10:39 02/09/2021

Xung trận chống dịch với tinh thần Ngày Quốc Khánh

Nguyên Lê

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Với tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 bất diệt, Chính phủ đang tập hợp mọi sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc quyết đầy lùi dịch bệnh ở Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...

Thủ tướng xem các loại nhu yếu phẩm, thuốc men... trong túi an sinh sẽ được cung cấp cho người dân
Thủ tướng xem các loại nhu yếu phẩm, thuốc men... trong túi an sinh sẽ được cung cấp cho người dân

Nhìn vào lịch sử phát triển của một quốc gia, nếu tính từ ngày 2/9/1945 đến nay Việt Nam vừa tròn 76 năm. Và trong số thời gian đó, chúng ta chỉ có khoảng trên 30 năm thực sự bước vào quá trình xây dựng phát triển kinh tế, để từng bước đưa nước ta tiến vào nhóm nước phát triển trung bình cao, rồi vươn lên thành một nước tiên tiến.

Nhưng đại dịch Covid-19 xuất hiện đang hòng làm cản trở khát vọng đó của Việt Nam, để rồi ngày Quốc khánh năm nay, cả dân tộc Việt Nam lại đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ vào trận chiến chống giặc Covid-19.

SỰ TÀN PHÁ CỦA “GIẶC” COVID-19

Cũng như các nước khác trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã buộc nền kinh tế nước ta phải đang đương đầu với muôn vàn thách thức khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả mọi tính toán, hoạt động của chúng ta, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư, tính từ ngày 27/4/2021 đến nay.

 
Thống kê của Bộ y tê, số ca mắc dịch của đợt thứ tư này tính đến ngày 1/9/2021 là 469.311 ca. Trong khi cả ba đợt dịch trước chỉ có 1570 ca với 35 người tử vong. Số ca được điều trị khỏi hiện là 245.948 ca.

Đợt dịch này xảy ra trên hầu khắp cả nước nhưng nặng nề nhất là các tỉnh phá Nam.

Hãy xem số ca mắc trong đợt này (tính đến ngày 1/9/2021) của một số tỉnh, để thấy mức độ phức tạp của dịch: số ca mắc của TP. Hồ Chí Minh đang đứng đầu cả nước với 226.622 ca, tiếp đến Bình Dương với 118.228 ca, Đồng Nai với 24.525 ca, Long An có 22638 ca… Số ca mắc trong những ngày tới tại tại các tỉnh này có thể vẫn còn tăng.

Điều đặc biệt nghiêm trọng, là số ca tử vong vì Covid-19 lần này tại Việt Nam tính đến ngày 1/9/2021 đã lên đến 11868 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Nhìn vào con số này, phần nào cho thấy sự tấn công ghê gớm của đại dịch vào hệ thống y tế của Việt Nam như thế nào? Một cuộc khủng hoảng y tế, quá tải về y tế là không thể tránh khỏi và chúng ta hiểu đây là "cuộc chiến không tiếng súng" đầy khó khăn với kẻ thù vô hình, nguy hiểm như thế nào.

Chưa hết, đợt dịch này còn tấn công toàn diện vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế lớn trên cả nước, khiến nguy cơ đứt gãy các chuỗi sản xuất cung ứng đã đứng vững trong các đợt dịch trước.

Xung trận chống dịch với tinh thần Ngày Quốc Khánh - Ảnh 1

Tác động của làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ tư đã làm giảm 22,8% số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 và giảm 34,1% trong tháng 8. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 và  8 cũng giảm lần lượt  25,3% và  16% so với tháng trước và giảm mạnh so với cùng kỳ với  mức giảm tương ứng 48,7% (tháng 7) và giảm 45,3% (tháng 8).

Bên cạnh đó, trong tháng 8, cả nước có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,9% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đều giảm mạnh so với tháng trước cũng như so với cùng kỳ cho dù tháng 8/2021 vẫn là thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và các địa phương buộc phải thực hiện các đợt giãn cách liên tục khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng này là 6.441 doanh nghiệp, giảm 34,9% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020;

Không ngăn chặn được dịch bệnh và cứ để tốc độ này xảy ra thì chưa biết sự đổ vỡ còn ghê gớm thế nào.

Không ít doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp liên tục gửi kiến nghị đến Chính phủ tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Các nhà máy phải giảm công suất trong khi hàng chục triệu lao động đang chịu cảnh thất nghiệp, thiếu việc làm.

Các doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực từ việc chi phí cao hơn để cố giữ được thị trường chứ chưa dám tính đến lợi nhuận trong sản xuất… Họ cố tồn tại, để chờ thời cơ phục hồi sau khi ngăn chặn được dịch bệnh. Nhiều người lao động, cũng đang chấp nhận giảm lương hay giảm thưởng để cố gắng cùng doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.

BA TRỤ CỘT ĐỂ VIỆT NAM CHIẾN THẮNG DỊCH

Trong bối cảnh đó, Đảng và nhà nước luôn xác định tính thần “chống dịch như chống giặc”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 
Một “Bộ tư lệnh chiến dịch” gồm 3 Ủy viên Bộ Chính trị, ba Phó thủ tướng, một Phó chủ tịch Quốc hội cùng hàng loạt "tư lệnh" các bộ, ngành tham gia đứng đầu các tiểu ban liên qua đến các hoạt động chống dịch. Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính Trưởng ban, tổng chỉ huy. 4 Phó Trưởng ban gồm các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Trợ giúp doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch. Chính phủ luôn linh hoạt trọng việc thực hiện “nhiệm vụ kép” chống dịch và phát triển kinh tế. Cả hệ thống chính trị thực sự đã tham gia vào cuộc chiến chống dịch với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước và nhiều tỉnh, thành đã, đang kiểm soát được dịch bệnh.

Đặc biệt, ngày 24/8/2021 mới đây, các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thống nhất phân công Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp, khó lường cần phải có những biện pháp mạnh mẽ trên các phương diện: hành động thống nhất với quyết tâm cao nhất, phải đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an sinh xã hội, không để thiếu những mặt hàng thiết yếu, thiếu đói trong vùng dịch.

Một lần nữa cho thấy Đảng, Nhà nước thể hiện quyết tâm cao nhất của mình để tập trung, thống nhất mọi nguồn lực từ Trung ương xuống địa phương, để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nơi dịch đang diễn ra ác liệt nhất.

Có thể nói đây là một bộ chỉ huy đặc biệt chưa có tiền lệ mang tinh thần hào khí của những ngày kỷ niệm cách mạng tháng tám, Ngày Quốc Khánh 2/9 vào mặt trận chống dịch.

 
Thủ tướng khẳng định, nhân tố cốt lõi để chúng ta đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh có thể khái quát hóa dựa trên 3 trụ cột chính: Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị; Sự đồng lòng của Nhân dân; Ứng dụng các biện pháp khoa học chống dịch, dự phòng bằng vắc xin và các biện pháp chữa trị cùng với thuốc...

Ngay lập tức, vào sáng 26/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cùng Đoàn công tác Chính phủ đã tức tốc đi thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, các bệnh viện… trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đây là chuyến công tác đầu tiên của Thủ tướng với cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ mồ hôi ướt đẫm trên chiếc áo sơ mi xuất hiện trên sóng truyền hình tại những điểm nóng của vùng đỏ, vùng cam… cùng những người chiến sỹ quân đội, công an đang tổ chức tiếp tế thức ăn, đi chợ tại những vùng giãn cách triệt để, cho ta một lòng tin về chiến thắng dịch bệnh.

Những câu hỏi của Thủ tướng với các bà con: "Khi trong nhà hết thức ăn thì gọi ai? Khi có người đi viện thì gọi ai?", cho thấy việc sát dân, gần dân là phải cụ thể, chi tiết mới giúp được dân.

Thủ tướng đến kiểm tra khu cách ly do Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn quản lý đặt tại Trường Mầm non Sơn Ca, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: VGP. 
Thủ tướng đến kiểm tra khu cách ly do Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn quản lý đặt tại Trường Mầm non Sơn Ca, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: VGP. 

Mới đây, chiều 31/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 lại tiếp tục kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, một điểm nóng dịch bệnh của Hà Nội. Không ít những vi phạm về chống dịch đã được nhận diện qua việc Thủ tướng trực tiếp trao đổi, nắm tình hình với người dân, với shipper đang vận chuyển hàng trên đường, các của hàng tiện ích….

Lãnh đạo Chính phủ luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến từ các nhà khoa học, các giáo sư, bác sĩ đến từng người dân để điều chỉnh hoạt động chỉ đạo, điều hành chống dịch cho phù hợp.

Với tinh thần và hào khí của những ngày cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 cùng ba trụ cột đó chúng ta sẽ dành chiến thắng trong “ cuộc chiến không tiếng súng này” để đem lại đời sống an bình, thích ứng với Covid-19 cho người dân Việt Nam. 

Chính phủ đang tập hợp mọi sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc quyết đầy lùi dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...
Chính phủ đang tập hợp mọi sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc quyết đầy lùi dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...