Xuất hiện một số cán bộ 3 không tại Thanh Hóa “Không nói, không tham mưu đề xuất, không làm”
Tình trạng đùn đẩy, né tránh của một số cán bộ, công chức tại Thanh Hóa làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ. Nhiều công trình, dự án bị kéo dài dẫn đến gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
“Cơn bão ngầm trong hành chính” đẩy doanh nghiệp khó khăn hơn là khẳng định của ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân khóa 18 của tỉnh này ngày 11/7, trước tình trạng một số bộ phận cán bộ công chức có dấu hiệu né tránh, thiếu trách nhiệm...
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa chỉ ra những nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó khăn.
Nguyên nhân đầu tiên là do thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vừa bắt đầu phục hồi, thì ngay lập tức lại phải đóng cửa do vướng các quy định mới về phòng cháy chữa cháy. Khi công tác phòng cháy chữa cháy dần được khắc phục thì doanh nghiệp tiếp tục gặp các sự cố mất điện đột ngột và liên tục...
Tiếp đó, là tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biễn phức tạp. Lạm phát tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả tăng vọt, không ổn định; dòng vốn cho sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
Dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như: Gói hỗ trợ 2% lãi suất; hạ lãi suất cho vay, giãn nợ, khoanh nợ tín dụng… Nhưng thực tế số doanh nghiệp được thụ hưởng, tiếp cận rất ít vì kèm theo quá nhiều điều kiện doanh nghiệp không đáp ứng được.
Thêm một nguyên nhân nữa dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, bởi thời gian qua xuất hiện tình trạng một số bộ phận cán bộ công chức có dấu hiệu né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ. Một số cán bộ cấp trên né tránh, một số cấp tham mưu như sở ngành thì có dấu hiệu đùn đẩy lẫn nhau, sợ liên quan, sợ trách nhiệm, đây là “cơn bão ngầm trong hành chính” đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn.
Tình trạng đùn đẩy, né tránh này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, nhiều công trình, dự án bị kéo dài dẫn đến gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Cao Tiến Đoan phân tích thêm, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm qua được cải thiện rõ rệt, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thanh Hóa đứng đầu khu vực miền Trung và xếp thứ 8 cả nước. Song, năm 2022 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa đo mức độ đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các cấp sở, ngành lại đứng thứ 47 trên cả nước.
Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Thanh Hóa rất hấp dẫn nhưng khâu cải cách hành chính của Thanh Hóa đối với sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với công chức thì cần phải được xem xét. Những khó khăn chồng chất khó khăn như vậy đã khiến một số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm việc cho nhân viên, một số doanh nghiệp lựa chọn phương án “án binh bất động”.
Để có thể phục hồi nền kinh tế trở lại, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đồng thời cứu lấy những doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản hoặc giải thể, ông Đoan nêu lên một số kiến nghị:
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc chỉ đạo về quản lý cải cách hành chính để có những giải pháp mang tính đột phá, vận dụng những chính sách thực sự phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đó khích lệ các doanh nhân dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để tạo ra những giá trị mới.
Chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đặc biệt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần xem xét không nên bố trí sắp xếp những cán bộ có hành vi né tránh công việc, đùn đẩy lẫn nhau, không có tâm, không có tầm hoặc trình độ yếu kém vào các vị trí đầu mối giải quyết công việc. Đề nghị các ngân hàng thương mại trong tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, thống đốc ngân hàng nhà nước về quy định hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Liên quan đến tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đại biểu Nguyễn Quốc Tiến, Chủ tịch HĐND huyện Nông Cống thẳng thắn chỉ ra 3 lý do khiến Chỉ số PCI của Thanh Hóa tụt sâu trên bảng xếp hạng, đứng thứ 47 cả nước, đó là Thanh Hóa chưa có mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; vai trò, chức năng của các sở, ngành chưa phát huy hết hiệu quả, công tác tham mưu cho tỉnh chưa tốt; đặc biệt tình trạng “bôi trơn” khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vẫn diễn ra.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh đến biểu hiện của cán bộ 3 không hiện nay là “Không nói, không tham mưu đề xuất, không làm” có làm thì cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng. Một số cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương, đơn vị có lúc, có việc, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.