16:24 10/12/2021

1,6 tỷ người tại châu Á – Thái Bình Dương chưa được tiếp cận dịch vụ bảo vệ sức khỏe

Phúc Minh

Báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 10/12 ước tính còn 1,6 tỷ người trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương chưa được tiếp cận hiệu quả tới các chương trình bảo vệ sức khỏe xã hội….

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo này, mặc dù hơn 3/4 dân số khu vực về pháp lý được hưởng quyền lợi chăm sóc y tế, vẫn tồn tại khoảng trống lớn về pháp lý trong phạm vi bao phủ.

Việc không nhận thức đầy đủ về quyền đi đôi với những khó khăn trong thực tiễn thực hiện và trở ngại trong tiếp cận các dịch vụ, khiến rất nhiều người trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương phải tự chi trả cho các dịch vụ y tế, điều này thường khiến họ rơi vào cảnh nghèo khó. 

Phát biểu về báo cáo được công bố, Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder cho biết: “Đầu tư cho bảo vệ sức khỏe xã hội là yếu tố then chốt góp phần đạt được bảo hiểm y tế toàn dân. Đại dịch Covid-19 đã nhắc nhở chúng ta về vai trò thiết yếu của bảo vệ sức khỏe xã hội đối với việc hỗ trợ sức khỏe, việc làm và thu nhập của người dân, đồng thời đây cũng là yếu tố then chốt của một công cuộc phục hồi bao trùm. Đó là một lựa chọn chính sách hợp lý và có đạo đức, tạo tiền đề cho phát triển bền vững và công bằng xã hội”.

Báo cáo chỉ ra những bất bình đẳng đáng kể trong diện bao phủ bảo hiểm y tế trong khu vực cũng như giữa các nước trong châu Á và Thái Bình Dương. Chưa đến một nửa lực lượng lao động trong khu vực được bảo đảm an ninh thu nhập khi đau ốm theo luật pháp, trong đó chỉ có 45,9% phụ nữ được bảo vệ trong trường hợp bị mất thu nhập trong thời kỳ thai sản.

 Những khoảng trống trong diện bao phủ cũng ảnh hưởng nặng nề hơn tới phụ nữ và nam giới có công việc và thu nhập không ổn định, hay không thường xuyên như lao động tự làm, lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng như lao động di cư và gia đình họ. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động giúp việc gia đình và gia đình họ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Báo cáo ghi nhận rằng trong khi nhiều nước đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng diện bao phủ bảo vệ sức khỏe xã hội, việc đảm bảo đầy đủ các loại trợ cấp vẫn là một thách thức chủ yếu do thiếu kinh phí hay không dự báo được về nguồn kinh phí.

Trong khi đó, tầng lớp trung lưu với số lượng ngày càng tăng lại đòi hỏi dịch vụ có chất lượng cao hơn do, đặc biệt là từ các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân là đối tượng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách bảo vệ sức khỏe xã hội, cũng khiến các khoản phải tự chi trả tăng cao.

Trong bối cảnh đó, báo cáo khuyến nghị có tăng cường thể chế cũng như thiết kế và quản lý các chương trình hiệu quả hơn, nhằm tăng cường phạm vi bao phủ và đảm bảo đầy đủ về lợi ích. Báo cáo cũng kêu gọi thêm các nguồn lực công để biến sự đoàn kết trong đảm bảo kinh phí trở thành hiện thực.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương cho biết: “Còn rất nhiều người dân trong khu vực này chưa thuộc diện bao phủ hay chưa được tiếp cận hiệu quả với các dịch vụ chăm sóc y tế, đại dịch Covid-19 khiến tình hình càng xấu hơn. Việc mở rộng phạm vi bao phủ và tăng cường năng lực thể chế sẽ giúp các xã hội tiến tới phục hồi bao trùm, giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng sâu sắc về cơ cấu vốn đã cản trợ sự tiến bộ trong một thời gian quá dài”.