13:22 29/07/2021

29% doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là tại TP.HCM

Tuệ Mỹ

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể là doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn, quy mô vốn nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài...

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và việc thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có gần 80.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng gần 29%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 27%. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đáng chú ý, trong 7 tháng từ đầu năm 2021, TP.HCM có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,1% tổng số của cả nước. Trong số này, có 12.071 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại TP.HCM giai đoạn 2016 - 2021.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, thời gian qua, dịch Covid-19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh. Bên cạnh đó, do chưa thể đáp ứng thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) trong một thời gian quá ngắn (1 ngày) theo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh của UBND TP.HCM, nên nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động.

Tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 và giãn cách xã hội, thậm chí không có khả năng vực dậy sau đại dịch.
Tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 và giãn cách xã hội, thậm chí không có khả năng vực dậy sau đại dịch.

Số liệu cập nhật của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tại TP.HCM chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.180 doanh nghiệp, chiếm 37,7%); Xây dựng (5.491 doanh nghiệp, chiếm 13,6%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (4.717 doanh nghiệp, chiếm 11,7%).

Tuy nhiên, tại những lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh lớn nhất cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất tại TP.HCM. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2021 là 29.602 doanh nghiệp, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất trong tháng 7 đầu năm 2021 là: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (10.365 doanh nghiệp, chiếm 35%); Xây dựng (4.415 doanh nghiệp, chiếm 14,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo (3.656 doanh nghiệp, chiếm 12,4%).

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2021 là 75.823 doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp khi so sánh với mức tăng trung bình giai đoạn 2016 - 2020 (8,1%). Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản (tăng 33,8%); Vận tải kho bãi (tăng 15,6%); Thông tin và truyền thông (tăng 12,5%).

Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ở đầu quý 3/2021 đang xấu hơn rất nhiều.

“Trong khu vực dịch vụ, ngoài khu vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các lĩnh vực dịch vụ khác thực sự là những tử huyệt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, vận tải đang chết dần, chết mòn và có nhiều khả năng nhiều doanh nghiệp trong khu vực này không có khả năng vực dậy sau đại dịch nếu như chúng ta không có biện pháp hỗ trợ thiết thực và mạnh mẽ cho khu vực này,” ông Vũ Tiến Lộc nêu thực tế.

Riêng tại TP.HCM, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, Hiệp hội Ngân hàng TP.HCM mới đây đã ký đồng thuận với 16 ngân hàng thương mại lớn ở thành phố sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng đang vay. Dự kiến, sẽ có khoảng 400.000 khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn sẽ được giảm lãi suất lần này.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết tùy mức độ thiệt hại của doanh nghiệp, mức giảm lãi suất có thể dao động từ 0,5% - 2,5%; mức giảm trung bình là 1%/năm.  Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức dụng trên địa bàn sẽ được đưa vào hoạt động giám sát từ nay đến cuối năm.