11:25 27/05/2017

Yêu cầu kiểm tra thông tin lãng phí, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Nguyên Hà

Kiểm toán Nhà nước phát hiện có tình trạng chênh giá từ 5 - 7 lần đối với giá trị mua sắp trang thiết bị, vật tư tại các bệnh viện nhằm trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nước.<br>
Qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nước.<br>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiểm tra thông tin báo chí phản ánh liên quan đến mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Theo đó, báo chí vừa qua phản ánh Kiểm toán Nhà nước phát hiện lãng phí trong việc mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh cùng tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đang diễn ra khá nhức nhối.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán về chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 đã phát hiện ra nhiều sự lãng phí lớn trong việc mua sắm thiết bị khám chữa bệnh tại rất nhiều bệnh viện và sở y tế trên toàn quốc.

Cụ thể, Bộ Y tế chưa phân nhóm vật tư, hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế; chưa xây dựng bộ dữ liệu giá trúng thầu của các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao trong cả nước để cung cấp cho các cơ sở y tế căn cứ xây dựng giá kế hoạch.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều thiết bị còn mới nhưng đã hỏng. Tại 11 tỉnh, thành phố được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra có tới 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá hơn 371 tỷ đồng.

Trong đó, trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (hơn 68 tỷ đồng), trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng), trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng).

Về công tác đấu thầu, Kiểm toán Nhà nước phát hiện việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

Trong đó, có loại vật tư gấp 6,7 lần, như 1 chiếc kim cánh bướm tại Bệnh viện Việt Đức có đơn giá là 1.090 đồng, trong khi đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy giá lại là 7.350 đồng. Có loại vật tư y tế gấp 4,8 lần, như 1 dây truyền huyết thanh của Bệnh viện Bạch Mai có giá là 3.675 đồng, trong khi tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức mức giá lên tới 18.000 đồng.

Về hóa chất của cùng một nhà cung cấp, có loại gấp 5,8 lần như giá 1 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá 16.718.000 đồng, trong khi ở Bệnh viện Thống nhất mức giá lại là 2.874.375 đồng.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 cho thấy, việc xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định. Sự việc này xảy ra tại các tỉnh như Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum.

Cá biệt, qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về Ngân sách Nhà nước.

Về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế là tài sản cố định, qua kiểm toán tại Bộ Y tế cho thấy một số đơn vị sử dụng trang thiết bị y tế kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, xảy ra tại các bệnh viện như: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương…

Đối với thông tin trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/6 tới.

Đồng thời, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.