13:14 07/07/2021

Xuất khẩu thủy sản “vượt rào” Covid-19

Chu Khôi

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch năm. Đáng chú ý, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Nga, Mỹ, châu Âu đều có mức tăng mạnh...

Xuất khẩu tôm nhiều cơ hội tăng trưởng
Xuất khẩu tôm nhiều cơ hội tăng trưởng

Đây là kết quả được công bố tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn) diễn ra ngày 6/7.

TRIỂN KHAI CẤP MÃ SỐ VÙNG NUÔI TRỒNG

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kì năm 2020.

Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng khai thác đạt gần 2 triệu tấn, tăng 1%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch cả năm.

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, trong nửa đầu năm nay, Vụ Nuôi trồng thủy sản đã triển khai thực hiện đăng ký cấp mã số cho các cơ sở nuôi tôm, bảo đảm hoạt động truy xuất nguồn gốc, xây dựng các chương trình dự án, đặc biệt là các chương trình cấp quốc gia.

Việc cấp mã số cho các vùng nuôi thủy sản nằm trong lộ trình cần thiết để các sản phẩm thủy sản đáp ứng hàng rào kỹ thuật tạo các quốc gia nhập khẩu.

Vì vậy, trong nửa cuối năm, đây cũng là nhiệm vụ trong tâm của Vụ nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tiếp tục nắm bắt cơ hội thị trường để phát triển các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra.  

Tuy nhiên, việc gắn mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của ao nuôi tôm hiện đang bị ảnh hưởng bởi Luật Đất đai. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa Luật Đất đai.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết hiện nay tình hình Covid-19 đang diễn ra phức tạp với các ổ dịch xuất hiện ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp thủy sản. Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực huy động tối đa nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống dịch như tiêm vacxin cho nhân viên, ngừng hoặc cắt các khâu sản xuất, đưa công nhân vào ở trong phạm vi nhà máy.

Về xuất khẩu, số liệu đã ghi nhận nhiều diễn biến, kết quả tích cực trong xuất khẩu. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhờ có nhiều biện pháp mới trong phòng chống dịch bệnh.

 

Một số mặt hàng chủ lực như tôm đang đứng đầu thị phần ở nhiều thị trường lớn, cạnh tranh với các mặt hàng tôm từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuador. Hầu hết các mặt hàng tăng trưởng khá như tôm tăng 13%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 20%, các mặt hàng hàu, nghêu ngao mặc dù kim ngạch nhỏ nhưng mức tăng trưởng lên tới 45%.

Các thị trường tăng trưởng lớn nhất so với cùng thời điểm tháng 6 năm ngoái là Nga tăng 61%, Mỹ tăng 37%,  Châu Âu tăng 31%, khối CPTPP tăng 12%, duy có Trung Quốc giảm 6%.

Ở góc độ là một mắt xích trong chuỗi sản xuất và vai trò quan trọng của Tổng cục Thủy sản trong giai đoạn 2020-2025, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất hai nội dung cần được làm nổi bật để tập trung nguồn lực ở phạm vi quốc gia là cơ sở hạ tầng và vấn đề liên quan đến Đạo luật Bảo vệ Động vật biển có vú của Mỹ vì liên quan đến hạng mục xuất khẩu và xa hơn là năng lực quốc gia.

Vấn đề cung cấp mã số vùng trồng cho mặt hàng tôm, một mặt hàng chiến lược, hiện đang được thảo luận nhiều trên các diễn đàn địa phương, doanh nghiệp nhằm đáp ứng các thị trường yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Vấn đề là, các doanh nghiệp, chủ đầm nuôi tôm muốn được cấp mã số nuôi trồng, khó đáp ứng một số điều kiện được đưa ra, đơn cử như phải có giấy chứng nhận sử dụng đất đai, ao đầm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, hiện nay, thủy sản và chăn nuôi là hai lĩnh vực đóng góp 49,45% cho tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Dư địa tăng trưởng của cả thủy sản lẫn chăn nuôi vẫn còn, nếu cả hai khối không phát huy được những ưu thế thì tăng trưởng ngành nông nghiệp khó đạt được mục tiêu đã đề ra.

Đối với vấn đề đất đai mà Tổng cục Thủy sản và VASEP kiến nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho biết nhằm tháo gỡ vướng mắc về vấn đề đất đai trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa Luật Đất đai trong nhiệm kì này. Tuy vậy, vấn đề này không chỉ của riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần giải quyết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động mời Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm giải pháp và phổ biến tới các địa phương tháo gỡ khó khăn.

ĐẠI DỊCH COVID-19 TẠO CƠ HỘI CHO XUẤT KHẨU TÔM

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rẳng, đại dịch Covid-19 khó khăn nhưng cũng là tiền đề để ngành nông nghiệp nước nhà vươn lên. Những chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam nắm bắt cơ hội và thời cơ. Công tác phòng chống Covid-19 của Việt Nam cho đến nay đạt kết quả tương đối tốt đã tạo nền tảng cho việc tổ chức sản xuất.

“Hiện nay, tại Ấn Độ cũng như một số quốc gia khác có ngành tôm phát triển đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong khi đó, sản phẩm tôm của Việt Nam được đánh giá có năng suất chất lượng tương đối tốt. Thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam đã được mở rộng trong thời gian gần đây”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

 

Nhận thức được thời cơ và cơ hội, ngay từ cuối năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận định đây là thời điểm có nhiều điều kiện thuận lợi cho nuôi tôm xuất khẩu. Hiện nay, cả sản lượng, diện tích và năng suất của sản phẩm tôm đều đảm bảo những tiêu chí để không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra quốc tế trong những tháng cuối năm.

Trước đây, Trung Quốc là thị trường trọng điểm cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. “Đối với thủy sản, cần khẳng định Trung Quốc là một thị trường lớn. Việt Nam phải nhận thức rõ hơn những yêu cầu của thị trường này. Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính thế nhưng hiện nay, với một xã hội khá giả, thị trường 1,4 tỷ dân đòi hỏi những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn rất rõ ràng”, Thứ trưởng lưu ý.

 Trong nhiều năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Qua đó nâng cao số lượng doanh nghiệp được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

“Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương là hướng dẫn cho người nông dân sản xuất đạt tiêu chí từng thị trường. Nếu muốn mở rộng xuất khẩu vào thị trường nào thì cần tìm hiểu kĩ lưỡng yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường đó để có phương hướng chỉ đạo sản xuất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.