08:41 06/07/2011

Xuất khẩu gạo: Lo, không chỉ bởi cung - cầu

Hưng Văn

Xuất khẩu gạo tăng cả về lượng và giá trị, song thời gian tới vẫn rất nhiều khó khăn

Mua lúa ở huyện Thoại Sơn (An Giang) - Ảnh Lê Hoàng Vũ
Mua lúa ở huyện Thoại Sơn (An Giang) - Ảnh Lê Hoàng Vũ
6 tháng đầu năm 2011 cả nước xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo, thu kim ngạch 1,85 tỷ USD, tăng 17,57% về lượng, 24,71% về giá trị so với 2010. Thế nhưng tại cuộc họp vừa được tổ chức  tại Tp.HCM, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và các thành viên đều âu lo cho thời gian tới.

Do dự báo lượng thu hoạch dồi dào và tồn kho lớn nên mặc dù thị trường diễn biến phức tạp nhưng kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam lại đạt cao nhất từ trước đến nay.

Vào tháng 4 và 5 vừa qua, khi giá gạo Việt Nam cao hơn hoặc bằng Thái Lan, khách hàng mua gạo lớn nhất là Philippines đã chuyển số lượng mua từ Việt Nam sang Thái Lan. Sự cố này liền được khắc phục nhờ khôi phục lại thị trường Indonesia và bổ sung các thị trường mới như Bangladesh, Trung Quốc, đặc biệt là châu Phi.

Ngược với dự báo nhu cầu sút giảm do bất ổn chính trị-xã hội, châu Phi đã mua hàng Việt Nam tăng 55,88%, đưa lượng gạo trung bình xuất khẩu các nước lên đến 1,615 triệu tấn, chiếm 41,27% lượng xuất, tăng 316,84% so với cùng kỳ.

Giá lúa gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm được duy trì ở mức cao, đạt bình quân 472 USD/tấn FOB, tăng 27 USD/tấn so với cùng kỳ 2010. Giá thành lúa vụ đông-xuân toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long là 3.200 đồng/kg, nông dân bán được thấp nhất là 5.225 đồng/kg, cao nhất là 6.150 đồng/kg.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến nay đã hoàn tất gieo sạ 1,6 triệu ha lúa hè thu, thu hoạch sớm 300.000 ha với năng suất bình quân 5 tấn/ha. Vụ thu đông toàn vùng cũng đã xuống giống 170.000 ha so với kế hoạch 590.000 ha.

Do tiến độ xuất khẩu mạnh, dự báo nhu cầu xuất khẩu trong quý 3 ổn định nên dự kiến giá lúa không thể xuống dưới mức mà các thành viên VFA bảo hiểm: 5.000 đồng/kg. Việc các thành viên VFA mua dự trữ 1.000 tấn quy gạo do vậy sẽ chỉ diễn ra khi cần.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và cả Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đều dự báo gạo tồn kho 2011 ở mức cao nhất từ năm 2002 và sẽ tăng thêm trong 2012.

Còn theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, tình hình gạo thế giới trong 6 tháng cuối năm vẫn sẽ diễn biến khó lường; môi trường dễ biến động vì chịu ảnh hưởng các yếu tố chính trị, tâm lý nhiều hơn là nền tảng cung cầu.

Nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Thái Lan vừa qua cuộc bầu cử Thủ tướng mới. Nếu Chính phủ mới thi hành chính sách hỗ trợ nông dân như cam kết, giá gạo Thái tiếp tục tăng thì Việt Nam sẽ gặp thuận lợi. Tuy nhiên, bài toán về giá hiện chưa được giải đáp vì trong khi chờ diễn biến, các doanh nghiệp Thái Lan vẫn tranh thủ bán gạo cũ.

Một diễn biến khác là nếu cường quốc xuất  khẩu gạo khác là Ấn Độ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo thông thường thì thị trường sẽ trung hòa. Các doanh nghiệp phải tính toán thật kỹ khi đặt bút ký hợp đồng; không để tái diễn cảnh các năm trước: “ra khỏi cửa là bị lỗ vì giá thị trường tăng”.

Theo kế hoạch trước đây của VFA, trong quý 3, cả nước sẽ xuất khẩu 1,9 triệu tấn gạo, quý 4 xuất thêm 1,2 triệu tấn. Tuy nhiên do xuất khẩu 6 tháng tăng mạnh, nếu thực hiện kế hoạch cũ, lượng gạo hàng hóa lên đến 7,76 triệu tấn, xuất khẩu sẽ lên hơn 7 triệu tấn. Với triển vọng thu hoạch từ nay đến cuối năm, số lượng trên có thể đạt được nhưng như vậy lượng tồn kho chuyển sang 2012 chỉ ở mức dưới 1 triệu tấn. Điều này sẽ gây biến động cung cầu, các doanh nghiệp khó làm chủ thị trường trong quý 1/2012.

Các thành viên VFA cũng cho rằng, thời gian tới thành viên VFA sẽ phải ráo riết cạnh tranh khi các doanh nghiệp có vốn FDI, và nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề trong nước cũng nhảy sang kinh doanh lúa gạo. Cuối tháng 7 này, nhiệm kỳ của Ban chấp hành hiện tại cũng kết thúc, tự thân VFA cũng cần một cuộc “lột xác”, quan trọng nhất là phải gắn bó hơn nữa với người làm ra nguyên liệu và được các ngân hàng thương mại tin tưởng để đáp ứng nhu cầu vốn khi cần.

Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương về đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, đến ngày 1/10/2011 các thương nhân không có giấy chứng nhận sẽ không được xuất khẩu gạo. VFA cho biết đến nay mới có 7 thương nhân được cấp giấy chứng nhận.

Nhiều doanh nghiệp cho biết nguyên nhân vì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một quyết định yêu cầu các doanh nghiệp có nhà máy xay (ít nhất 10 tấn/giờ), có kho dự trữ (ít nhất 5.000 tấn) nhưng cũng phải có thêm các máy sấy lúa để giảm hao hụt sau thu hoạch, nhất là trong vụ hè thu.

Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông thủy sản An Giang đồng thời là Phó chủ tịch VFA cho biết, quy định này gây khó cho không ít doanh nghiệp. Bởi lẽ ít có nhà máy xay xát nào ở gần kho, nhiều doanh nghiệp thường thuê kho dự trữ, trung chuyển; quy định tiêu chuẩn máy sấy cũng chưa nêu rõ là loại máy gì.

Các thành viên VFA cho rằng trong thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 109 cũng không có điều khoản vế máy sấy. Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi Quy chuẩn tạm thời về yêu cầu kỷ thuật kho chứa thóc cghuyên dùng và cơ sở xay xát phục vụ xuất khẩu; có lộ trình hoàn chỉnh tiếp để thương nhân chuẩn bị. Sau hội nghị, VFA tiếp tục có văn bản kiến nghị các bộ có liên quan xem xét vấn đề này.