09:11 29/08/2007

“Xuất khẩu gạo không phải để qua mặt Thái Lan”

Nguyễn Huyền

"Mục đích của Chính phủ xuất khẩu gạo không phải để qua mặt Thái Lan, mà để điều tiết giá lúa gạo, lo cho đời sống nông dân"

"Nếu xuất khẩu rau theo nghị định thư, tôi nghĩ bài toán này hay hơn bài toán lúa gạo nhiều."
"Nếu xuất khẩu rau theo nghị định thư, tôi nghĩ bài toán này hay hơn bài toán lúa gạo nhiều."
Nội dung cuộc phỏng vấn GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật miền Nam.

Thưa ông, nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu Việt Nam thua giá gạo Thái Lan bình quân 20 USD/tấn do giống lúa. Là nhà di truyền học ông nghĩ sao về vấn đề này?

Vấn đề này có nhiều lý do, một trong những lý do quan trọng chúng ta phải thấy là Thái Lan có dân số ít hơn ta, lượng lương thực dùng trong nước ít, và họ có tới 10 triệu ha đất trồng lúa, mỗi năm họ sản xuất 26 triệu tấn lúa.

Trong đó, họ bỏ ra 5 triệu ha trồng các giống lúa địa phương truyền thống, hạt dài rất ngon cơm. Chỉ riêng giống lúa Kao-đắc-ma-li, sản xuất khoảng 800 ngàn tấn/năm.

Còn Việt Nam cộng 3 vụ lại chỉ hơn 4 triệu ha, nhưng sản xuất tới 36,6 triệu tấn lúa/năm, dân số có đến 84 triệu dân, nếu cạnh tranh với bằng Thái Lan cách trồng giống lúa địa phương thì không được. Do vậy, phải đi con đường sản xuất giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao, phẩm chất chấp nhận được, hiện chúng ta có giống lúa Jasmine 85 rất ngon cơm.

Có nhiều nguyên nhân khiến giá gạo chúng ta thua giá gạo của Thái Lan như chất lượng gạo không đồng nhất, tạp chất cao, độ đồng đều yếu... khi chào bán có thể trong mẫu gạo có nhiều vấn đề không đạt chuẩn thị trường tất nhiên giá gạo sẽ thấp. Ngoài ra, việc gạo chúng ta thua gạo Thái Lan chủ yếu là do công nghệ sau thu hoạch. Muốn nâng chất lượng gạo, chúng ta phải đầu tư nhiều cho khâu này.

Tại sao các nhà khoa học của Việt Nam không tạo ra giống lúa cho phẩm chất cao như giống lúa địa phương truyền thống để bán được giá cao, thưa ông?

Tôi nói như thế này để bạn dễ hình dung sự khác biệt giữa giống lúa địa phương và giống lúa năng suất cao mà chúng ta đang trồng, ví như chúng ta ăn con gà ta và con gà nuôi công nghiệp. Giống lúa địa phương bao giờ cũng ngon cơm hơn.

Thứ nhất, thách thức lớn nhất của chúng ta là giống lúa nhóm Indica ở vùng nhiệt đới có hàm lượng Amylose rất cao. Thứ hai là độ bền thể gel của giống lúa năng suất cao, so với giống lúa địa phương thấp hơn rất nhiều. Lúa địa phương có độ bền thể gel là 100mm, trong khi đó độ bền thể gel lúa mình đang trồng chỉ có 40mm trở lại.

Hiện chúng ta có giống lúa IR 64, là giống lúa sản lượng cao ngon cơm nhất có thể gel là 60mm. Cái khó của chúng ta là ở chỗ đó. Trước đây gạo của chúng ta hạt ngắn, hàm lượng Amylose trên 24 – 25% làm cho gạo cứng cơm. Bây giờ đã hạ được xuống còn 20% và hạt dài trên 7 ly, nhưng độ bền thể gel chưa có.

Chính độ bền thể gel là tác nhân chính quyết định tính mềm và ngon cơm của gạo. Các giống lúa đang trồng trên đồng ruộng của Việt Nam thể gel đang biến động từ 40 – 60mm. Các giống lúa đặc sản, lúa mùa địa phương của chúng ta có thể gel đạt yêu cầu, nhưng không thể trồng trên diện tích lớn, vì các giống lúa này một năm chỉ trồng được một mùa.

Vậy cần làm gì để gạo Việt Nam có giá trị kinh tế cao trên thị trường xuất khẩu, mang lợi nhuận về cho nông dân nhiều hơn?

Mục đích của Chính phủ xuất khẩu gạo không phải để qua mặt Thái Lan, mà xuất khẩu gạo để điều tiết giá lúa gạo, lo cho đời sống của nông dân trong nước.

Nếu xét về giá trị thị trường, thị trường gạo toàn thế giới chỉ có 9 tỷ USD/năm, chúng ta xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, còn Thái Lan xuất khẩu khoảng 2 - 3 tỷ USD/năm. Nếu đem 9 tỷ USD/năm của thị trường gạo so với 160 tỷ USD/năm thị trường rau, hoa, quả thì chúng ta nên đầu tư vào thị trường này.

Hiện nay, rau chúng ta chỉ mới xuất khoảng 200 – 300 triệu USD/năm, tiềm năng xuất khẩu rau còn rất lớn. Bình quân rau của chúng ta là 116 kg/người, theo tính toán chúng ta chỉ cần 90 kg rau/người là đủ ăn.

Chúng ta có hai thị trường rau tiềm năng rất lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc, do họ có mùa đông rất khắc nghiệt, nhưng chúng ta không xuất được vì chúng ta không có nghị định thư. Hiện chúng ta chỉ bán qua biên mậu, muốn làm hiệp định thư như WTO, Việt Nam phải đảm bảo kiểm dịch động thực vật, nhưng tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta hiện nay rất yếu.

Do vậy, nếu xuất khẩu rau theo nghị định thư, tôi nghĩ bài toán này hay hơn bài toán lúa gạo nhiều. Nhưng vì chúng ta xuất khẩu lúa gạo lại nghiêng về mặt chính trị nhiều hơn. Trên 36 triệu tấn lúa/năm, chúng ta thừa sức qua mặt Thái Lan, nếu chúng ta muốn đẩy mạnh xuất khẩu.

Năm nay chủ trương của chúng ta không xuất khẩu quá 4,5 triệu tấn lúa/năm, trong khi Thái Lan chỉ có 28 triệu tấn/năm, nhưng họ xuất đến 8 triệu tấn/năm.

Năm nay, có hai việc ảnh hưởng lớn đến giá thành hạt gạo. Một là giá vận chuyển tăng. Hai là gạo chúng ta thường bị phạt, cứ một ngày giao gạo trễ thì bị phạt khá nặng, làm cho giá thành gạo xuất bị đội giá. Cũng không loại trừ các doanh nghiệp ký hợp đồng bị hớ.