19:09 03/10/2022

Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh phải dán nhãn UKCA

Vũ Khuê

Từ ngày 01/01/2023, các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh buộc phải dán nhãn UKCA thay vì nhãn CE như trước đây...

Điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao tại Anh.
Điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao tại Anh.

Kể từ ngày 01/01/2023, chỉ có các sản phẩm có nhãn hiệu UKCA mới được phép lưu hành tại thị trường Anh, tức các sản phẩm có nhãn hiệu CE cũng không được lưu hành.

UKCA là nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh. UKCA bắt buộc cho một số sản phẩm lưu hành tại thị trường Anh (khu vực England, xứ Wales và Scotland). Các sản phẩm cần có nhãn hiệu UKCA hầu hết tương đương với các sản phẩm cần nhãn hiệu CE.

Tại hội thảo "Nhãn hiệu UKCA cho xuất khẩu sang thị trường Anh", bà Emily Spear Walsh đại diện Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh thông tin, kể từ ngày 01/01/2023, nhãn hiệu UKCA áp dụng bắt buộc tại Anh với hàng hóa lần đầu tiên đưa ra thị trường thay thế cho các nhãn hàng hóa trước đó đã lưu thông.

4 đối tượng cần quan tâm dán nhãn hiệu UKCA là: Nhà sản xuất, nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối. 

Các sản phẩm yêu cầu sử dụng nhãn UKCA, như: đồ chơi, pháo hoa, thuyền dùng cho mục đích giải trí và mô tô nước, bình áp suất, tương thích điện từ, cân không tự động, dụng cụ đo lường, chai lọ đong, thang máy, thiết bị vô tuyến điện…

Đối với các sản phẩm: Thiết bị y tế; sản phẩm xây dựng; đường cáp dẫn; thiết bị áp suất có thể vận chuyển; hệ thống máy bay không người lái; sản phẩm đường sắt; thiết bị hàng hải, thì sau 23:00 ngày 31/12/2022, nhãn hiệu CE sẽ không được sử dụng nữa và phải được thay thế bằng nhãn hiệu UKCA khi đưa sản phẩm vào thị trường Vương quốc Anh.

Để hỗ trợ và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình đổi nhãn hiệu, Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh vẫn tiếp tục chấp nhận phụ tùng nhập khẩu vào Anh trước ngày 31/12/2022 phục vụ cho khâu bảo trì, bảo dưỡng mà không cần tái thử nghiệm hoặc dán lại nhãn.

Ngoài ra, nhãn hiệu UKCA có quy định riêng về mẫu mã, hình thức và doanh nghiệp có thể tự đánh giá hoặc bên thứ 3 đánh giá tuỳ theo yêu cầu của mặt hàng cụ thể.

Trong hầu hết các trường hợp, nhãn UKCA phải được dán trên chính sản phẩm hoặc trên bao bì. Dấu UKCA phải rõ ràng, dễ đọc và không thể tẩy xóa.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, nhãn hiệu UKCA là yêu cầu bắt buộc với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh từ đầu năm 2023.

Do đó, doanh nghiệp cần kịp thời chuyển sang đáp ứng tiêu chuẩn theo nhãn hiệu UKCA để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh tại một trong những thị trường có nhu cầu rất lớn trong việc nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp.

Việc UKCA trở thành cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh đặt ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc nhanh chóng đăng ký, đáp ứng tiêu chuẩn UKCA, thay thế cho CE hiện có để có thể đủ điều kiện bán hàng tại Anh.

 

Thống kê cho thấy, Việt Nam đứng thứ 23 trong số các nước xuất khẩu nhiều nhất đến Anh trong 2 năm vừa qua. Tỷ trọng kim ngạch mặt hàng xuất khẩu công nghiệp (không kể sắt thép, kim loại) của Việt Nam sang Anh trong năm 2021 đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng giá trị xuất khẩu.

Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch cao gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 24%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 10,8%; sắt thép 8,7%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,6%.