Xung đột Nga - Ukraine: Ảnh hưởng tới chứng khoán Việt Nam sẽ có độ trễ?
Trong ngắn hạn 1-3 tháng tác động của căng thẳng Nga - Ukraine đến chứng khoán Việt Nam là không đáng kể, nhưng nhiều khả năng sẽ điều chỉnh mạnh hơn trong vòng 3-6 tháng tới...
Chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức giảm trên 1% trong ngày 24/02/2022 một phần do ảnh hưởng từ tâm lý của thị trường quốc tế sau khi diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.
Theo thống kê của Agriseco Research, thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi các sự kiện khủng hoảng địa chính trị toàn cầu. Trong đó khoảng thời gian 1-3 tháng mức độ ảnh hưởng không có ý nghĩa về mặt thống kê.
Tuy nhiên, giai đoạn từ 3 đến 6 tháng sau thị trường giảm tương đối so với ngày diễn ra sự kiện, có khả năng do các yếu tố leo thang và Việt Nam có độ trễ nếu xét về ảnh hưởng kinh tế. Mặc dù vậy sau 1 năm từ khi sự kiện diễn ra, chỉ số chứng khoán khả năng cao sẽ tăng vượt lại mức giá cũ, cho thấy trở lại nhịp phát triển bình thường và xoá đi các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài.
Tham chiếu lại sự kiện có bối cảnh tương tự năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea cũng cho thấy, giai đoạn đó thị trường chứng khoán trong 1-2 tháng đầu tiên cơ bản không thay đổi nhiều, tuy nhiên các sự kiện chính trị leo thang sau đó như các lệnh trừng phạt Nga, khủng hoảng giá dầu thô khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí. Một năm từ khi sự kiện xảy ra, VN-Index đã quay trở lại mức đỉnh cũ, với mức tăng 1,58%.
Agriseco Research đánh giá thông qua các sự kiện trong quá khứ và bối cảnh hiện tại, các sự kiện chính trị lớn sẽ gây ra các tác động về mặt tâm lý trong thời gian ngắn-trung hạn, trong đó ảnh hưởng nặng nhất vào khoảng 3-6 tháng sau, tuy nhiên sau 1 năm thì thị trường khả năng cao sẽ chinh phục lại mốc đỉnh cũ.
Xét theo nhóm ngành, cũng giống như những đánh giá mà giới chuyên môn và các công ty chứng khoán, theo Agriseco, sẽ có 3 nhóm được hưởng lợi trong cuộc chiến Nga - Ukraine là dầu khí, phân bón và lương thực.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng nhà đầu tư nên quản trị an toàn danh mục bằng cách giảm tỷ trọng các mã cổ phiếu đã tăng nóng và thuộc nhóm ngành gặp bất lợi trước những thông tin kể trên. Sẽ có ba nhóm ngành bất lợi chính gồm Logistics - Vận tải, Cổ phiếu đầu cơ và nhóm Chăn nuôi và Thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, ngành Logistics, Vận tải: Ngành vận tải và logistics sẽ là nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra căng thẳng. Nguyên nhân là do phần lớn hàng hóa thế giới được chuyên chở bằng tàu biển và chi phí đầu vào của các doanh nghiệp vận tải là dầu bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng cao.
Bên cạnh đó, việc các cảng biển bị phong tỏa ở hai quốc gia này sẽ khiến phí vận tải tăng lên và chậm trễ về thời gian giao hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành logistics, vận tải.
Nhóm các cổ phiếu Đầu cơ, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng với các nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, đã tăng nóng để bảo toàn danh mục. Thông thường trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, các nhóm cổ phiếu này sẽ dễ chịu ảnh hưởng của thị trường khi Beta – hệ số đo rủi ro của một chứng khoán trong tương quan với toàn bộ thị trường các nhóm ngành khá cao.
Với nhóm ngành Chăn nuôi và Thức ăn chăn nuôi, Agriseco cho rằng, việc giá lương thực tăng cao là khó tránh khỏi trong bối cảnh căng thẳng liên tục leo thang như hiện nay giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ thế giới có thể kể đến nhu lúa mỳ, ngô, ngũ cốc,... Giá lương thực tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi Do đó, công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng khi đầu tư vào các cổ phiếu thuộc ngành nghề nêu trên.