Xuất khẩu chè giảm cả về lượng và kim ngạch
Do thị trường chè toàn cầu đang ở mức bão hòa nên kết quả xuất khẩu chè 5 tháng đầu năm 2018 của Việt Nam giảm đến 12,3% về lượng và giảm 10,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017
Thị trường chè toàn cầu trong 5 tháng đầu năm 2018 nhìn chung không có biến động lớn, đang ở mức bão hòa. Giá chè có tăng vào thời điểm đầu năm và Tết Nguyên đán nhưng mức tăng không mạnh do cung ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường...
Do vậy, kết quả xuất khẩu chè 5 tháng đầu năm 2018 giảm đến 12,3% về lượng và giảm 10,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Theo các chuyên gia, trong các tháng tới, thị trường chè trong nước vẫn sẽ giữ ở mức ổn định.
Từ sau Tết đến nay giá chè đã đi vào ổn định. Tại Thái Nguyên, hiện giá chè cành chất lượng cao giữ mức 200.000 đồng/kg, chè xanh búp khô là 105.000 đồng/kg.
Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè nguyên liệu (búp tươi) sản xuất chè xanh loại 1 giữ mức 9.000 đồng/kg, giá chè nguyên liệu sản xuất chè đen là 6.000 đồng/kg.
Chưa xuất hiện nhu cầu mới
Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, với 124.000 ha diện tích trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến chè với công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm.
Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng chè xuất khẩu trong tháng 5 năm 2018 ước đạt 9 ngàn tấn với giá trị đạt 14 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 44 ngàn tấn và 68 triệu USD, giảm 12,3% về lượng và giảm 10,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá chè xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2018 đạt 1.565 USD/tấn, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2017.
Cho đến nay, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, trong quý 1/2018, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chè vào Pakistan đạt 4.067 tấn, chiếm 16% tổng lượng xuất khẩu (giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước), kim ngạch đạt 8,45 triệu USD (giảm 19,2%). Mặc dù giảm cả về lượng và kim ngạch nhưng giá xuất khẩu lại tăng 13,7%, đạt 2.077 USD/tấn.
Bước qua tháng 4 tình hình xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan có cải thiện và kết quả xuất khẩu chè trong 4 tháng đầu năm 2018 sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam chiếm 26,5% thị phần, giảm 11% về lượng nhưng tăng 1,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 4 tháng đầu năm nay, top 10 thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam, gồm: Pakistan, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Hoa Kỳ, Saudi Arbia, EU, Malaysia và U.A.E. Tuy đứng thứ 6 trong nhóm 10 nước nhưng thị trường Hoa Kỳ có mức độ tăng trưởng đứng thứ 4 (tăng 40,3%).
Thị trường tiếp tục ổn định đến hết quý 2
Thị trường chè toàn cầu đang ở trạng thái bão hoà do sản lượng chè thế giới tăng, nguồn cung dồi dào.
Theo Global Tea Digest, sản lượng chè đen toàn cầu quý 1/2018 đạt 151.120 tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng chè đen tăng mạnh tại một số thị trường như: Kenya đạt 68.770 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2017; Ma-la-uy, một thị trường sản xuất chè đen thuộc khu vực châu Phi đạt 6.300 tấn, tăng 21,2%; Srilanka đạt 45.330 tấn, tăng 14,2%.
Mức tăng sản lượng của các thị trường này bù đắp cho mức sụt giảm tại Ấn Độ vì thời tiết bất lợi tại các khu vực sản xuất chính, với sản lượng đạt 30.350 tấn, giảm 7,3% so với tháng 1/2017.
Về giá: trong 2 tháng đầu năm 2018, giá chè của Srilanka và Kenya tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017, khiến giá chè của Ấn Độ cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Giá chè cao cấp của Srilanka ở mức 5 USD/kg, trong khi đó giá chè của Ấn Độ thấp hơn 20%, ở mức 4 USD/kg. Giá chè đen truyền thống của Ấn Độ ở mức 3 USD/kg, thấp hơn so với mức giá 3,5 USD/kg của Kenya...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời tiết ấm áp và ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho búp chè phát triển, nguồn cung hứa hẹn sẽ dồi dào giúp giá chè ổn định.
Tại thị trường trong nước, giá chè nguyên liệu trong tháng 4 giữ mức ổn định. Dự báo, thị trường chè thế giới vẫn sẽ ổn định cho đến hết quý 2/2018.