10:26 21/04/2009

Xuất khẩu gạo: Hiệp hội “làm khó” doanh nghiệp?

Trần Bình - Hùng Nghị

Câu chuyện giữa VFA và KTC đang đặt ra nhiều câu hỏi trong việc điều hành xuất khẩu gạo hiện nay

Xuất khẩu gạo luôn là vấn đề được dư luận quan tâm.
Xuất khẩu gạo luôn là vấn đề được dư luận quan tâm.
Mặc dù ngày 16/4 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải cho Kiên Giang xuất khẩu 53.500 tấn gạo theo hợp đồng đã ký với các đối tác, nhưng cho tới sáng ngày 20/4 toàn bộ số gạo này vẫn còn mắc kẹt.

Theo thông tin từ Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang (KTC), đơn vị chủ lô hàng gạo xuất khẩu nói trên thì 10 con tàu vào chờ ăn hàng tại cảng Mỹ Thới (An Giang) và cảng Tp.HCM sau nhiều ngày neo đậu chờ đợi không còn đủ kiên nhẫn đã kéo neo rời bến, không đem theo hạt gạo nào trở về điểm hẹn tới các nước châu Phi và Đông Timor.

Và, chắc chắn KTC sẽ phải chịu phạt do neo tàu trễ hạn, không những thế còn bị mất uy tín với các đối tác làm ăn.

Yêu cầu khó hiểu

Tổng giám đốc KTC, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết cụ thể diễn biến sự việc: đầu tháng 2/2009, công ty đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng lên tới  khoảng 130.000 tấn.

Trong đó số gạo 53.500 tấn được ký với Win Argo Pte Ltd. (10.625 tấn) giao hàng tại cảng Mỹ Thới-An Giang);  Grain Mineral Resources Pte Ltd. (40.000 tấn) và Wee Tiong (S) Pte Ltd. (2.875 tấn), hai khách hàng sau giao hàng tại cảng Tp.HCM và tất cả đều có thời hạn giao hàng trong hai tháng 3 và 4/2009.

Tuy nhiên, sau khi tiến hành ký kết hợp đồng với các đối tác và đăng ký với VFA vào ngày 23/2 thì sau đó được VFA cho biết là đã có thông báo ký ngày 20/2/2009, trong đó quy định: từ ngày 21/2/2009 chỉ cho đăng ký xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng từ tháng 7 đến tháng 9/2009

Trước những khó khăn trở ngại này, KTC đã có những cuộc làm việc với VFA, đồng thời đích thân lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã báo cáo với Thủ tướng để xin chủ trương tháo gỡ cho KTC. Vào ngày 15/4/2009 VFA có văn bản gửi KTC, thông báo Thường trực Hiệp hội quyết định đăng ký hợp đồng số lượng 10.000 tấn mà KTC đã ký với khách hàng Win Argo Pte Ltd., số còn lại 43.500 tấn chưa đăng ký phải chuyển sang giao hàng trong 6 tháng cuối năm 2009...

Sáng ngày 16/4, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, VFA có công văn cho KTC xuất 10.000 tấn gạo, và cũng trong ngày này VFA có công văn  cho KTC, nói rõ: “Trên cơ sở rà soát lại các hợp đồng đã đăng ký  không có khả năng thực hiện trong 6 tháng đầu năm, Thường trực Hiệp hội xem xét và giải quyết tiếp các hợp đồng còn lại theo yêu cầu của công ty là 43.500 tấn với các điều kiện: Phân uỷ thác 30% số lượng của hợp đồng cho các đơn vị ở các tỉnh sản xuất lúa hàng hóa tham gia thực hiện, để đảm bảo hài hòa lợi ích chung; công ty phải có văn bản cam kết hợp đồng trên được xếp hàng tại cảng Saigon, Tp.HCM và không dỡ hàng tại cảng của Malaysia, để tránh cạnh tranh phá giá, ảnh hưởng đến giao dịch và ký kết hợp đồng tập trung của Chính phủ với đối tác Malaysia”.

Trao đổi với phóng viên sáng 20/4, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA khẳng định: việc yêu cầu KTC không dỡ hàng tại Malaysia xuất phát từ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của Chính phủ (300.000 - 400.000 tấn/năm) do Tổng công ty Lương thực miền Nam làm đầu mối; và việc yêu cầu KTC phải “chia sớt” 30% trong số 43.500 tấn là để hài hòa với các đơn vị ở các tỉnh có nhiều lúa gạo; đồng thời đảm bảo lợi ích chung, nhất là đảm bảo anh ninh lương thực theo chỉ đạo của Thử tướng Chính phủ.

“Nếu giải quyết 130 ngàn tấn gạo đó cho KTC, nhiều đơn vị khác, địa phương khác so bì thì còn đâu lợi ích chung, là hài hòa và an ninh chung”, ông Huệ nói.

Thiếu thuyết phục?

Những lý do mà VFA đưa ra thông qua các văn bản chính thức và lý giải cụ thể hơn qua lời của ông Tổng thư ký thực sự chưa thuyết phục được KTC và những người am tường chuyện điều hành xuất khẩu gạo hiện nay.

Nhiều chuyên gia pháp lý tỏ ra đồng tình với các ý kiến của lãnh đạo KTC trong văn bản số 168 ngày 17/4/2009 gửi Chủ tịch VFA. Cụ thể là, theo quy định cúa pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và điều khoản Incoterms 2000 của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), KTC ký hợp đồng xuất khẩu gạo với  các thương nhân Singapore trên  cơ sở giá FOB - tức là giao hàng qua lan can tàu tại cảng xếp hàng ở Việt Nam - là hết trách nhiệm. Còn nghĩa vụ thuê tàu và vận chuyển hàng đến  cảng nào, nước nào là quyền và nghĩa vụ người mua hàng, KTC không phải chịu trách nhiệm về chuyện này. Vì vậy, thì tại sao VFA lại ra điều kiện bắt buộc KTC phải có văn bản cam kết là không dỡ hàng tại cảng Malaysia?

Ngoài ra, cho đến thời điểm này, cũng không hề có bất kỳ một văn bản nào của Chính phủ, các bộ ngành liên quan và của VFA cấm dỡ hàng  xuất khẩu gạo tại cảng Malaysia. Thực tế chỉ có duy nhất  quy chế đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo ban hành kèm theo quyết định 05/QĐ/HHLTVN ngày 26/03/2008 của Chủ tịch VFA, trong đó có quy định tại mục 1 điều 2: các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam không được ký hợp đồng bán gạo trực tiếp cho Tổng công ty Bernas của Malaysia. Không biết VFA căn cứ vào quy định nào để yêu cầu KTC thực hiện?

Điều không hợp lý nữa là tại sao phải buộc KTC phải chia 30% số lượng hợp đồng 43.500 tấn cho các đơn vị khác? Bởi thực tế, ngay sau khi ký hợp đồng  với đối tác nước ngoài, KTC đã phải tiến hành việc triển khai tổ chức mua lúa gạo của nông dân, đảm bảo chân hàng xuất khẩu với số lượng mà hợp đồng đã ký. Đồng thời và tiếp theo đó là hàng loạt các động thái chuẩn bị khác như: dệt may bao bì, đóng gói giao hàng ra cảng... Tất cả những chi phí này không phải là nhỏ.