11:34 17/11/2007

“4-5 năm nữa, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ bùng nổ”

Từ Nguyên

Đó là nhận định của ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử trong cuộc trao đổi với VnEconomy

"Một khi thương mại điện tử đã được phổ cập cho tất cả các doanh nghiệp và đã được quy định bằng luật pháp thì muốn hay không muốn mỗi doanh nghiệp đều phải chấp hành nghiêm túc" - Ảnh: Từ Nguyên.
"Một khi thương mại điện tử đã được phổ cập cho tất cả các doanh nghiệp và đã được quy định bằng luật pháp thì muốn hay không muốn mỗi doanh nghiệp đều phải chấp hành nghiêm túc" - Ảnh: Từ Nguyên.
Đó là nhận định của ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử trong cuộc trao đổi với VnEconomy.

Ông nhìn nhận thế nào về thực tại và tiềm năng của thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay ?

Có thể nói rằng, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay còn khá mới đối với các doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là sân chơi thương mại điện tử hiện nay còn đang rất trống, bởi 2 lý do.

Thứ nhất là vì các nghị định phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử chỉ mới được ban hành. Thứ hai, muốn đầu tư vào lĩnh vực này cần phải chuẩn bị một đội ngũ am hiểu thương mại điện tử và hiểu được các quy định thương mại điện tử của các nước mà doanh nghiệp có ý định buôn bán với họ.

Tuy nhiên, đây lại là một lĩnh vực mang lại rất nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Vì vậy, dù chúng ta đang còn gặp nhiều khó khăn nhưng tương lai của thị trường là rất lớn, nên chúng tôi đang đề nghị các doanh nghiệp nhanh chóng đầu tư vào lĩnh vực này.

Như vậy, ông nghĩ rằng thương mại điện tử có thể bùng nổ trong thời gian tới ?

Điều này hoàn toàn có thể, nhưng đối với Việt Nam thì ít nhất cũng phải mất 4 - 5 năm nữa, vì nó còn tùy thuộc vào trình độ, đào tạo con người và khả năng của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường. Thực hiện càng sớm, các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế của chúng ta càng được lợi.

Ông có thể nói rõ lợi ích của thương mại điện tử so với thương mại truyền thống ?

Tôi có thể lấy ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng. Hiện nay chúng ta vẫn đang dùng quá nhiều tiền mặt trong giao dịch, điều này sẽ khiến các cơ quan quản lý khó quản lý tính hợp pháp của thu nhập và chi tiêu. Đồng thời, nếu giao dịch vẫn dựa quá nhiều vào tiền mặt thì chắc chắn nhà nước cũng thất thu một khoản khá lớn tiền thuế.

Một ví dụ khác, hiện nay, tất cả các hãng hàng không của thế giới đều bán vé điện tử, trong khi ở Việt Nam thì mới chỉ duy nhất có hãng Pacific Airlines là thực hiện, còn Vietnam Airlines thì cũng chỉ mới tập duyệt.

Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến "túi tiền" của cả khách hàng lẫn các hãng hàng không, bởi chi phí cho một chiếc vé thông thường lên tới 10 USD, trong khi vé điện tử chỉ mất 1 USD, nếu đem con số chênh lệch nhân với hàng triệu lượt khách mỗi năm thì sẽ ra một con số khổng lồ. Đó là chưa nói đến tính tiện ích và tiết kiệm thời gian của việc bán vé điện tử.

Việt Nam có phải thực hiện thương mại điện tử theo cam kết WTO không, thưa ông ?

Trong cam kết gia nhập WTO không đề cập đến vấn đề thương mại điện tử, bởi thương mại điện tử cũng chỉ là một hình thức kinh doanh, tức là giống với tất cả các hình thức kinh doanh khác. Tuy nhiên, thông lệ quốc tế đòi hỏi pháp luật Việt Nam phải công nhận thương mại điện tử, một hình thức mua bán không dùng giấy tờ cũng có giá trị tương đương như hình thức mua bán có giấy tờ.

Hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành Luật Giao dịch điện tử và các nghị định liên quan đến thương mại điện tử, nhằm từng bước đưa thương mại điện tử trở thành một hoạt động phổ biến trong nền kinh tế.

Thế nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chấp nhận chứng từ điện tử. Vậy theo ông, làm thế nào để thương mại điện tử gần với cuộc sống hơn ?

Muốn thương mại điện tử trở nên phổ cập thì chúng ta phải cùng bắt tay xây dựng. Cụ thể, chúng ta phải nêu ra tất cả các vướng mắc của doanh nghiệp. Sau đó, trên cơ sở những vướng mắc đó, lĩnh vực gì thuộc bản thân doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải sửa, còn những gì thuộc về quy định của Nhà nước thì phải kiến nghị với Chính phủ để điều chỉnh các văn bản cho phù hợp.

Và một khi thương mại điện tử đã được phổ cập cho tất cả các doanh nghiệp và đã được quy định bằng luật pháp, thì muốn hay không, mỗi doanh nghiệp đều phải chấp hành nghiêm túc.

Ông đánh giá như thế nào về trình độ hội nhập thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam ?

Đến thời điểm này thì chúng ta đang đi sau thế giới rất nhiều. Tuy nhiên chúng ta lại rất vui mừng và kỳ vọng vì trong đội ngũ doanh nghiệp hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp trẻ và chắc rằng họ sẽ “chạy” chứ không phải họ “đi”. Chỉ cách đây khoảng chục năm, cả Việt Nam không ai biết đến Internet, vậy mà hiện nay chúng ta đã lọt vào Top 20 quốc gia sử dụng Internet trên thế giới.

Vì vậy, tôi xin nhắc lại rằng, chỉ khoảng 4 - 5 năm nữa, thương mại điện tử sẽ bùng nổ ở Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên nhờ áp dụng phương thức mua bán hiện đại này.