17:06 05/04/2021

5 mục tiêu trong nhiệm kỳ mới của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính

Lan Anh

Ông Phạm Minh Chính vừa chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Chiều 5/4, sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước. 

Trong bài phát biểu, ông Phạm Minh Chính bày tỏ cảm kích khi được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ, khẳng định đây là vinh dự cũng đồng thời là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Tân Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí khát vọng vươn lên và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đã triển khai rất hiệu quả và được nhân dân, cộng đồng quốc tế ủng hộ, ngưỡng mộ và đánh giá cao.

Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Chính phủ, tân Thủ tướng nhận thức rõ trách nhiệm phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được qua các thời kỳ, tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới với 5 mục tiêu cụ thể.

Một là, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược. 

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội. 

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng thể chế, cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả. 

Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. 

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển. Chủ động phòng, chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. 

Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế.

Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo; coi trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. 

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, trong đó quan tâm, chú ý hơn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh.

"Với trọng trách mới được giao, tôi nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ. Nỗ lực cùng các đồng chí Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc", ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Chính, 63 tuổi, quê tại Thanh Hóa, là Phó Giáo sư, Tiến sĩ luật, Kỹ sư xây dựng. Ông Chính từng là Thứ trưởng Bộ Công an, mang hàm Trung tướng. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, 13; Bí thư Trung ương Đảng khóa 12; Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa 11, 12, 13; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khóa 12; Đại biểu Quốc hội khóa 14.