09:48 24/11/2008

3 điểm chính của chính sách kinh tế 2009

Thùy Trang

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhiệm vụ của Việt Nam trong năm 2009 vẫn là kiềm chế lạm phát

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Việt Tuấn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Việt Tuấn.
Năm 2009 vẫn đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện an sinh xã hội.

Đồng thời, một quyết tâm mới cũng được đặt ra là chủ động ngăn chặn suy giảm của nền kinh tế và duy trì tăng trưởng hợp lý khoảng 6,5%.

Đây là những mục tiêu lớn cho năm 2009 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vào 3 giải pháp sẽ được triển khai để thực hiện những mục tiêu đề ra: chính sách tiền tệ, kích cầu đầu tư và an sinh xã hội.

Chính sách tiền tệ

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhiệm vụ của Việt Nam trong năm 2009 vẫn là kiềm chế lạm phát.

"Mặc dù tình trạng lạm phát đã bước đầu được khống chế nhưng không thể chủ quan vì những nguyên nhân cơ bản gây lạm phát như cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cần thời gian hoàn thiện", Thủ tướng nói.

Các giải pháp chính nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn nguy cơ suy giảm nhưng vẫn đảm bảo kiềm chế lạm phát gồm: áp dụng chính sách tài khóa tiền tệ phù hợp, khuyến khích mạnh đầu tư phát triển cùng xuất khẩu và đảm bảo an sinh xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát, giảm lãi suất để kích thích đầu tư và hiện đã đưa lãi suất về gần với mức lãi suất trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới. Đi liền với đó là tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, tính thanh khoản được bảo đảm. Không để hệ thống ngân hàng (quốc doanh và cổ phần) mất ổn định.

Các định chế tài chính, chứng khoán ở Việt Nam chưa phát triển nên nguồn vốn huy động cho nền kinh tế chủ yếu từ ngân hàng. Do đó Nhà nước phải can thiệp không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính mà bằng thực lực của nền kinh tế khi các ngân hàng thương mại quốc doanh chiếm 70% thị phần cho vay. Trong bối cảnh các doanh nghiệp tồn kho lớn, chưa xuất khẩu được, các ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn bằng khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí giảm lãi suất.

Thủ tướng dẫn chứng, 5 triệu tấn than đang nằm chờ chưa xuất được chi phí bỏ ra cũng rất lớn vì để có được 1 tấn than phải bóc 8 khối đất tương đương với chi phí khoảng 800 ngàn đồng. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng: "Các ngân hàng quốc doanh phải làm nòng cốt trong việc giải cứu cho các doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp đổ thì ngân hàng cũng chết".

Cùng với đó chính sách tài khóa cũng được áp dụng như xem xét miễn giảm thuế cho doanh nghiệp để duy trì sản xuất.

Khuyến khích đầu tư và xuất khẩu

Thủ tướng nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã là một bộ phận không tách rời nền kinh tế thế giới, nên khi bên ngoài có biến động, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động đầu tiên. "Xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm sẽ rất khó khăn, dệt may, thủy sản, đồ gỗ, cao su đều đã giảm cả về số lượng lẫn giá trị". Do đó, Chính phủ yêu cầu tìm mọi cách để hỗ trợ xuất khẩu bao gồm vốn vay, lãi suất, thuế, thủ tục, mở rộng thị trường...

Cuối năm nay, nếu Việt Nam ký được EPA với Nhật Bản thì dệt may vào thị trường này từ mức thuế 10% sẽ xuống còn 0%. Hiện Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đang có mặt tại Mỹ để vận động nước này ký hiệp định thuế quan thấp với Việt Nam. Nếu đạt được thoả thuận thì 3.500 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ được giảm thuế mạnh. Ví dụ như nước dứa xuất khẩu sang Mỹ đang chịu thuế 15% sẽ xuống chỉ còn 5%.

Hiện tại nhu cầu nội địa của chúng ta rất lớn. Vì vậy cần kích thích đầu tư vào hạ tầng, sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo các hình thức khác nhau. Ví dụ đầu tư vào điện không chỉ theo hình thức BOT mà cả BT. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án, kể cả bất động sản.

Trong lúc giá sắt thép, xi măng... giảm phải tranh thủ đầu tư. "Phải kích cầu đầu tư vào các dự án có hiệu quả, không chỉ bằng ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ mà bằng cả sự tham gia của các thành phần kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý: "Tất nhiên phải đầu tư vào những dự án có hiệu quả. Nếu vội vã đầu tư tràn lan vào cả những dự án kém hiệu quả sẽ quay trở lại lạm phát".

Đảm bảo an sinh xã hội

Thủ tướng chỉ thị, những chính sách an sinh xã hội hiện có của Đảng và Nhà nước phải làm cho tốt. Có điều đáng buồn là trong lúc đất nước còn nghèo nhưng khi đưa tiền xuống cho người dân do cách thức tổ chức thực hiện còn kém nên người dân không được hưởng lợi. Vì vậy Thủ tướng yêu cầu khi chính sách đã có các tỉnh thành phải bố trí đủ vốn và triển khai thực hiện cho đến người thụ hưởng.

Chính phủ yêu cầu không để cho dân đói. Thủ tướng cho biết chính phủ đang cố gắng để ngày 1/1/2009 sẽ đưa ra bảo hiểm thất nghiệp. Song song đó, để hỗ trợ cho 61 huyện nghèo với 2,4 triệu dân tương đương 480 ngàn hộ đang sử dụng 6,3 triệu ha đất trong đó có 4,2 triệu ha đất rừng, không có cách nào khác là đi lên bằng đất đai.

Vì vậy Chính phủ vừa thông qua chính sách hỗ trợ nghề rừng, sau đó trồng trọt chăn nuôi cho người dân. Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty và một số doanh nghiệp tư nhân chung tay giúp người dân.

Riêng với trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tướng cũng lưu ý ngoài việc hỗ trợ lãi suất ngân hàng, thuế, một điểm mới là bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư xuất khẩu. Theo đó, Ngân hàng phát triển, nơi làm chính sách, có nhiệm vụ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu. Thủ tướng nói: nguồn vốn đang khó khăn không thể lập quỹ nào khác mà phải giao cho Ngân hàng phát triển (VDB) thực hiện.