Xu thế dòng tiền: Vì sao thế giới tăng "bốc đầu", thanh khoản trong nước mất hút?
VN-Index tuần quan sụt giảm 1,01% trong khi hàng loạt chỉ số khác trên thế giới tăng "bốc đầu" là yếu tố khiến nhà đầu tư trong nước đứng ngồi không yên
VN-Index tuần quan sụt giảm 1,01% trong khi hàng loạt chỉ số khác trên thế giới tăng "bốc đầu" là yếu tố khiến nhà đầu tư trong nước đứng ngồi không yên.
Tình trạng thanh khoản sụt giảm mạnh những ngày qua cũng là điều khó hiểu đối với đa số nhà đầu tư. Nếu thị trường lo sợ chiến tranh thương mại thì vòng đám phán Mỹ - Trung mới nhất đã được ấn định vào tháng 10, chứng khoán Mỹ, Trung đều tăng mạnh. Nếu những lo lắng về căng thẳng chính trị tại Hong Kong thì câu chuyện cũng đã hạ nhiệt, chứng khoán Hong Kong cũng bùng nổ.
Các chuyên gia cho rằng dường như đang có sự lo lắng, sợ hãi quá mức của nhà đầu tư trong nước dẫn đến tình trạng "lệch pha" đáng kể với thế giới. Tuy nhiên cũng không phải không có những điểm sáng. Mức suy giảm của VN-Index không lớn và vẫn chưa phá vỡ các mức hỗ trợ quan trọng. Ngoài ra vẫn có những nhóm cổ phiếu mạnh hơn thị trường.
Thị trường phái sinh cũng đang thể hiện kỳ vọng ngược với cơ sở khi đẩy mức chênh lệch cơ sở hẹp lại, thậm chí chênh lệch cơ sở với kỳ hạn tháng 10 đã chuyển sang dương.
Tuy vậy trong ngắn hạn, các chuyên gia vẫn duy trì quan điểm thận trọng và tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp, chờ đợi những diễn biến kỹ thuật rõ ràng hơn. Thanh khoản tăng dần và có sự lan tỏa tốt hơn là yếu tố tích cực được chờ đợi để có thể mua vào nhiều hơn.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường giảm trong tuần đầu tháng 9 không phải là điều đáng ngại, mà thanh khoản quá kém trong khi bối cảnh thế giới rất tích cực cho thấy sự trái ngược khó hiểu. Nếu những tuần trước thanh khoản giảm thì có thể căn cứ vào sự khó lường trong căng thẳng thương mại cũng như các vấn đề quốc tế như Hong Kong hay diễn biến chứng khoán Mỹ. Tuần qua các vấn đề này đều đã được giải quyết nhưng dòng tiền vẫn mất hút. Nhà đầu tư rất ức chế trước tình trạng này. Anh chị có thể đưa ra một lý giải hợp lý nào không?
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Tôi đánh giá rằng đây vẫn chỉ là phản ứng sợ hãi quá mức của nhà đầu tư trong bối cảnh rủi ro vĩ mô căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung vẫn chưa thực sự có hướng giải quyết ổn thỏa.
Bên cạnh đó, việc giá vàng liên tục leo thang lên các mức đỉnh cao hơn, cùng với một loạt các cảnh báo dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang cận kề cũng là nguyên nhân khiến cho dòng tiền lựa chọn đứng ngoài thị trường, trực tiếp khiến cho thanh khoản thị trường yếu kém đi rất nhiều.
Ngoài ra, việc bán ròng liên tục của khối ngoại cũng là một tín hiệu đáng ngại, tiếp tục cho thấy xu hướng rút ròng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam, khiến cho thị trường càng thiếu đi lực đỡ và sự sôi động.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Phiên cuối tuần VNINDEX đóng cửa ở mức 974,08 điểm (giảm 2,71 điểm tương ứng 0,28%) với thanh khoản cực kỳ thấp đạt giá trị 1.903,377 tỷ đồng (chưa bao gồm giao dịch thỏa thuận) cho thấy nhà đầu tư chưa sẵn sàng giải ngân.
Có thể do các nhịp hồi gần đây chủ yếu từ các mã: VHM, VCB, VIC, BID nhưng đa số các mã trong danh mục nhà đầu tư nắm giữ giảm chứ không tăng. Cũng xuất phát từ phiên giảm mạnh đầu phiên, cuối phiên tăng mạnh hơn 7 điểm (biên độ trong phiên biên hơn 20 điểm) ngày 15/08/2019 VNINDEX cũng không theo xu hướng giảm của chứng khoán Mỹ trước đó, nay cũng là 1 phiên giảm điểm nhẹ trong khi chứng khoán thế giới hồi phục mạnh.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN Index ghi nhận tuần điều chỉnh giảm điểm thứ hai liên tiếp do áp lực chốt lời trên các cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số chung mở cửa tuần với diễn biến giảm điểm và thất bại trước mốc 985 điểm khi nhiều cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn ghi nhận áp lực chốt lời mạnh sau khi một nhịp tăng khá mạnh trước đó như VCB, VHM, GAS,…
Cuối tuần, mặc dù lực cầu bắt đáy hoạt động khá tích cực khi VN Index rơi về vùng 970 điểm nhưng chỉ số vẫn ghi nhận những phiên điều chỉnh với thanh khoản thấp và nhìn chung chủ yếu là dao động quanh mốc 975 điểm. Đóng cửa tuần giao dịch, VN Index giảm 9.98 điểm (-1.00%) và dừng tại mức 974.08 điểm, trong khi HNX Index giảm 1.39% còn 100.92 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt nam thời gian gần đây luôn có những diễn biến lệch pha với thế giới. Điều này cũng dễ hiểu khi mà tình hình chung về chiến tranh thương mại Mỹ Trung ảnh hưởng xu hướng chung nhưng diễn biến theo từng phiên sẽ là vấn đề vĩ mô của từng nước.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Trong những tuần tới, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận những thông tin và sự kiện mới như hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETFs, cuộc họp của FED, kết quả review nâng hạng thị trường của tổ chức FTSE hay ngày đáo hạn hợp đồng tương lai kỳ hạn tháng 09.
Tôi cho rằng đây đều là các yếu tố có thể tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến chung của thị trường, nhất là trong bối cảnh các chỉ số chính đang ở giai đoạn đi ngang không rõ ràng về mặt xu hướng.
Đồng thời đó cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến tâm lý nhà đầu tư vẫn ở trạng thái thận trọng và hạn chế giao dịch trong giai đoạn này. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng, diễn biến của thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng biến động giằng co, đi ngang với sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu trong ngắn hạn.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Các suy nghĩ bi quan về thị trường có lẽ chủ yếu xuất phát từ hiện tượng "lạc nhịp" với thế giới cũng như tình trạng lình sình không rõ ràng. Anh chị có nhìn thấy điểm tích cực nào trong tuần giao dịch vừa qua?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Theo tôi điểm tích cực nhà đầu tư có thể thấy là VNINDEX đang tích lũy theo ngày trong vùng giá 970 – 983 điểm, tích lũy theo tuần trong vùng giá 943 – 983 điểm. Nếu vỡ các mức hỗ trợ trong vùng tích lũy này cùng với thanh khoản thấp VNINDEX cần 1 phiên "Wash-out" để hồi phục.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tuần qua tín hiệu kỹ thuật của VN- Index về trạng thái Tiêu cực với giá trị giao dịch đạt rất thấp quanh 2000-2400 tỷ/ phiên. VN-Index ở kênh dưới của kênh giá tăng ngắn hạn từ đầu tháng 7 và đã không bảo vệ được ngưỡng hỗ trợ 980 khi đóng cửa cuối tuần trước tại 974 điểm.
Điểm tích cực là VN30 vẫn duy trì được kênh tăng giá từ cuối tháng 6 khi mà nhóm cổ phiếu Vingroup, ngân hàng giao dịch tích cực hơn các nhóm còn lại của thị trường.
Tôi kỳ vọng, VN30 nơi tập trung các mã cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm đến hơn 70% toàn thị trường sẽ là đầu tầu kéo VN-Index tăng điểm trong thời gian tới.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Điểm tích cực trong tuần qua theo tôi đó chính là áp lực bán ròng của khối ngoại đã giảm đi rõ rệt, thậm chí khối ngoại đã có động thái mua ròng trở lại ở một số phiên trong tuần qua. Ngoài ra, việc Vn-Index vẫn giữ được các vùng hỗ trợ quan trọng trước áp lực từ các yếu tố ngoại biên cũng có thể được xem là một điểm sáng của thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Thực sự thì trong thời gian vừa qua tôi không thấy có điểm sáng nào đáng chú ý trong diễn biến giao dịch. Ngay cả nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường và thu hút dòng tiền tốt cũng bị chốt lời mạnh do dòng tiền đầu cơ rút đi.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Một diễn biến khá bất ngờ tuần qua là trong khi thị trường cơ sở gây ức chế cao đối với nhà đầu tư thì thị trường phái sinh lại thể hiện sự kỳ vọng khá cao. Mức chênh lệch cơ sở đang được thu hẹp lại rất nhanh mặc dù cũng còn 2 tuần nữa mới đáo hạn. Theo anh chị thị trường phái sinh kỳ vọng ngược như vậy có hợp lý?
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Diễn biến thị trường phái sinh là phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư về triển vọng của thị trường cơ sở. Mức chênh lệnh âm giữa các hợp đồng phái sinh và chỉ số cơ sở đang được thu hẹp lại một cách nhanh chóng cho thấy kỳ vọng lạc quan của giới đầu tư đang có chiều hướng tăng lên.
Song hành là những diễn biến khả quan mới nhất về tình hình vĩ mô hiện tại như Mỹ - Trung nối lại đàm phán trong tháng 10; khủng hoảng chính trị tại Hồng Kông cũng đang có dấu hiệu dịu lại và các số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ đang ủng hộ cho một đợt kỳ vọng giảm lãi suất tiếp theo của FED trong lần họp vào cuối tháng 09 này.
Do đó tôi cho rằng phản ứng hiện tại của thị trường phái sinh là khá hợp lý.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo quan sát của tôi, diễn biến của thị trường phái sinh cũng đã rơi vào trạng thái đi ngang với biến động giằng co trong biện độ hẹp từ 2 tuần trở lại đây. Điều này phần nào cho thấy nhà đầu tư đang thể hiện trạng thái tâm lý thận trọng và chủ yếu là chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về mặt xu hướng của thị trường trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Phái sinh thu hẹp basis còn 0,95 điểm trong phiên cuối tuần, 1 tuần trước đây basis là 12,73 điểm là hợp lý.
Bởi trước đây những mã: VHM, VCB, VIC, BID kéo VNINDEX tăng điểm basis ở mức cao, hiện tại các mã đấy giảm điểm kéo basis về gần sát với nhau dù còn 2 tuần nữa mới đáo hạ.
Theo tôi phái sinh cho thấy xu hướng biến động trong vùng 860 – 890 điểm trước khi có xu hướng mới.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Phiên cuối tuần, thị trường mở cửa trong sắc xanh, hòa chung với đà tăng của chứng khoán thế giới sau những thông tin mới về khả năng nối lại đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc để giải quyết tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, lực bán chốt lời xuất hiện ngay trong phiên sáng khi VN30-Index áp sát ngưỡng 890 điểm khiến cho chỉ số không thể duy trì được đà tăng.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN30F1M tăng 0,9 điểm (+0,1%) lên mức 886,9 điểm với tổng khối lượng khớp lệnh trong phiên đạt khoảng 42 nghìn hợp đồng. Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng điểm ở 3 trong số 4 kỳ hạn, qua đó đưa chênh lệch với chỉ số cơ sở từ âm chuyển sang dương.
Tôi cho rằng thị trường chứng khoán thế giới đang phát đi những tín hiệu khá tích cực sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được xoa dịu đi kèm với tình hình chính trị tại Hong Kong cũng đã bớt căng thẳng. Việc chênh lệch tại thị trường phái sinh Việt Nam chuyển sang mức dương cũng cho thấy kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Các công ty chứng khoán hầu hết đều khuyên nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng thấp, bản thân anh chị cũng vậy. Dường như đây là hiệu ứng "con gà-quả chứng" và thanh khoản kém tuần qua là biểu hiện rõ nhất. Vậy anh chị chờ đợi những tiêu chí gì để tăng giao dịch trở lại?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi vẫn duy trì tỷ trọng danh mục tổng ở mức trung bình thấp 20% cổ phiếu. Tôi sẽ xem xét nâng tỷ trọng khi thị trường có nhiều động lực hơn để thoát khỏi kênh xu thế đi ngang tương đối khó chịu hiện tại. Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng cần phải có sự cải thiện tích cực hơn kèm theo hoạt động mua ròng đều đặn trở lại của khối ngoại.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Với tôi Khi VNINDEX điều chỉnh mạnh với thanh khoản cao hoặc thanh khoản tăng dần, VNINDEX tăng nhẹ kèm theo dòng tiền lan tỏa sẽ là tín hiệu tích cực để nhà đầu tư xem xét tham gia giao dịch trở lại.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường lình xình đi ngang trong một năm trờ lại đây. Diễn biến thị trường khó dự đoán khi tăng giảm thất thường theo diễn biến phức tạp của thế giới. Tôi cho rằng thị trường sẽ quay trở lại xu hướng tăng điểm khi mà thế giới ổn định hơn, dòng tiền theo đó rời kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu và quay trở lại kênh đầu tư cổ phiếu.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Bộ phận Chiến lược thị trường –Chứng khoán Vietinbank
Về cơ bản thì tôi vẫn chờ đợi một tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường, cụ thể hơn là tín hiệu xác nhận nhịp tăng mới hay mạnh mẽ hơn cùng với sự cải thiện thanh khoản một cách tích cực.