12:52 28/07/2022

Xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường trọng điểm giảm, vì sao?

Vũ Khuê

Ảnh hưởng của xung đột tại Đông Âu, giá dầu tăng, lạm phát kinh tế lên cao…đã khiến nhu cầu toàn cầu giảm, kéo theo lượng nhập khẩu hồ tiêu và gia vị của các nước giảm theo… là những khó khăn thách thức với xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong thời gian qua...

6 tháng đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được hơn 125.000 tấn hồ tiêu.
6 tháng đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được hơn 125.000 tấn hồ tiêu.

Tại phiên tư vấn “Xuất khẩu gia vị sang thị trường Trung Đông- Châu Phi” mới đây, ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, đứng thứ 3 về xuất khẩu quế và hồi.

KHỐI LƯỢNG XUẤT GIẢM NHƯNG GIÁ TĂNG

Ước tính, sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2022 đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với năm 2021. Sản lượng hồ tiêu Việt Nam cũng đứng đầu thế giới và chiếm 35% thị phần toàn cầu.

Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022 Việt Nam xuất khẩu được hơn 125.000 tấn hồ tiêu, với tổng kim ngạch đạt gần 570 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm trên 19%, tuy nhiên do giá xuất khẩu tăng nên trị giá kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5%. Hồ tiêu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chiếm 55% thị phần toàn cầu.

Thị trường xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đứng đầu là châu Á (chiếm 44% thị phần), sau đó đến châu Mỹ (26,4%), châu Âu (23,9%) và châu Phi (5,3%), nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu hồ tiêu từ các thị trường này giảm.

Trong 20 thị trường xuất khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đạt 30.109 tấn (giảm 8% so với nửa đầu năm 2021), tiếp theo là các thị trường UAE, Ấn Độ, Đức… Lượng nhập khẩu giảm ở Trung Quốc, Anh, Nga, Pháp, Pakistan, Ai Cập, Nam Phi… Chỉ một vài thị trường có lượng nhập khẩu tăng như Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc…

Riêng khu vực Trung Đông, 6 tháng đầu năm hồ tiêu Việt Nam chiếm 14,5% thị phần và chiếm 5,9% thị phần tại Châu Phi… đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Điều đáng mừng, dù sản lượng xuất khẩu vào các thị trường giảm, nhưng giá xuất khẩu đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine cũng như lạm phát ở một số nước tăng cao nên giá xuất khẩu lại đang giảm xuống.

KHÓ KHĂN ĐANG CỘNG DỒN

Theo ông Lê Việt Anh, những khó khăn, thách thức với xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong thời gian qua là do ảnh hưởng của xung đột tại Đông Âu, giá dầu tăng, lạm phát kinh tế… khiến nhu cầu toàn cầu giảm nên lượng nhập khẩu hồ tiêu và gia vị của các nước đều giảm.

Trong khi thị trường Trung Quốc theo đuổi chính sách cứng rắn zero Covid-19, nên từ một nước nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ 2 thế giới từ 50-60.000 tấn/năm, thì 6 tháng đầu năm 2022 nước này chỉ nhập khoảng 6.000 tấn… sụt giảm rất lớn.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khiến việc trồng và sản xuất hồ tiêu, gia vị rất khó khăn. Ngoài ra, tình hình sâu bệnh hại, giống vẫn lai tạo chứ chưa có loại giống thuần chủng nào… đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. 

Một khó khăn nữa là rào cản kỹ thuật ngày càng cao của các thị trường đặc biệt thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, điều kiện về dư lượng chất bảo vệ thực vật liên tục được đưa ra với mức thấp hơn gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, giá vật tư đầu vào tăng cao như thuốc, phân bón, nhân công, cước tàu, nhiên liệu… ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp và người nông dân.

Hơn nữa sự cạnh tranh ngày càng cao giữa các nước sản xuất như Brazil, Indonesia, Cambodia do chất lượng hồ tiêu các nước này đang vươn lên mạnh mẽ, ngoài chất lượng khi xuất khẩu giá cước tàu xuất khẩu của các nước này cũng cạnh tranh hơn so với Việt Nam.

Cuối cùng, do thiếu thông tin về nhu cầu thị trường cũng như thông tin thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu, nhất là khu vực Châu Phi.

Đơn cử hồi tháng 2/2022 khi Ai Cập thay đổi chính sách nhập khẩu, tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải mở L/C nhưng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không nắm được vấn đề này nên khi hàng đưa sang bị neo lại 2-3 tháng.

“Đến thời điểm này có doanh nghiệp cho biết họ bị kẹt rất nhiều container tại Ai Cập, chưa biết khi nào khách hàng thanh toán do nước này đang thiếu ngoại tệ để mở L/C, nhân lực ngân hàng thiếu… nên doanh nghiệp Việt Nam phải xếp hàng chờ”, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết.

Để giữ vững vị thế xuất khẩu hồ tiêu, ông Lê Việt Anh cho biết ngành đã xây dựng đề án truyền thông quốc tế phát triển thị trường bền vững ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam giai đoạn 2022-2025 tại Hoa Kỳ, EU và Trung Đông.

Đề án này sẽ giới thiệu về ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu và gia vị Việt Nam trên các tạp chí chuyên ngành tại các thị trường mục tiêu; tham gia các hội chợ Gulfood, Anuga, Hiệp hội thương mại gia vị Hoa Kỳ… Xây dựng hình ảnh ngành gia vị Việt Nam để sử dụng trên các kênh truyền thông số, mạng xã hội quốc tế…