2015-2020: Hơn 1,4 triệu gói thầu được thực hiện với tổng giá trị 3,72 triệu tỷ đồng
Từ năm 2015 đến năm 2020, cả nước có tổng số 1,4 triệu gói thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu, với tổng giá gói thầu là 3,95 triệu tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 3,72 triệu tỷ đồng, chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu (giá trị tiết kiệm) là 238,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,033%...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2015-2020, các gói thầu tăng cả về số lượng, quy mô.
Mặc dù tỷ lệ tiết kiệm của cả nước chưa đạt cao, nhưng tỷ trọng về giá trị các gói thầu chỉ định thầu giảm dần theo từng năm; tỷ lệ tiết kiệm của các gói thầu sử dụng vốn nhà nước để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước tăng cao theo từng năm.
Cụ thể, trong tổng số 1,4 triệu gói thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu, có 674,8 nghìn gói thầu trong lĩnh vực tư vấn (chiếm 47,97%) với tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu lần lượt là 199,0 nghìn tỷ đồng (chiếm 5,03%) và 188,38 nghìn tỷ đồng (chiếm 5,07%), tỷ lệ tiết kiệm đạt 5,34%.
Tiếp đến là lĩnh vực xây lắp với 324,2 nghìn gói thầu (chiếm 23,04%) với tổng giá gói thầu là 1,98 triệu tỷ đồng (chiếm 50,15%) và tổng giá trúng thầu là 1,88 triệu tỷ đồng (chiếm 50,67%), tỷ lệ tiết kiệm đạt 5,06%.
Đứng thứ ba là lĩnh vực hàng hóa có 278,7 nghìn gói thầu (chiếm 19,81%) với tổng giá gói thầu là 1.443.540 tỷ đồng (chiếm 36,51%) và tổng giá trúng thầu là 1.312.953 tỷ đồng (chiếm 35,34%), tỷ lệ tiết kiệm đạt 9,05 %.
Ngoài ra là các lĩnh vực phi tư vấn và lĩnh vực hỗn hợp chiếm 9,18% tổng số gói thầu và 8,31% tổng giá gói thầu.
Về hình thức đấu thầu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ định thầu vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong số các hình thức đấu thầu. Cụ thể, chỉ định thầu có 970,12 nghìn gói thầu (chiếm 69%) với tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu là 450,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 11,4%) và 436,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 11,8%), tỷ lệ tiết kiệm là 3,08%.
Đứng thứ hai là hình thức đấu thầu rộng rãi với 209,39 nghìn gói thầu (chiếm 14,88%). Mặc dù đây là loại hình đứng thứ 2 về số lượng gói thầu nhưng có giá trị gói thầu cao nhất với tổng giá gói thầu lên tới 3,06 triệu tỷ đồng (chiếm 77,31%) và tổng giá trúng thầu là 2, 85 triệu tỷ đồng (chiếm 76,83%), tỷ lệ tiết kiệm đạt 6,62 %.
Tiếp đến là hình thức chào hàng cạnh tranh với 127,6 nghìn gói thầu (chiếm 9,1%) với tổng giá gói thầu là 203,65 nghìn tỷ đồng (chiếm 5,2%), tổng giá trúng thầu là 194,5 nghìn tỷ đồng (5,2%), tỷ lệ tiết kiệm đạt 4,47%.
Các hình thức khác (đấu thầu hạn chế, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tham gia thực hiện của cộng đồng) có 99,61 nghìn gói thầu (chiếm 7,08%), với tổng giá gói thầu 242,97 nghìn tỷ đồng (chiếm 6,14%), tổng giá trúng thầu là 229,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 6,18%), tỷ lệ tiết kiệm đạt 5%.
Đặc biệt, năm 2020 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của đấu thầu qua mạng, theo báo cáo, nhiều Bộ, ngành, địa phương đều triển khai rất quyết liệt đấu thầu qua mạng và vượt chỉ tiêu lộ trình được quy định tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ và Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
So với năm 2019, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tăng hơn 2,4 lần (98.172/39.547 gói thầu), tổng giá gói thầu tăng hơn 2,5 lần (303.236/120.321 tỷ đồng).