09:54 11/09/2024

30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực

Hoài Phương

Tập luyện thể thao giúp rèn luyện sức khỏe, tạo nên lối sống lành mạnh, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Hầu như ai cũng biết điều này nhưng không phải ai cũng tạo lập được thói quen vận động thường xuyên...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoạt động thể chất có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc 13 loại ung thư. WHO khuyến nghị nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho hoạt động cường độ vừa phải hoặc ít nhất 75 phút mỗi tuần cho hoạt động cường độ mạnh. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thu nhập cao, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, có tỉ lệ không hoạt động thể chất cao nhất (48%). 

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI NHẤT VỀ THÓI QUEN VẬN ĐỘNG

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, việc ít vận động trong thời gian dài thật sự có thể làm tăng nguy cơ tử vong lên tới 30%. Cụ thể hơn, những phụ nữ lớn tuổi ngồi từ 11,7 giờ trở lên mỗi ngày, sẽ tăng nguy cơ tử vong, bất kể họ có tập luyện hay không.

Đồng tác giả nghiên cứu Steve Nguyễn, Trường Y tế Công cộng và Khoa học tuổi thọ con người Herbert Wertheim (Đại học California San Diego - Mỹ) cho biết: Ít vận động được định nghĩa là bất kỳ hành vi nào liên quan đến việc ngồi hoặc ngả lưng với mức tiêu hao năng lượng thấp. Đây là một nguy cơ cho sức khỏe, vì nó làm giảm sự co cơ, lưu lượng máu và chuyển hóa glucose.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, GS. Andrea LaCroix (Trường Y tế Công cộng Herbert Wertheim): Khi bạn ngồi, lưu lượng máu khắp cơ thể chậm lại, làm giảm sự hấp thu glucose. Cơ bắp không co bóp nhiều nữa, vì vậy bất cứ hoạt động nào cần tiêu thụ oxy để di chuyển cơ đều giảm đi và nhịp tim của bạn thấp. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục không thể khắc phục được những tác động tiêu cực này.

30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực - Ảnh 1

Tương tự, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Charles Perkins của Đại học Sydney (Australia) đã phát hiện ra rằng, với những người tập thể dục ở cường độ vừa phải đến nặng trong khoảng thời gian từ 18h đến 23h59, nguy cơ tử vong sớm, mắc bệnh tim mạch, bệnh mạch máu nhỏ là thấp nhất. Kết quả được công bố vào tháng trước trên tạp chí Chăm sóc bệnh tiểu đường.

Tiến sĩ Angelo Sabag, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí: "Tập thể dục không phải là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng béo phì. Nhưng nghiên cứu này gợi ý rằng chúng ta có thể lên kế hoạch cho hoạt động của mình vào những thời điểm nhất định trong ngày để bù đắp tốt nhất một số rủi ro sức khỏe do béo phì".

Đồng tác giả Tiến sĩ Matthew Ahmadi, cho biết trong thông cáo báo chí: "Chúng tôi không phân biệt đối xử về loại hoạt động mà chúng tôi theo dõi. Nó có thể là bất cứ điều gì từ đi bộ nhanh đến leo cầu thang, nhưng cũng có thể bao gồm các bài tập có cấu trúc như chạy, lao động nặng nhọc hoặc thậm chí là dọn dẹp nhà cửa một cách mạnh mẽ".

Với sức khỏe tinh thần, BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết tập thể dục là phương pháp hỗ trợ điều trị trầm cảm nhẹ đến trung bình, không gây ra tác dụng phụ.

Chạy bộ 15 phút hoặc đi bộ một giờ mỗi ngày góp phần giảm nguy cơ bị trầm cảm nặng, ngăn ngừa tái phát bệnh. Bởi tập thể dục thúc đẩy sự phát triển của tế bào thần kinh mới trong não bộ, giảm viêm, tạo ra các mô hình hoạt động não mới, thúc đẩy cảm giác bình tĩnh và hạnh phúc. Hoạt động thể chất còn hỗ trợ giải phóng endorphin - loại hóa chất trong não giúp cải thiện tâm trạng.

30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực - Ảnh 2

VIỆT NAM NẰM TRONG TOP 10 NƯỚC LƯỜI VẬN ĐỘNG NHẤT THẾ GIỚI

Theo thông tin từ Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Còn theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có tới 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam bị xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn. Một trong những lý do chính là việc thiếu thói quen rèn luyện thể lực.

Nghiên cứu năm 2019 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy một người Việt trung bình đi bộ 3.660 bước/ngày. Nhưng con số này với những người làm công việc văn phòng là 600 bước/ngày. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị con số này là 10.000 bước. Việc rèn luyện thể lực không tốn nhiều thời gian nhưng điều quan trọng là phải tạo lập được thói quen hàng ngày mới có thể đem đến kết quả tích cực.

Ngày 10/9 vừa qua, trong Lễ phát động cuộc thi "Tôi khỏe đẹp hơn" lần 3 tại Bộ Y tế, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế, đã nhấn mạnh việc lười vận động và thói quen ăn uống không khoa học đang thúc đẩy tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng nhanh. Đặc biệt tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây, tập trung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

“Việc Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc xếp Việt Nam là 1 trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới, tôi cho rằng chúng ta không nên xấu hổ mà hãy coi đó là một khuyến cáo bổ ích để cùng nhìn lại chính mình và có sự thay đổi phù hợp,” Thứ trưởng nói.

Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam bị xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn.
Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam bị xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn.

Theo ông Thuấn, để thay đổi thói quen của người dân rất khó khăn và công tác tuyên truyền đóng vai trò then chốt ngành y tế đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để cùng cản trở “đà tăng trưởng” đáng lo ngại này bằng những tham mưu chính sách, hướng dẫn chuyên môn, khuyến cáo… nhằm tránh những áp lực có thể ngày càng lớn lên hệ thống y tế vì các bệnh liên quan đến thừa cân, béo phì.

Tuy nhiên, thân thể là của riêng mỗi người, việc ăn uống, tập luyện là tự thân, không ai có thể định đoạt. Do đó, việc khởi xướng những phong trào, thúc đẩy tinh thần thể dục và thực hành dinh dưỡng khoa học trong cộng đồng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự rèn luyện vẫn là giải pháp thực tế và bền vững nhất.

Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội), tập luyện thể thao và dinh dưỡng giảm 50% nguy cơ bệnh tật. Vị chuyên gia này cho biết 1 bệnh nhân đái tháo đường nếu có chế độ vận động, dinh dưỡng hợp lý, họ có thể sống thọ hơn bệnh nhân khác 15 - 20 năm.

Ngược lại, nếu lười vận động và có chế độ ăn uống thừa calo, người dân sẽ gặp những vấn đề sức khỏe như: đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, mất ngủ, thoái hóa khớp... Do đó, việc ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh, duy trì lối sống năng động quyết định cơ thể khỏe mạnh. Ở độ tuổi nào, bạn cũng cần bổ sung các chất bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất từ trái cây và rau quả đầy đủ.

 

Theo nghiên cứu, tại Việt Nam, có khoảng 86,3% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu hoạt động thể chất. Nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng thực hiện cũng chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ em từ 6 - 11 tuổi ở khu vực thành thị đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực chỉ là 32,5% trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 59,9%.