13 quỹ ETF ghi nhận dòng tiền vào ròng 4.700 tỷ đồng năm 2021, tập trung chủ yếu ở quỹ nội
Xu hướng rút ròng tại các ETF diễn ra mạnh hơn vào thời điểm cuối năm 2021 tuy nhiên tính chung 11 tháng qua, dòng tiền vào vào ròng với giá trị lên đến 4.700 tỷ đồng.
Số liệu cập nhật từ 13 quỹ ETF gồm 5 quỹ nước ngoài và 8 quỹ trong nước của FiinGroup cho thấy, dòng tiền có xu hướng rút ròng vào những tháng cuối cùng của năm 2021. Theo đó, tháng 8 dòng tiền rút ròng mạnh nhất đâu đó khoảng 2.000 tỷ đồng. Tháng 9 xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, tháng 11 và 12 xu hướng rút ròng giảm dần.
Tuy nhiên, luỹ kế 11 tháng năm 2021 và dự kiến cả tháng 12, dòng tiền vẫn vào ròng 13 quỹ ETF với giá trị 4.700 tỷ đồng.
Top 5 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trong danh mục các quỹ ETF gồm PNJ với giá trị mua ròng 759 tỷ đồng; MBB giá trị 641 tỷ đồng; TCB với giá trị mua ròng 599 tỷ đồng; THD 566 tỷ đồng và VPB là 482 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, VCI, HSG, LPB, GMD, NLG là top 5 mã cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt là 93,7 tỷ đồng; 112 tỷ đồng; 260 tỷ đồng; 331 tỷ đồng và 601 tỷ đồng.
Tổng tài sản các quỹ ETF tính đến thời điểm 30/11/2021 là 61.857 tỷ đồng trong đó quỹ ETF nước ngoài có tài sản lên đến 32.716 tỷ đồng và quỹ trong nước 29.141 tỷ đồng. Đáng lưu ý, dòng tiền vào ròng tập trung chủ yếu ở các quỹ ETF trong nước với giá trị vào ròng 4.591 tỷ đồng, ngược lại, dòng tiền vào ròng các quỹ nước ngoài chỉ vỏn vẹn 198,7 tỷ đồng.
Xu hướng này không lạ khi mà làn sóng nhà đầu tư cá nhân trong nước sục sôi suốt từ đầu năm đến nay với lượng tài khoản đầu tư mở mới liên tục lập kỷ lục qua từng tháng.
Thống kê cho thấy, tháng 11 vừa qua tiếp tục là tháng ghi nhận kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam với số nhà đầu tư cá nhân mở mới 221.314 tài khoản, nhiều hơn những gì đạt được của cả năm 2019 khoảng 192.000 tài khoản. Đồng thời đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, sản xuất kinh doanh gặp khó do Covid-19 thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn nhất, nhiều nhà đầu tư đặc biệt là F0 vốn ít kinh nghiệm thực chiến và kiến thức đầu tư tài chính thay vì tự chủ giao dịch trên sàn chứng khoán đã chuyển sang bỏ tiền vào các quỹ thụ động như ETF.
Dù mới mẻ song xu hướng đầu tư vào các ETF dự kiến sẽ trỗi dậy mạnh hơn trong thời gian tới đây vì dư địa cho thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn lớn. Số lượng nhà đầu tư cá nhân đầu tư chứng khoán dự kiến đến năm 2025 chiếm khoảng 5% dân số, và năm 2030 là 10% dân số.
Kinh nghiệm ở các thị trường tài chính phát triển cũng cho thấy, ETF là sản phẩm đầu tư được ưa chuộng. Không ít nhà đầu tư nổi tiếng, bao gồm cả huyền thoại Warren Buffett cũng khuyên nhà đầu tư cá nhân nên bỏ tiền vào ETF do không phải ai cũng có khả năng lựa chọn từng cổ phiếu riêng lẻ.
Tuy vậy, dự báo xu hướng rút vốn của các quỹ ETF đặc biệt là ETF ngoại trong thời gian tới cũng khó cải thiện dù hoạt động sản xuất đã được khôi phục trở lại và nền kinh tế đang từng bước quay lại trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh lý do khách quan đến từ việc FED phát tín hiệu có thể thắt chặt sớm hơn kỳ vọng khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường mới nổi, lý do chủ quan đến từ việc đồng VND tương đối mạnh so với các đồng tiền khác trong khu vực, tăng 1,6% so với USD trong năm 2021.
Trong khi đó, tỷ trọng các nhóm ngành trong thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đa dạng và bị giới hạn về sở hữu nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản, trong khi những ngành thu hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục không có nhiều lựa chọn và bị giới hạn sở hữu nước ngoài.