ETF “dội bom”, loạt trụ “hẫng chân”
Phiên tái cơ cấu của các quỹ ETF ngoại trong đợt ATC xuất hiện các lệnh bán rất lớn. Thị trường trông đợi sẽ có màn “đấu súng”, nhưng thế cân bằng không giữ được. VN-Index để mất hơn 6 điểm ở đợt cuối...
Phiên tái cơ cấu của các quỹ ETF ngoại trong đợt ATC xuất hiện các lệnh bán rất lớn. Thị trường trông đợi sẽ có màn “đấu súng”, nhưng thế cân bằng không giữ được. VN-Index để mất hơn 6 điểm ở đợt cuối.
VN-Index chốt đợt khớp lệnh liên tục đang ở sát đỉnh cao nhất phiên tại 1486 điểm, tăng 0,7%. Đóng cửa chỉ số rơi tõm về 1479.79 điểm, chỉ còn tăng 0,22%.
Nguyên nhân không có gì lạ, vì nhiều cổ phiếu lớn đã không được cân lệnh đủ. Bất kể là cổ phiếu đang tăng mạnh như VIC, VHM cho tới các mã yếu như VCB, HPG, VNM cũng bị đánh sập xuống. Lực bán dồn ra đợt cuối đã lớn hơn hẳn cầu vào đỡ.
VIC bị đánh sập 4 bước giá với gần 3,46 triệu cổ phiếu khớp ATC, giá chỉ còn tăng trên tham chiếu 2%. VHM bị đánh sập 4 bước giá với 1,77 triệu cổ, chốt phiên tăng 2,67%. VRE bị ép 3 bước giá, còn tăng 2,33%, giao dịch đợt ATC hơn 2 triệu cổ. Đây là những cổ phiếu nâng đỡ VN-Index tốt nhất cùng với CTG và DIG.
VCB thảm nhất, ban đầu còn bị đánh xuống giá sàn và mãi 3 phút cuối phiên mới được nâng dần lên. Tuy nhiên đóng cửa vẫn rơi từ 99.700 đồng xuống 96.500 đồng, tức là bốc hơi 3,21% trong một lần khớp, giảm dưới tham chiếu 2,62%.
Loạt cổ phiếu lớn khác cũng sập giá là VNM, chốt giảm 1,04% với 1,32 triệu cổ giao dịch đợt cuối. MSN giảm 1,56% với 956 ngàn cổ; HPG giảm 1,68% với 3,05 triệu cổ; TCB về tham chiếu, MBB giảm 0,18%, VPB tăng 0,3%... VN30-Index cũng rơi đợt ATC khoảng 6 điểm, đóng cửa trên tham chiếu 0,22%.
Tuy nhiên điểm tốt của cú sập giá này là thanh khoản đã tăng. VN30 tăng giao dịch 39% so với hôm qua, lên 11.133 tỷ đồng, cao nhất 9 phiên. Một khía cạnh nào đó có thể coi là dòng tiền đã tập trung mua blue-chips nhiều hơn.
Tuy nhiên so với tổng thể thị trường, thanh khoản của nhóm VN30 hôm nay cũng chỉ chiếm khoảng 34% sàn HoSE và bình quân tuần còn chưa tới 31%. Giao dịch hôm nay vẫn rất lớn ở nhóm midcap và smallcap.
Đặc biệt các cổ phiếu nhỏ không bị ảnh hưởng gì từ giao dịch ETF, hôm nay nhiều mã cực mạnh. HoSE ghi nhận 21 mã kịch trần. Nhiều mã thanh khoản rất cao như OGC, VCG, LDG, TSC, HAR, TTB, TGG, VPH... Sàn HNX lại càng không bị ảnh hưởng, khoảng 20 mã kịch trần nhưng chỉ vài mã thanh khoản đáng chú ý như NRC, KSQ, VC7, EVS, VC3... Sàn UpCOM có 33 mã trần, giao dịch mạnh là TBH, XMC, PPI, VCR.
Nhà đầu tư nước ngoài dĩ nhiên được ghi nhận tăng vọt giao dịch hôm nay. Trên HoSE, tổng giá trị bán đạt gần 3.862 tỷ đồng, chiếm 11% tổng giá trị sàn. Mức mua vào là gần 3.158 tỷ, chiếm hơn 9%. Giá trị bán ròng đạt 703,8 tỷ đồng. Sàn HNX ghi nhận bán ròng 32 tỷ đồng, chỉ yếu là CEO, TDH, mua ròng IDC.
Loạt cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất tại HoSE là VPB, VCB, HPG, MSN, NVL đều trên trăm tỷ. CII, HDB, VNM, PDR, HSG, TVS, STB, DPM bị bán ròng hơn 30 tỷ đồng. Phía mua ròng có VND lớn nhất với 133 tỷ. Nhóm DXG, CTG, VRE, DGC, DIG, VIC, KDH trên 50 tỷ đồng ròng.
Việc các cổ phiếu lớn không được cân lệnh đủ tốt hôm nay khiến diễn biến phiên có phần kém. VN-Index tăng tốt nhất trên tham chiếu 0,75%, VN30-Index tăng 0,72% ngay trước khi các quỹ dồn lệnh đợt cuối. Nếu duy trì mức tăng này có thể thị trường đã thể hiện được sức mạnh ấn tượng tượng. Trong các đợt tái cơ cấu trước đây, thị trường nếu mạnh vẫn chứng kiến màn lội ngược dòng về giá.
Tín hiệu tích cực nhất hôm nay là với lượng bán lớn của các quỹ, giá giảm, tạo cơ hội cho những ai muốn mua đón được giá hợp lý hơn. Thanh khoản tăng cho thấy có dòng tiền chờ đợi mua vào phiên này. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đã tăng lên trên 35,8 ngàn tỷ đồng, cao nhất 17 phiên. Dù đây chưa phải là mức giao dịch quá lớn, nhưng ít nhất cũng thể hiện một lượng tiền mạnh đã vào thị trường.