Xuất khẩu lao động: Triển vọng thị trường Séc
Sự thiếu hụt nhân công ở các nhà máy, công trường của Séc là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam
Được khởi động lại từ cuối năm 2006, nhưng đến nay số lao động Việt Nam vào Séc vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các chủ sử dụng.
Lợi thế từ thị trường truyền thống
Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, mặc dù Séc là thị trường mới được Cục cho phép doanh nghiệp xuất khẩu lao động khai thác nhưng lại được xem như thị trường truyền thống của Việt Nam.
Thực tế, bắt đầu tư những thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và Tiệp Khắc được ký kết, hàng vạn lao động Việt Nam đã được nước bạn tiếp nhận. Những năm cao điểm, lao động Việt Nam tại đây lên tới 40 ngàn người.
Năm 1993, khi hai bang của Tiệp Khắc được tách ra thành hai quốc gia độc lập, nước Cộng hoà Séc ra đời, thị trường lao động vẫn được duy trì nhưng số lượng giảm dần. Sự chênh lệch về thu nhập giữa lao động trong nhà máy và lao động buôn bán tự do khiến nhiều lao động Việt Nam bỏ nhà máy đi làm ngoài. Từ đây, thị trường Séc gần như “đóng băng” với lao động Việt Nam.
Được khởi động lại từ cuối năm 2006, nhưng đến nay số lao động Việt Nam vào Séc vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của các chủ sử dụng.
Cũng theo ông Hải, thị trường lao động Cộng hoà Séc đang được xem là thị trường tiềm năng. Sự thiếu hụt nhân công ở các nhà máy, công trường chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam. Nếu làm tốt, các doanh nghiệp có thể đem được hàng vạn lao động sang thị trường này.
Ông Nguyễn Thiện Mỹ, Giám đốc Công ty Simco Sông Đà, một trong những doanh nghiệp đang khai thác thị trường này cho biết, được hưởng lợi thế từ thị trường truyền thống, với một cộng đồng người Việt đông đảo, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị phần tại đây.
Một điểm hấp dẫn nữa của của thị trường này, theo ông Mỹ chính là thu nhập. Bình quân mức lương lao động ở Séc là 18.000 Curon/tháng, tương đương 900 USD. Lao động phổ thông của ta được hưởng lương cơ bản không dưới mức 500USD/ tháng, lao động có nghề là khoảng từ 600 – 700USD/tháng, chưa kể tiền làm thêm giờ. Mức lương này không thua kém các khu vực Đông Bắc Á và vượt hẳn so với thị trường lao động Trung Đông.
Làm gì để duy trì và ổn định?
Thị trường lao động Séc mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng doanh nghiệp Việt Nam có khai thác hiệu quả và duy trì được sự ổn định?
Về vấn đề này, ông Hải cho rằng các doanh nghiệp phải phối hợp với các cá nhân và tổ chức để tìm hiểu kỹ nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của chủ sử dụng lao động nước sở tại, công việc mà người lao đông sẽ làm và mức lượng mà họ được hưởng.
"Đặc biệt, các doanh nghiệp phải chú ý đến giấy phép tiếp nhận lao động nước ngoài của chủ sử dụng lao động và thủ tục cho phép người lao động nhập cảnh theo quy định của cơ quan chức năng thuộc Cộng hoà Séc", ông Hải lưu ý.
Thực tế, đã có những sự cố liên quan đến thủ tục nhập cảnh lao động tị thị trường này. Một số doanh nghiệp sau khi đã làm xong công tác tuyển chọn lao động, vì không tìm hiểu kỹ đã bị “kẹt “ tại khâu visa và không thể đưa lao động vào nước này.
Một vấn đề nữa khiến thị trường Séc chưa thể ổn định là phí môi giới.
Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Trung tâm xuất khẩu lao động Airsenco, cho biết Séc là thị trường có nhu cầu tiếp nhận lao động lớn, việc khai thác và xuất khẩu lao động vào Séc cũng không quá khó, song hiện chưa có mức chuẩn về phí môi giới tại thị trường này khiến người lao động vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi.
"Người chủ sử dụng lao động bao giờ cũng muốn thuê lao động với giá rẻ, còn phía môi giới lại muốn được hưởng phí môi giới cao, do đó, nhiều doanh nghiệp đã tự làm giảm giá trị của chính lao động mình", ông Vui nói.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp. Họ cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng phải đưa ra một mức phí môi giới hợp đồng cụ thể, một quy định chung khi đưa lao động đi làm việc tại Cộng hoà Séc.