120 triệu cổ phiếu PGB do Petrolimex sở hữu sẽ được đấu giá công khai vào quý 3
Sau nhiều lần lỡ làng do “mối duyên” với VietinBank và HDBank không thành, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái vốn tại PG Bank thông qua đấu giá công khai...
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 4885/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ cô phần của cổ đông lớn Petrolimex tại PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến trong quý 3/2022.
Trước đó, Đại hội cổ đông thường niên 2022 của PG Bank đã thông qua việc điều chỉnh tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% về 2% vốn điều lệ PG Bank. Mục đích của việc điều chỉnh nhằm đảm bảo đợt chào bán ra công chúng của cổ đông lớn là Petrolimex không vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Mức giới hạn tỷ lệ sở hữu 2% của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được áp dụng đến khi Petrolimex nhận được công văn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời về kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của Petrolimex.
Hiện, Petrolimex đang sở hữu 120 triệu cổ phần tại PGBank, tương ứng 40% vốn điều lệ.
Tiền thân của PGBank là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, thành lập năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng.
Đến năm 2005, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đã tham gia tăng vốn điều lệ lên 90 tỷ đồng và trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. Năm 2007, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, viết tắt là PGBank.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 được công bố, PGBank đạt doanh thu 662,79 tỷ đồng, tăng trưởng 9,74% so với cùng kỳ. Lợi nhuận 94,93 tỷ đồng, tăng trưởng 27,3% so với cùng kỳ. Tổng tài sản 39,64 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6,48%.
Trước khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Petrolimex thoái vốn thông qua đấu giá công khai cổ phần PGBank, nhà băng này đã 2 lần “lỡ dở” mối “lương duyên” với VietinBank và HDBank.
Ngày 22/5/2015, PGBank và VietinBank đã tổ chức lễ ký kết hồ sơ sáp nhập. Tuy nhiên, đến năm 2017, việc sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa thể hoàn tất. Đến đầu tháng 4/2018, VietinBank bất ngờ thông báo hai bên đã có thỏa thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập.
Đến ngày 7/9/2018, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 6785/NHNN – TTGSNH về việc chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập PGBank vào HDBank. Việc chính thức sáp nhập PGBank vào HDBank theo dự kiến vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có chấp thuận chính thức về việc sáp nhập.
Đến Đại hội cổ đông 2021 của HDBank, việc sáp nhập của PGBank lần nữa thất bại khi ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank, lý giải việc chấm dứt sáp nhập PGBank vào HDBank.
Phía PGBank cũng đã có công văn đề nghị chấm dứt việc sáp nhập vào ngày 22/02/2021. Ban lãnh đạo PGBank cho rằng thời gian sáp nhập kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng này và mong muốn dừng sáp nhập.