18:11 12/07/2022

Tiền nhàn rỗi của dân cư tiếp tục đổ về ngân hàng

Nhờ tăng lãi suất huy động cùng sự bùng nổ của công nghệ thanh toán, tiền nhàn rỗi của cư dân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh...

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiền gửi dân cư trong tháng 4/2022 tiếp tục tăng 57.590 tỷ đồng so với tháng liền trước, đạt 5,5 triệu tỷ đồng. Nếu so với cuối năm 2021, tiền gửi của người dân tăng đến 4,37%, tương đương tăng hơn 231.590 tỷ đồng.

Tiền nhàn rỗi của dân cư đổ về ngân hàng tập trung khá lớn tại loại hình tiền gửi không kỳ hạn. Chính sự bùng nổ của công nghệ thanh toán cùng các chương trình khuyến mại của các ngân hàng chính là yếu tố giúp tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng nhanh trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy, tiền gửi thanh toán cá nhân đã tăng liên tục 8 quý liên tiếp. Tính đến hết quý 1/2022, số dư tiền gửi thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng đạt 1,04 triệu tỷ đồng, tăng tới 11% so với thời điểm đầu năm và cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, đến hết tháng 3, toàn hệ thống ngân hàng có 118,6 triệu tài khoản thanh toán thuộc sở hữu của khách hàng cá nhân, tăng 3% so với cuối năm 2021 và cao hơn 14% so với quý 1 năm trước, ứng với khoảng 14,5 triệu tài khoản được mở mới.

Số liệu về tiền gửi thanh toán cá nhân
Số liệu về tiền gửi thanh toán cá nhân

Nếu trong quý 1/2021, bình quân mỗi tài khoản thanh toán của người dân để khoảng 7,1 triệu đồng thì đến cuối quý 1/2022, số dư này đã tăng lên 8,8 triệu đồng/tài khoản.

Bên cạnh việc tăng trưởng của tiền gửi thanh toán, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng ngày một dâng cao còn đến từ loại hình tiền gửi kỳ hạn. Và yếu tố này đang được kích thích bởi xu hướng nâng lãi suất huy động.

Giai đoạn cuối quý 1 và đầu quy 2, hầu hết các ngân hàng thương mại đã lần lượt điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,3 đến 1,0 điểm phần trăm. Thậm chí, mới đây hai “ông lớn” là BIDV và Agribank cũng đã nâng 0,1 điểm phần trăm cho lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng.

Hiện tại, cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền gửi cư dân đang dần nóng lên. Theo Công ty Chứng khoán SSI, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động trong quý 2/2022 và có mức chênh lệch khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm giữa lãi suất thực tế và niêm yết, thông qua các chương trình khuyến mãi cũng như cộng thêm phần trăm lãi suất dành cho gửi online.

Mặc dù đà tăng mặc dù chậm lại trong quý 3/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa tăng trưởng tín dụng nhưng dự kiến sẽ tăng tốc lại trong quý 4/2022 khi Ngân hàng Nhà nước phân bổ thêm “room” tín dụng.

Thêm vào đó, việc điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 37% về 34% từ ngày 1/10/2022, theo quy định lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng là một áp lực khác khiến lãi suất huy động sẽ tiếp tục ở mức cao. Lẽ đó, tiền gửi của dân cư sẽ duy trì đà tăng, ít nhất từ nay đến cuối năm.

Ngược với tiền gửi cư dân, tiền gửi của các tổ chức kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Riêng tháng 4/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 69.446 tỷ đồng so với tháng trước.

Điều này kéo theo tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng giảm 11.849 tỷ đồng so với tháng trước. Từ đầu năm đến nay, đây là tháng đầu tiên tiền gửi trong hệ thống ghi nhận sự sụt giảm.

Theo giới chuyên môn, việc tiền gửi tại các tổ chức tín dụng  giảm và giảm chủ yếu ở nhóm tổ chức kinh tế là điều đáng mừng. Bởi lẽ, tiền bắt đầu được đưa vào nền kinh tế, thông qua các hoạt động tái sản xuất, kinh doanh chứ không còn ùn ứ quá nhiều tại ngân hàng. Điều này chứng tỏ nền kinh tế đang thực sự phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.