09:15 22/12/2022

4 kịch bản diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng 2022 của TP.HCM

Hồng Vinh

Diễn tập nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin ở các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM…

Ban Tổ chức Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng 2022 tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) sáng 21/12.
Ban Tổ chức Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng 2022 tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) sáng 21/12.

Trong 2 ngày 21-22/12/2022 tại Công viên phần mềm Quang Trung TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Chi hội An toàn thông tin (VNISA) phía nam, Công ty cổ phần Dịch vụ An toàn thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (HISSC), Công ty Một thành viên phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Lữ Đoàn 2 - Bộ tư lệnh 86 đã tổ chức “Diễn tập thực chiến an toàn thông tin mạng 2022”.

Mục đích của chương trình diễn tập nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, TP. Thủ Đức, quận, huyện, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP.HCM và công tác phối hợp an toàn thông tin với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh phía Nam thuộc mạng lưới ứng cứu sự cố số 7.

Bên cạnh đó, diễn tập thực chiến còn giúp nâng cao năng lực cho đội ứng cứu sự cố và tăng cường bảo vệ cho hệ thống thông tin đồng thời giúp tuyên truyền cho cơ quan, tổ chức, người dân về công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng trong quá trình tổ chức diễn tập.

Phát biểu tại phiên khai mạc sáng 21/12, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, TP.Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai thực hiện xây dựng Đề án xây dựng đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số. Trong đó an toàn thông tin luôn là một trụ cột quan trọng, các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin được tăng cường hơn; việc tuyên truyền, nâng cao ý thức về an toàn thông tin luôn thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, khi đưa hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế, của xã hội lên môi trường số thì công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin lại càng trở nên cấp thiết, quan trọng; phải đảm bảo giao dịch đó được an toàn, thông tin của người dùng như tổ chức và cá nhân phải được bảo vệ.

Chính vì vậy, trong các năm qua, các đơn vị đã phối hợp thực hiện các cuộc diễn tập gắn với hệ thống công nghệ thông tin mà đội ứng cứu sự cố và các cán bộ có trách nhiệm bảo vệ, vận hành được diễn ra thường xuyên. Qua đó, nâng cao năng lực xử lý thực tế; tuyên truyền cho cơ quan, tổ chức, người dân về công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng là một trong những nhiệm vụ cần thiết và quan trọng.

“Thông qua chương trình diễn tập bảo vệ hệ thống thông tin ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn cùng tất cả quý vị hiểu rõ hơn về vấn đề bảo đảm an ninh an toàn thông tin, đồng thời giúp tuyên truyền cho cho các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, giới truyền thông và người dân hiểu rõ về bảo đảm an ninh an toàn thông tin đồng thời cảnh giác, yên tâm khi hoạt động trong môi trường thông tin mạng khi được trang bị kiến thức đầy đủ”, bà Trinh cho hay.

Theo các chuyên gia VNISA phía nam, trong thời gian tới, số lượng cuộc tấn công bằng mã độc vẫn sẽ gia tăng, nhất là khi thực hiện chuyển đổi số và mạng lưới IoT ngày càng trở nên phổ biến thì vấn đề an ninh trên các thiết bị này càng phức tạp. Do đó, việc trang bị nhiều kỹ năng, năng lực phản ứng, đảm bảo an toàn thông tin cho đội ngũ nhân sự của các cơ quan, tổ chức là hết sức quan trọng.

Được biết, Diễn tập thực chiến an toàn thông tin chắc chắn vẫn là một trong những nội dung không thể thiếu. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức xây dựng kịch bản diễn tập bám sát mục tiêu là diễn tập thực chiến, hướng đến thực tiễn tại các đơn vị theo 4 kịch bản:

Kịch bản 1: Tác chiến phòng ngừa chiếm tài khoản và gửi email giả mạo nội dung liên quan quản lý nhà nước (QLNN), mã hoá dữ liệu.

Kịch bản 2: Tác chiến phòng ngừa tấn công phishing chiếm quyền kiểm soát máy người dùng, leo thang đặc quyền chiếm điều khiển máy chủ.

Kịch bản 3: Tác chiến ngăn chặn website đơn vị bị tấn công khai thác lỗ hổng, cán bộ phụ trách đơn vị tham gia vá lỗ hổng.

Kịch bản 4: Tác chiến ngăn chặn tấn công hệ thống firewall đơn vị (ASA).