07:38 09/12/2024

5 năm để hành động

Ramla Khalidi (*)

Năm 2025 đang đến gần, đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam chỉ còn 5 năm để đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2030 trong Mục tiêu Phát triển bền vững và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đến năm 2030, Việt Nam hướng đến những mục tiêu: GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, các khu bảo tồn biển chiếm 3-5% diện tích vùng biển quốc gia, 95% nước thải đô thị được thu gom và xử lý, cùng với việc giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính. Những mục tiêu đầy tham vọng này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với phát triển bền vững và nâng cao phúc lợi cho người dân. Để hiện thực hóa những mục tiêu này, Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực tập trung trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, trong khi nỗ lực hướng tới những mục tiêu này, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Hà Nội gần đây được xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ hai trên thế giới, với Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 210. Mấy tháng trước, cơn bão Yagi đã tàn phá các tỉnh phía Bắc, cướp đi sinh mạng và sinh kế của người dân, đồng thời làm hư hại cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị và thương mại toàn cầu vẫn tiếp diễn, Việt Nam phải cân bằng mục tiêu phát triển nhanh chóng với sự phức tạp của các cải cách cơ cấu. 

TỪ KẾ HOẠCH ĐẾN HÀNH ĐỘNG

Nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) mang đến một giải pháp mạnh mẽ trước những thách thức về tính bền vững mà chúng ta đang đối mặt. Về cơ bản, KTTH dựa trên nguyên lý rằng vật liệu được thiết kế để tái sử dụng và chuyển đổi gần một cách liên tục.

Thực tế, các thực hành về KTTH đã từ lâu gắn liền với quá trình phát triển của Việt Nam, từ mô hình truyền thống “vườn - ao - chuồng” đến những hình thức cộng sinh công nghiệp tiên tiến hơn trong các khu công nghiệp.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam

Khi khung chính sách về KTTH đã được xây dựng, đây sẽ là thời điểm để chuyển đổi từ kế hoạch sang hành động. Trong bối cảnh này, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), một tổ chức đã nhiều năm đồng hành và thúc đẩy KTTH, đã xây dựng tầm nhìn để thúc đẩy chương trình nghị sự mang tính đột phá, hướng tới một nền KTTH toàn diện và phát thải các-bon thấp.

Xuất phát từ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tầm nhìn của chúng tôi hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, định hình lại các mô hình tiêu dùng và sản xuất, ưu tiên các thiết kế mang tính tuần hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy tài chính, thúc đẩy các phương pháp tiếp cận có tính đến yếu tố giới, và đảm bảo một quá trình chuyển đổi công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

CHIẾN LƯỢC TÍCH HỢP VÀ LỒNG GHÉP

Để có thể chuyển đổi nền KTTH từ lập kế hoạch sang hành động trong khung thời gian 5 năm do Chính phủ Việt Nam và các thỏa thuận quốc tế đặt ra, chiến lược quan trọng chính là tích hợp và lồng ghép. UNDP đề xuất 4 giải pháp chính để quá trình tích hợp, lồng ghép này có hiệu quả, toàn diện.

Một là, lồng ghép thiết kế vào chính sách - nền tảng của KTTH. Ở cấp độ chính sách, đóng vai trò là trụ cột cốt lõi cho quá trình chuyển đổi sang KTTH, các biện pháp và cơ chế khuyến khích cần được triển khai nhanh chóng. Một ví dụ điển hình là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường.

EPR đã được công nhận rộng rãi là một trong những công cụ chính sách hiệu quả nhất để thúc đẩy tái chế và thiết kế sinh thái trên thế giới. Tuy nhiên, việc thực thi EPR tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức do thiếu các tài liệu hướng dẫn. Những vấn đề bao gồm: không có hướng dẫn rõ ràng về hệ số (FS); thiếu các cơ chế khuyến khích cho ngành công nghiệp trong việc đóng góp tài chính hay tham gia tự tái chế hoặc hợp tác với các tổ chức thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; chưa có cơ chế để giải ngân số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng (55,123 triệu USD) do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đang quản lý.

5 năm để hành động - Ảnh 1

Ngoài ra, Việt Nam cần thông qua một lộ trình hoặc thậm chí là một bộ luật về thiết kế sinh thái, đặt ra các nhiệm vụ rõ ràng cho các bộ ngành liên quan. Với 80% tác động môi trường có thể được xác định và giảm thiểu ngay từ giai đoạn thiết kế sản phẩm, thiết kế đóng vai trò quan trọng cho sự đổi mới, là những yếu tố thiết yếu trong quá trình chuyển đổi sang KTTH.

Việc tích hợp các nguyên tắc thiết kế sinh thái sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp giảm tác động môi trường mà còn phù hợp hơn với các kỳ vọng từ người tiêu dùng và các quy định pháp lý ngày một chặt chẽ hơn. Cách tiếp cận này sẽ phát huy hiệu quả nhất khi được kết hợp với các chính sách về “mua sắm công xanh”, tận dụng vai trò của các cơ quan nhà nước để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Một bước tiếp theo quan trọng là xây dựng các yêu cầu bắt buộc và định lượng về thiết kế sinh thái, như tỷ lệ tái chế, tuổi thọ sản phẩm, năng lượng, và hàm lượng tái chế, nhằm đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc của KTTH tại Luật Bảo vệ môi trường.

Để tham khảo, Liên minh châu Âu đã ban hành Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững (ESPR), có hiệu lực vào tháng 7/2024. Đây là thành phần cốt lõi trong Kế hoạch hành động KTTH năm 2020 của EU, nhằm thiết lập các sản phẩm bền vững như một tiêu chuẩn trên toàn thị trường EU.

Hai là, lồng ghép, thúc đẩy các thực hành KTTH vào các lĩnh vực ưu tiên. Là một quốc gia định hướng mở cửa, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gắn liền với thương mại quốc tế và kết nối toàn cầu. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất khu vực, với các ngành chủ lực như điện tử và dệt may đóng vai trò chủ chốt. Đáng chú ý, xu hướng tiêu dùng quốc tế đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm xanh, mang lại lợi thế cạnh tranh cho những doanh nghiệp biết thích ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu.

Chuyển đổi sang KTTH không chỉ là một yêu cầu tất yếu để giải quyết các vấn đề môi trường và khí hậu, mà còn mở ra những cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng cho các công ty Việt Nam, giúp họ khai phá những thị trường chưa được tận dụng và tăng cường vị thế trên chuỗi giá trị toàn cầu.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) có thể tác động đến nhiều bên liên quan tại Việt Nam, bao gồm ngư dân nuôi trồng thủy sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, người sản xuất cà phê ở Tây Nguyên và các hợp tác xã thanh long do phụ nữ làm chủ ở tỉnh Bình Thuận, do các chính sách này lồng ghép các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt vào sản phẩm.

Những tiêu chuẩn này không nằm ngoài tầm với của hàng nghìn nông dân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ để duy trì các tiêu chuẩn này. Đây chính xác là nơi sức mạnh chuyển đổi của các hoạt động KTTH có thể tạo ra sự khác biệt. Bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận tuần hoàn, một số phân ngành có thể đạt được lợi thế cạnh tranh so với các khu vực lân cận.

Trong bối cảnh này, UNDP khuyến nghị ưu tiên các ngành có tiềm năng cao hơn, chẳng hạn như nông nghiệp, điện tử, nhựa và dệt may. Trong các lĩnh vực này, chúng tôi đã xác định các hoạt động thực hành tốt nhất và các cơ hội dễ đạt được có thể được tận dụng, cùng các điều kiện thuận lợi.

Ví dụ: (i) tái sử dụng các sản phẩm phụ của nông nghiệp để giảm chất thải nông nghiệp và cuối cùng là giảm phát thải khí nhà kính thông qua các dự án thí điểm do UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trong chuỗi giá trị cà phê, gạo và thanh long;

(ii) thúc đẩy tái sử dụng nước thải công nghiệp, nhằm cắt giảm cả lượng nước thải xả ra và nhu cầu về nguồn cung cấp nước ngọt;

(iii) tăng cường thu gom và phân loại rác thải ở cấp tỉnh để thúc đẩy tái chế, minh họa bằng một dự án do Na Uy tài trợ do UNDP thực hiện phối hợp với thành phố Quy Nhơn.

Việt Nam hiện là nơi có 26.000 doanh nghiệp tác động xã hội, nhưng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai, những tiến bộ công nghệ phải được ưu tiên thông qua việc tăng đầu tư vào giáo dục đại học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tạo ra sự lan tỏa để xây dựng năng lực quốc gia trong nền KTTH.

5 năm để hành động - Ảnh 2

Ba là, lồng ghép chuyển đổi KTTH vào các cải cách thể chế. Như Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, thể chế vẫn là “nút thắt của nút thắt”, cản trở sự phát triển bền vững của đất nước. Những cải cách sâu rộng là rất quan trọng để thúc đẩy đổi mới và thúc đẩy thay đổi. Vậy, những cải cách này liên quan như thế nào đến nền KTTH?

Khái niệm về nền KTTH mang đến một khuôn khổ lý tưởng để thúc đẩy sự đổi mới dưới sự dẫn dắt của Chính phủ. Đây là một cách tiếp cận có hệ thống, giúp định hình tầm nhìn phát triển mới, khuyến khích thử nghiệm các giải pháp sáng tạo, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại tạo thành nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi sang KTTH. Hãy cùng xem xét một số ví dụ minh họa cụ thể.

Mặc dù Điều 74 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã đề cập đến việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý, nhưng quá trình này vẫn đối mặt với nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp. Việc xin giấy phép môi trường không chỉ tốn nhiều thời gian mà còn gặp khó khăn bởi sự ngần ngại từ các cơ quan chức năng trong việc cấp phép.

Nguyên nhân chính là do quá trình này liên quan đến nhiều cơ quan, bao gồm các đơn vị kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý tài nguyên nước và an toàn công nghiệp. Sự phức tạp trong thủ tục hành chính và trách nhiệm pháp lý tiềm tàng đã khiến các cơ quan chức năng dè dặt trong việc thúc đẩy tái sử dụng nước thải đã qua xử lý.

Tương tự, trong ngành nhựa, sự chênh lệch chi phí giữa nhựa nguyên sinh và nhựa tái chế vẫn là một rào cản lớn đối với việc tăng cường sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì. Để vượt qua thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ và liên bộ nhằm tạo ra các ưu đãi hiệu quả cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn.

Điều này đòi hỏi sự tham gia của Bộ Tài chính (thiết lập các ưu đãi thuế hoặc trợ cấp), Bộ Công Thương (thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua các chương trình tài trợ hoặc chính sách theo Quyết định số 889/QĐ-TTg năm 2020) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (tăng cường thực thi EPR bằng cách quy định hàm lượng tái chế tối thiểu bắt buộc).

Tuy nhiên, sự phân chia trách nhiệm giữa các bộ thường dẫn đến sự chậm trễ và thiếu hiệu quả, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nhận được sự hỗ trợ toàn diện và kịp thời để chuyển đổi sang nền KTTH.

Bằng cách cải thiện khuôn khổ quản trị, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý, Việt Nam có thể tạo điều kiện cho một môi trường thuận lợi, nơi sự đổi mới vì nền KTTH có thể phát triển mạnh mẽ. Một hệ thống thể chế linh hoạt và nhanh nhạy hơn sẽ trao quyền cho doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và cá nhân để tiên phong trong việc triển khai các giải pháp chuyển đổi, giải quyết hiệu quả các thách thức lớn của xã hội.

Bốn là, tích hợp con người và khu vực tư nhân cho quá trình chuyển đổi công bằng và toàn diện triển khai các quan hệ đối tác sáng tạo. Các hoạt động kinh tế tuyến tính không chỉ gây tổn hại đến môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Trên toàn cầu, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Năm 2023, Việt Nam được xếp hạng là quốc gia ô nhiễm thứ hai trong Khu vực ASEAN. Mặc dù tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, nhưng các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi và những người sống gần các khu vực đốt rác thải lộ thiên chịu tác động nặng nề nhất.

Do đó, Việt Nam cần đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm của quá trình chuyển đổi sang nền KTTH, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Một ví dụ điển hình là Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mới được thông qua, thể hiện cam kết về một quá trình chuyển đổi công bằng và toàn diện.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực đầy cảm hứng từ sinh viên, hợp tác xã và các tỉnh, khi họ không ngừng tìm cách thúc đẩy các thực hành về KTTH. Những nỗ lực này góp phần giảm áp lực lên môi trường theo hai hướng: một mặt, làm chậm tốc độ khai thác tài nguyên từ các hệ sinh thái; mặt khác, giảm đáng kể lượng chất ô nhiễm thải ra không khí, đại dương, lưu vực sông và đất.

UNDP đang tích cực xây dựng năng lực cho thanh niên, nhóm chiếm 25% dân số và là lực lượng lao động tương lai của đất nước. Thông qua các hoạt động của Nhóm công tác thanh niên về chính sách khí hậu, thuộc Sáng kiến thanh niên hành động vì khí hậu, chúng tôi mong muốn trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để dẫn dắt quá trình chuyển đổi này một cách hiệu quả và bền vững.

Hơn nữa, cần thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu để tăng cường sự gắn kết giữa chính sách, nghiên cứu và các cơ hội thị trường. Vai trò của hợp tác giữa các bên liên quan là hết sức quan trọng. UNDP tự hào được đồng chủ trì Mạng lưới KTTH Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, với hơn 100 thành viên và 4.000 lượt xem mỗi tháng.

Chúng tôi cũng vinh dự hỗ trợ các sáng kiến theo ngành, bao gồm Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) và Đối tác Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Các sáng kiến này mang đến cơ hội lớn để biến tầm nhìn về KTTH được nêu trong các chính sách của Việt Nam thành các hành động cụ thể, với sự hợp tác của nhiều bên, cùng hướng tới một mục tiêu chung.

UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam ưu tiên các cải cách nhằm tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho quá trình chuyển đổi. Chúng tôi mong muốn đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự chuyển dịch của đất nước sang một nền kinh tế xanh hơn, tuần hoàn hơn và ít carbon hơn, mang lại các lợi ích thiết thực như bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, đạt được các mục tiêu khí hậu, và thúc đẩy phát triển bền vững.

(*) Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2024 phát hành ngày 9/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam