07:17 05/07/2023

25 dự án trọng điểm tại Thanh Hóa vướng rào cản giải phóng mặt bằng

Nguyễn Thuấn

Trong 29 dự án đang triển khai thực hiện tại Thanh Hóa, có tới 25 dự án đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn văn Thi đi  kiểm tra tình hình giải phóng mặt bằng tại Dự án Khu Du lịch sinh thái Tân Dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn văn Thi đi kiểm tra tình hình giải phóng mặt bằng tại Dự án Khu Du lịch sinh thái Tân Dân.

Cụ thể, việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn chậm, tại các dự án như: dự án tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn; dự án Flamingo Linh Trường Khu A và Khu B; dự án dây chuyền 4 - Nhà máy xi măng Long Sơn...

Đối với tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo như Công văn số 3414 của UBND tỉnh Thanh Hóa đã xác định danh mục 68 dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2023 cần tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, bao gồm: 21 dự án đầu tư công, 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 32 dự án đầu tư trực tiếp trong nước, 2 dự án FDI, 9 dự án có sử dụng đất lĩnh vực phát triển khu đô thị và khu dân cư, 1 dự án lựa chọn nhà đầu tư (Trung tâm thương mại phường Quảng Thành). Trong đó có 16/68 dự án thuộc danh sách các dự án trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2020.

Đến nay tỉnh Thanh Hoá có 29 dự án đang triển khai thực hiện, 33 dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư, 6 dự án (thuộc diện ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư) đang thực hiện hồ sơ, thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định; hiện có 39/68 dự án có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, đối với các dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư mà tiến độ hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án bị ảnh hưởng bởi quá trình lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương còn chậm, có: dự án TNG Hà Long Golf & Resort; dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí Bến En; dự án nâng cấp, mở rộng Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống, thành phố Thanh Hóa.

Các dự án lĩnh vực văn hóa tại Thanh Hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nên phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, như: dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh; dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường.... do công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư của một số dự án chưa được quan tâm đúng mức, chưa có đủ hồ sơ, thủ tục để giao vốn hoặc bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ, như: dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia; dự án đầu tư xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị cho 70 Trạm y tế tuyến xã; dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 5 Trung tâm y tế tuyến huyện....

Một số dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nhưng chỉ tiêu đất trồng lúa được phân bổ của các địa phương không đảm bảm nhu cầu của dự án, như: Khu công nghiệp Đồng Vàng tại Khu kinh tế Nghi Sơn; Cảng Container Long Sơn; Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn; Khu du lịch sinh thái Tân Dân,...

Đối với 29 dự án đang triển khai thực hiện tại Thanh Hóa, trong đó có tới 25 dự án đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn chậm,... tại các dự án như: Dự án tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang - Nghi Sơn; dự án Flamingo Linh Trường Khu A và Khu B; dự án dây chuyền 4 - Nhà máy xi măng Long Sơn; dự án khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần ORG; dự án khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và Hoằng Long, TP Thanh Hóa...

Các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) có quy trình thực hiện trải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, phụ thuộc vào nhà tài trợ nước ngoài; một số dự án phải thực hiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ, như dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia; dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc...

Giá nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng còn biến động gây khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các dự án; trách nhiệm của một số chủ đầu tư/nhà đầu tư chưa cao, năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu quyết liệt trong công tác đôn đốc, chỉ đạo và chưa tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.