việc đẩy thị trường lên là "nhiệm vụ" của ai, nhưng chúng ta có thể nhìn lại, khi Việt Nam đăng cai APEC năm 2006 và sau đó là tham gia WTO năm 2007, thì thị trường cũng phản ứng rất tích cực.

Điều này có thể đã là quy luật của thị trường, vấn đề còn lại là ai tận dụng được cơ hội đó.

Bản thân tôi là nhà tư vấn, cũng thường đưa ra các giả định để đánh giá sâu về bản chất nhưng nhiệm vụ cuối cùng vẫn là giúp nhà đầu tư, khách hàng của mình kiếm tiền.

Rất may là chúng tôi đã tận dụng được điều đó.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Mặc dù xu hướng tăng trung và dài hạn của chỉ số vẫn được duy trì trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, dòng tiền luân chuyển trên thị trường, nhà đầu tư nên cẩn trọng khi tình trạng "xanh vỏ - đỏ lòng" có thể tái diễn với áp lực chốt lời ngắn hạn tại phần đông các cổ phiếu đã tăng trưởng ấn tượng trong tuần qua, sau khi tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư xoay quanh sự kiện APEC dần hạ nhiệt.

Tuy vậy, đây được xem là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục, phân bổ tỷ trọng vào các cổ phiếu dẫn dắt có triển vọng kinh doanh khả quan hoặc câu chuyện cá biệt như M&A, thoái vốn…

Xu hướng tăng vẫn còn

undefined - Ảnh 4.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường đã giảm đáng kể hiện tượng "xanh vỏ - đỏ lòng". Các anh có giao dịch ngắn hạn tuần qua không?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Chứng khoán MBS

Như chúng tôi đã tư vấn xuyên suốt nhiều tháng trở lại đây, danh mục chủ yếu hiện tại là các cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, tiêu dùng và một phần xây dựng, vật liệu xây dựng.

Chúng tôi có xu hướng nắm giữ dài hạn và dùng một phần cổ phiếu có sẵn để trading theo sóng thị trường để tối đa hóa danh mục đầu tư.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Mặc dù còn nhiều nghi ngờ khi thị trường bước vào tuần giao dịch sau APEC về giai đoạn trống thông tin hỗ trợ, nhưng tôi hy vọng với sự nhập cuộc của dòng tiền, sự luân chuyển của các trụ và nhà đầu tư cũng không thể cầm tiền trong khi thị trường cứ tăng dần đều được, thì xu hướng tăng mở rộng của thị trường vẫn được xác nhận, mặc dù sẽ có những phiên điều chỉnh kỹ thuật để tạo mức tăng bền vững hơn.

Trên quan điểm thận trọng, tôi cho rằng có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu lên 70%.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Trong tuần qua chúng tôi vẫn giữ nguyên danh mục với các cổ phiếu dòng ngân hàng, công nghệ, bất động sản.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi đã thực hiện mua thêm 10% cổ phiếu cho phần danh mục ngắn hạn. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện tại là 50% cổ phiếu. Trong đó, tỷ trọng các vị thế trung hạn vẫn là 30% cổ phiếu.