06:43 01/06/2007

3% cho vay đầu tư chứng khoán

Minh Đức

Vì sao Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra hạn mức cho vay đầu tư chứng khoán vào lúc này và vì sao lại là dưới 3%?

Một số thông tin trên thị trường cho rằng vốn từ các tổ chức tín dụng đang đổ mạnh vào thị trường qua hoạt động cho vay, cá biệt có trường hợp dư nợ lên đến 30% - Ảnh: VT.
Một số thông tin trên thị trường cho rằng vốn từ các tổ chức tín dụng đang đổ mạnh vào thị trường qua hoạt động cho vay, cá biệt có trường hợp dư nợ lên đến 30% - Ảnh: VT.
Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện khống chế dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3% tổng dư nợ tín dụng.

Trong chỉ thị ban hành đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng “cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán có nguy cơ rủi ro, do thị trường chứng khoán đang điều chỉnh theo xu hướng giảm; việc thu thập thông tin từ thị trường để đánh giá, quản trị rủi ro còn bất cập”.

Ngoài ra, đây là một trong những biện pháp thực hiện theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới một thị trường chứng khoán phát triển bền vững, cũng như hoạt động liên quan của các tổ chức tín dụng an toàn.

Ngay khi chỉ thị được công bố, một số câu hỏi đã được giới đầu tư đặt ra là vì sao lại áp dụng vào thời điểm này và hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các tổ chức tín dụng đang ở mức nào?

Một số thông tin trên thị trường cho rằng vốn từ các tổ chức tín dụng đang đổ mạnh vào thị trường qua hoạt động cho vay, cá biệt có trường hợp dư nợ lên đến 30%. Trước những thông tin này, cũng như việc áp hạn mức 3% nói trên, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước từ chối đưa ra bình luận, nhưng ông khẳng định tỷ lệ 30% dư nợ ở một tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay này là không chính xác và thực tế đó là một mức quá cao.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chủ trương thống kê tỷ lệ này qua báo cáo của các tổ chức tín dụng. Và trong một tham luận mới đây, Th.S Nguyễn Thị Hương, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), đưa ra thông tin đáng chú ý: cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố chứng khoán, chiết khấu và tái chiết khấu giấy tờ có giá... đã tăng mạnh trong năm 2005 và 2006, nhưng tổng dư nợ còn ở mức thấp, chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu đối với hoạt động cho vay này ở mức khoảng 1% dư nợ cho vay.

Những con số trên cũng được bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, đề cập đến khi trao đổi với chúng tôi trước đây. Tỷ lệ này cụ thể ở các ngân hàng quốc doanh đang ở mức khá thấp, trên dưới 1%, còn lại tập trung ở khối ngân hàng thương mại cổ phần.

Tuy đang ở mức thấp nhưng ThS. Nguyễn Thị Hương cho rằng một số tồn tại đã xuất hiện, như giá cổ phiếu tăng có dấu hiệu ảo, hiện tượng đầu cơ, thông tin không minh bạch... đã và đang chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn đối với các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, cho biết cuối năm 2006, dư nợ của hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán đã tăng hơn gấp 3 lần so với cuối năm 2005 và chiếm khoảng 3% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Ông Nghĩa cho rằng rủi ro đầu tư trên thị trường chứng khoán là rất lớn do tốc độ tăng giá chứng khoán quá nhanh. Giá nhiều cổ phiếu đã vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp.

“Nếu không có cơ chế kiểm soát và phòng ngừa rủi ro hữu hiệu thì sự sụt giảm của thị trường chứng khoán có khả năng gây tác động không nhỏ đến sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, do đây là lĩnh vực kinh doanh mới, các tổ chức tín dụng còn thiếu kinh nghiệm và năng lực quản lý”, ông Nghĩa nhận định.

Về thời điểm áp dụng hạn mức cho vay chứng khoán là 3%, có ý kiến cho rằng đây là kết quả của quá trình tập hợp và phân tích của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm, thực hiện theo lộ trình chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, từ trung tuần tháng 3 vừa qua, thị trường chứng khoán trải qua một kỳ điều chỉnh sâu và dài, rủi ro hiện hữu đối với nhiều nhà đầu tư; với các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ 1% nợ xấu tuy là mức thấp nhưng cũng là một con số nhạy cảm.

Với hạn mức 3% này, có thể hiểu Ngân hàng Nhà nước muốn khống chế mức độ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán ở mức độ hiện nay.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, đại diện các ngân hàng đang triển khai nghiệp vụ cho vay này đều khẳng định mức độ đó đều nằm trong khả năng kiểm soát của họ, đặc biệt là tính linh hoạt trong hạn mức cho vay đối với mỗi loại chứng khoán, có thể điều chỉnh từ mức 60% thị giá phổ biến trước đây xuống 40%, thậm chí thấp hơn khi thị trường có xu hướng điều chỉnh.

“Ở đây đòi hỏi nghiệp vụ thẩm định của chuyên viên. Vì đây là lĩnh vực nhạy cảm nên chúng tôi luôn có báo cáo định kỳ để nắm bắt xu hướng của thị trường, của mỗi loại chứng khoán trong danh mục. Về hạn mức 3%, tôi cho rằng đây là một tỷ lệ tương đối hẹp, nhưng đó là chủ trương chung, phải chấp hành và theo định hướng an toàn chung thì đó là cần thiết”, đại diện một ngân hàng nói.

Về phía nhà đầu tư, trong bối cảnh thị trường đang nỗ lực phục hồi hiện nay, việc áp hạn mức cho vay, hạn chế nguồn vốn từ tổ chức tín dụng vào chứng khoán có thể sẽ gây tâm lý thất vọng. Và tỷ lệ 3% có phải là một nhận định gián tiếp về khả năng rủi ro trên thị trường, là một ngưỡng an toàn? Câu trả lời tùy thuộc vào từng thời điểm của thị trường.