09:51 29/12/2007

10 sự kiện chứng khoán 2007

Ban biên tập

Chúng tôi xin giới thiệu 10 sự kiện chứng khoán tiêu biểu của năm 2007, do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán bình chọn

Hai đợt IPO của 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn thành trong năm nay - Ảnh: Việt Tuấn.
Hai đợt IPO của 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn thành trong năm nay - Ảnh: Việt Tuấn.
Chúng tôi xin giới thiệu 10 sự kiện chứng khoán tiêu biểu của năm 2007, do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán bình chọn.

Được công bố vào những ngày cuối năm 2007, đây là những sự kiện được hơn 30 nhà báo thuộc Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán bình chọn trên các tiêu chí như: sự kiện được dư luận quan tâm và có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, có những tranh luận nhiều chiều xung quanh chủ điểm này.

1. Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2007

Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2007: tạo hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển. Các tiêu chuẩn tham gia thị trường với nhiều thành viên như: công ty chứng khoán, công ty niêm yết, công ty quản lý quỹ đã được nâng cấp.

Một điểm có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến văn hoá kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam là quy định về nghĩa vụ công bố thông tin đối với công ty đại chúng. Quy định này buộc các doanh nghiệp khi đạt đến tầm quy mô nhất định phải hoạt động kinh doanh công khai, minh bạch, xoá bỏ thói quen kinh doanh khép kín của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Luật Chứng khoán cũng chính thức đưa ra điều khoản quy định về việc quản lý thị trường tự do.

Để hiện thực hóa quy định này, vào ngày 8/11/2007, Bộ tài chính đã công bố Quyết định số 3567/QĐ-BTC phê duyệt phương án tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (OTC), giúp lành mạnh thị trường tự do và chính thức.

Về nguyên tắc chung, chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán sẽ được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và giao dịch tại công ty chứng khoán.

Kết quả giao dịch sẽ được tổng hợp qua Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội để thực hiện thanh toán bù trừ tại Trung tâm lưu ký.

Hệ thống giao dịch cổ phiếu OTC dự kiến khởi động giao dịch cuối quí 1/2008 với 40 cổ phiếu của các công ty chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm, và được dự báo sẽ trở thành “chợ giao dịch chứng khoán” có quy mô lớn nhất.

2. Vụ bổ nhiệm Tổng giám đốc của Công ty Chứng khoán Thiên Việt

Lần đầu tiên báo chí phát hiện và công khai một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam: Công ty Chứng khoán Thiên Việt bổ nhiệm Tổng giám đốc khi đích danh người được bổ nhiệm không biết và cũng chưa từng ký hợp đồng làm việc với Công ty.

Từ vụ việc này, báo chí đề cập đến hàng loạt vấn đề bất cập là hệ quả của trào lưu chạy giấy phép thành lập công ty chứng khoán hồi cuối năm 2006. Đó là việc thiếu trầm trọng nhân sự chủ chốt trong ngành chứng khoán, tình trạng mượn, thuê chứng chỉ đào tạo chứng khoán, tình trạng chay đua hợp tác chiến lược để làm thương hiệu…

3. Quy mô thị trường chứng khoán tăng mạnh

Tính đến hết năm 2007, tổng giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 500.000 tỷ đồng, bằng khoảng 43,7% GDP của năm 2007.

Dựa trên những kết quả mà thị trường chứng khoán đạt được trong năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 128/QĐ-TTg điều chỉnh kế hoạch định lượng về phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2010, hướng đến năm 2020 trong đó có đề ra mục tiêu đến năm 2010, tổng giá trị vốn hoá thị trường đạt 50% GDP, năm 2020, con số này đạt 70% GDP.

Bên cạnh sự tăng mạnh về quy mô, thị trường chứng khoán năm 2007 đã thực sự xác lập được vị thế là một kênh dẫn vốn trong nền kinh tế khi số vốn mà các doanh nghiệp niêm yết huy động được trong năm này đạt trên 90.000 tỷ đồng.

4. Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước khống chế cho vay đầu tư chứng khoán

Một trong những chính sách có tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán và được các báo chí đề cập liên tục kể từ giữa năm 2007 đến nay đó là Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước.

Chỉ thị này đã hạn chế luồng vốn tín dụng từ kênh dẫn vốn ngân hàng sang thị trường chứng khoán ở mức 3% khiến nhiều ngân hàng trong suốt nửa cuối của năm 2007 phải lo tìm cách hạ mức cho vay đầu tư chứng khoán xuống đến mức cho phép. Tăng trưởng tín dụng nóng trong năm 2007, nhiều hợp đồng vay vốn phải chuyển đổi mục đích sử dụng là tình trạng thực tế đang diễn ra tại nhiều ngân hàng.

Xung quanh câu chuyện về Chỉ thị 03, báo chí đã tốn không ít giấy mực để bàn thảo và vấn đề Chỉ thị 03 tạo sự an toàn hay rủi ro cho các ngân hàng vẫn sẽ là chủ đề nóng của báo giới trong những ngày đầu năm 2008.

5. Năm 2007, năm của các đợt IPO lớn

Năm 2007 là năm đầu tiên diễn ra các đợt phải cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là các tổng công ty lớn trong danh sách hơn 20 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cổ phần hoá trong năm này.

Hai đợt IPO của 2 doanh nghiệp lớn là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn thành trong năm nay, nhưng đằng sau sự kiện IPO của loại doanh nghiệp này còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Hiện tượng mua bán năm thâm niên công tác gây thiệt hại cho không biết bao nhà đầu tư thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Báo chí năm qua đã liên tục đưa tin và phản ánh những vấn đề tồn tại trong quá trình IPO các doanh nghiệp lớn với hy vọng sang năm 2008, IPO của các doanh nghiệp nhà nước sẽ được thực hiện chuyên nghiệp và minh bạch hơn.

6. Vụ tăng vốn của Quỹ VF1

Quỹ đóng đầu tiên được phép tăng vốn đồng thời sự điều chỉnh giá mang tính chủ quan của Công ty Quản lý quỹ gây nhiều bất bình cho nhà đầu tư. Điều này cũng bộc lộ hạn chế của thị trường đằng sau thành công về việc huy động vốn diễn ra trong năm 2007 diễn ra một cách mạnh mẽ và dễ dàng.

Sự bùng nổ hiện tượng phát hành trái luật và nhiều doanh nghiệp bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2007 phạt 63 tổ chức và cá nhân trong đó phạt tiền 55 trường hợp.

7. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM chính thức thành Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE)

Cùng với việc chuyển thành Sở giao dịch chứng khoán, cơ quan này chính thức áp dụng khớp lệnh liên tục từ 30/7/2007 để tạo tính thanh khoản cho thị trường và tăng cơ hội cho nhà đầu tư. Đồng thời, kế hoạch giao dịch từ xa cũng đã và đang khởi động và chạy thử nghiệm liên tục tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Tuy nhiên, sự cải tiến công nghệ đó đã không tránh khỏi những trục trặc. Năm 2007 có thể nói là năm có nhiều sự cố về giao dịch, trong đó đáng kể là việc trục trặc hệ thống số liệu giá tham chiếu khiến HOSE phải ngừng giao dịch một ngày. Ngoài ra còn có sự nhầm lẫn về room với STB, nhầm lẫn giá tham chiếu của cổ phiếu TLT tại Hà Nội và tính nhầm HaSTC-Index.

8.Cải tiến đột phá trong đào tạo chứng khoán

Hệ thống đào tạo chứng khoán cuối 2006, đầu 2007 bị quá tải khi nhu cầu học lên cao. Tuy nhiên, với sự chia sẻ quyền cho 5 trường đại học khác, công tác đào tạo đã có bước phát triển đột biến và lành mạnh.

9. Luật Thuế thu nhập cá nhân được thông qua

Lần đầu tiên thu nhập từ đầu tư chứng khoán được đưa vào diện chịu thuế. Mặc dù mức thuế không quá cao và khá linh hoạt nhưng thị trường cũng đã có một thời gian dài phản ứng tiêu cực.

Theo đó, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn và đăng ký với cơ quan thuế việc áp dụng một trong hai cách tính thuế: theo mỗi lần chuyển nhương hoặc vào cuối năm.

Thuế suất chuyển nhượng vốn, chứng khoán, đối với chuyển nhượng chứng khoán áp dụng thu thuế theo từng lần mức thuế suất là 0,1%/lần, áp dụng thu theo năm với mức thuế suất 20% sau khi đã trừ các chi phí liên quan.

Ngoài ra, thu nhập từ đầu tư vốn (gồm: tiền lãi cho vay; lợi tức cổ phần; thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ) sẽ chịu mức thuế suất 5%. Trường hợp cá nhân nhận lợi tức cổ phần dưới dạng cổ phiếu thì thu nhập tính thuế được xác định theo giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm nhận.

10. Bùng nổ truyền thông về thị trường chứng khoán

Chứng khoán và thị trường chứng khoán đã trở thành chuyên mục thường xuyên và không thể thiếu không chỉ đối với nhiều tờ báo kinh tế, truyền hình mà còn cả những tờ báo chuyên về xã hội.

Sự bùng nổ này đã dẫn đến sự ra đời của Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán vào ngày 28/5/2007, với sự quy tụ của gần 40 thành viên là các nhà báo chuyên sâu trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và là một tổ chức nghề nghiệp có chức năng hỗ trợ về kiến thức và nghiệp vụ cho các thành viên tham gia.