19:16 12/10/2021

11 hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét bất cập tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường

Vũ Khuê

Những nội dung này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho phát triển đất nước mà đặc biệt là phát sinh thủ tục hành chính và “cần làm rõ cơ sở pháp lý”...

Việc điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam...
Việc điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam...

Ngày 12/10, 11 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi kiến nghị lên Chính phủ về một số nội dung lớn tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường gấp rút hoàn thiện trình Chính phủ.

Theo cộng đồng doanh nghiệp, Dự thảo ngày 5/10/2021 là phiên bản chỉnh lý sửa đổi sau buổi họp thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 27/9/2021.

Mặc dù Dự thảo lần này đã có nhiều sửa đổi so với Dự thảo trước đó, nhưng sau khi các doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu kỹ thì thấy vẫn còn khá nhiều nội dung lớn không phù hợp với các Luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Những nội dung này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho phát triển đất nước mà đặc biệt là phát sinh thủ tục hành chính và “cần làm rõ cơ sở pháp lý” ở một số nội dung đúng như báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp đã nêu.

 
Bộ Tư pháp cần thẩm định lại toàn bộ các nội dung còn chưa đúng, chưa phù hợp với các quy định pháp luật và thực tế, nêu trong Báo cáo thẩm định ngày 6/10/2021 đã được Dự thảo điều chỉnh hay chưa, hoặc có thêm điểm mới nào chưa phù hợp.

Góp ý chung về dự thảo, các hiệp hội cho rằng, Nghị định hướng dẫn chi tiết không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật bảo vệ môi trường, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác.

Mặt khác, dự thảo cần tuân thủ đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại công văn số 6739/VPCP-NN ngày 22/9/2021 “đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất-kinh doanh”, cũng như các Nghị quyết của Chính phủ để không làm tăng thêm quy định hành chính và thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.

Đi vào cụ thể hơn, các doanh nghiệp cho rằng dự thảo cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm.

Bởi thủ tục cấp giấy phép môi trường trong Dự thảo rất phức tạp, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, không rõ ràng, rất dễ tạo cơ chế xin-cho ảnh hưởng đến môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam mà không đạt được mục đích bảo vệ môi trường tốt hơn, và chỉ dựa vào tiền kiểm, nên không có nhiều hiệu quả quản lý.

Bên cạnh đó, các hiệp hội đề xuất cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư-kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.

 
Quy định về khoảng cách an toàn với khu dân cư áp dụng với cả doanh nghiệp đã hoạt động từ trước đây, nếu có dân đến ở gần thì doanh nghiệp phải di dời nhưng chi phí di dời do ai trả thì không đề cập, điều này mâu thuẫn với Luật Đầu tư và không phù hợp với thực tiễn.

Cũng theo các hiệp hội, không rõ Dự thảo dựa vào căn cứ nào để đưa ra các mức phải quan trắc tự động.

Dự thảo ngày 20/7 đưa ra mức nước thải 500m3/ngày đêm, dự thảo ngày 10/8 giảm xuống còn 200m3, dự thảo 5/10 đưa trở lại 500m3.

Quy định hiện tại đang ở mức 1.000m3/ngày đêm. Trong khi đó quan trắc tự động rất tốn kém về chi phí đầu tư (tiền tỷ), chi phí vận hành.

Quy định “bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy” sẽ dẫn đến hàng loạt nhà máy sẽ phải đóng cửa từ 1/1/2026 vì không có bao bì để đóng gói, vật liệu để sản xuất...

“Cần phải bổ sung khung pháp lý và khung pháp lý phải rõ ràng nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải”, do các quy định trong Dự thảo sử dụng khoản đóng góp này, chúng tôi thấy rằng không đúng mục đích và trái luật”, các doanh nghiệp kiến nghị.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp cần dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam, không để mức quy định thiếu phù hợp, chưa rõ cơ sở khoa học, thiếu công bằng, phí chồng phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Các ý kiến hiệp hội đề nghị bỏ yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu gom và tái chế đạt một tỉ lệ nhất định hay đóng góp tái chế cho sản phẩm, bao bì tự phân hủy sinh học (bởi chúng không có hại với môi trường) hoặc sản phẩm, bao bì có giá trị thương mại khi hết thời gian sử dụng như thiết bị kim loại, ô tô, xe máy cũ (bởi không tự thu gom được do người sở hữu thường bán chứ không thải bỏ).

Theo các doanh nghiệp đề xuất, lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025 để có thời gian xây dựng công nghiệp tái chế chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng được khả thi, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch Covid-19.