14:16 28/02/2022

Làm gì để vốn nội lại trỗi dậy như năm 2021?

Kiều Linh

Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi một cơ hội rõ ràng để giải ngân nếu không có động lực hấp dẫn hơn, thanh khoản khó giữ được kỷ lục như năm 2021...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chứng khoán Việt Nam sau một năm leo thang trở thành thị trường có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, hiện tại vẫn được định giá hấp dẫn so với các thị trường lân cận. Mặt bằng giá nhiều cổ phiếu như nhóm thép, ngân hàng đã quay trở về vùng rẻ nhưng thanh khoản toàn thị trường vẫn teo tóp cho thấy dòng tiền chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Đặc biệt, những biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang cũng tác đông không nhỏ đến tâm lý giải ngân của nhà đầu tư Việt Nam.

Thống kê cho thấy, tháng 11/2021, thanh khoản toàn thị trường trung bình 40.000 tỷ đồng/phiên, tháng 12/2021 giảm mạnh 17% còn đâu đó khoảng 33.000 tỷ đồng/phiên. Bước sang tháng 1/2022, thanh khoản chỉ còn 19.400 tỷ đồng/phiên. 20 phiên gần đây, thanh khoản dù đã lên mốc 20.000 tỷ đồng/phiên nhưng đây vẫn là mức khá thấp, chỉ bằng so với thời điểm của quý 1/2021.

Số tài khoản cá nhân mở mới sau khi lập kỷ lục cũng bắt đầu giảm. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 1/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 195.068 tài khoản chứng khoán, giảm 31.512 tài khoản so với thời điểm kỷ lục mở tài khoản trong tháng 12/2021. Con số này cũng giảm mạnh so với thời điểm tháng 11/2022 là 220.000 tài khoản.

Nhiều ý kiến kỳ vọng rằng, dòng vốn ngoại sẽ quay lại thay cho vốn nội và dẫn dắt thị trường đi lên trong năm 2022. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng quy mô của nhà đầu tư ngoại hiện rất thấp, chỉ còn đâu đó khoảng 5-6% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Do đó, để thanh khoản toàn thị trường quay lại mốc kỷ lục có phiên đạt gần 2 tỷ USD, chủ yếu vẫn là nhờ cậy đến dòng vốn nội.

Làm gì để vốn nội lại trỗi dậy như năm 2021? - Ảnh 1

Vậy làm thế nào để kích hoạt lại dòng vốn nội trên thị trường trong thời gian tới? Về vấn đề này, ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty quản lý Quỹ SGI (SGI Capital) trao đổi với báo chí mới đây cho rằng, thị trường Thái Lan hay Hàn Quốc trước đây khi họ chuyển từ giao dịch T+ sang thành T+0 giao dịch trong ngày thì thanh khoản thị trường đã tăng đột biến lên gấp hai lần. Và trên nền đó, khá nhiều sản phẩm khác nhau được các công ty chứng khoán, các tổ chức đầu tư triển khai cho nhà đầu tư và vì thế mà thị trường trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Do đó, nếu hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch tiếp tục xử lý được một vài những vấn đề tồn đọng lại như hệ thống công nghệ thông tin mới được áp dụng, từ đó triển khai T+0 hay vấn đề nâng hạng thị trường…thì sẽ có một số thay đổi lớn sẽ xảy ra đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù chưa chính thức được là thị trường mới nổi nhưng đã có rất nhiều tiêu chí chúng ta đạt được để vươn lên top những thị trường mới nổi rồi. Ví dụ như năm 2021 thanh khoản giao dịch trung bình thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua rất nhiều thị trường mới nổi. Trong khu vực ASEAN chúng ta chỉ đứng thứ hai sau thị trường Thái Lan, đã vượt qua Philippines, Malaysia, Singapore…", ông Phúc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Giám đốc một công ty đầu tư cho rằng, để kích hoạt vốn nội trỗi dậy như năm 2021 không có gì ngoài chính sách của Chính phủ và chứng minh sự tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết cũng như kỳ vọng thăng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy vậy, nhìn nhận một cách lạc quan hơn, vị này cho rằng, tất cả những tổ chức, nhà đầu tư đều đang nhìn vào thị trường như "hổ rình mồi". Khối nước ngoài tuy bán ròng mạnh nhưng theo thông tin từ các cơ quan quản lý, cũng không có rút khỏi Việt Nam. "Đừng nhìn sự tĩnh lặng mà nghĩ là thị trường mất động lực, hãy nhìn chuyển động bên dưới sẽ thấy dòng tiền vẫn đang chảy cuồn cuộn vào Việt Nam thông qua nhiều kênh từ FDI, FII, kiều hối và cả những kênh không tiện nếu ra ở đây", Giám đốc công ty này nói. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó TGĐ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết thêm, kế hoạch đưa hệ thống thanh toán bù trừ mới trong đó có những giải pháp về triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm CCP cho giao dịch của thị trường chứng khoán cơ sở và cả những cơ chế giao dịch mới, bao gồm giao dịch trong ngày T+0, giao dịch bán chứng khoán trên tài khoản chờ về đã được tính toán và đưa vào trong yêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin mới.

Theo ông Tuấn, trong năm nay khi hệ thống công nghệ thông tin mới hoàn thành công tác thử nghiệm và nghiệm thu chức năng thì khi những giải pháp này sẽ được triển khai một cách đồng bộ. Từ đó cũng sẽ cho phép triển khai thêm những sản phẩm mới đặc biệt là đối với những sản phẩm của thị trường phái sinh.

Bên cạnh đó, hiện nay cơ quan quản lý cũng có kế hoạch lớn trình Chính phủ thông qua đề án chiến lược phát triển thị trường giai đoạn 2021-2030. Trong đó đặt ra những lộ trình cho việc phát triển thị trường ở tất cả khía cạnh, giúp cho hoạt động thị trường trở nên sôi động hơn và bền vững hơn.