19:59 09/07/2022

6 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch tại UpCOM giảm 34% so với bình quân 2021

Hà Anh

Thị trường UPCoM trong 6 tháng đầu năm 2922 có xu hướng tăng mạnh ở quý 1/2022 và sau đó tăng giảm đan xen ở quý 2/2022, chỉ số UPCoM Index đóng cửa tại thời điểm 30/6 đạt 88,58 điểm, giảm 21,7% so với thời điểm cuối năm 2021.

Tính đến ngày 30/6/2022,  tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đạt 861 doanh nghiệp.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM đạt 861 doanh nghiệp.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cho biết thị trường UPCoM trong 06 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, thị trường UPCoM trong 6 tháng đầu năm 2922 có xu hướng tăng mạnh ở quý 1/2022 và sau đó tăng giảm đan xen ở quý 2/2022, chỉ số UPCoM Index đóng cửa tại thời điểm 30/6 đạt 88,58 điểm, giảm 21,7% so với thời điểm cuối năm 2021.

Khối lượng giao dịch bình quân 06 tháng đầu năm 2022 đạt 98 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 2,6 nghìn tỷ đồng/phiên. So với mức bình quân năm 2021 thì khối lượng giao dịch bình quân phiên giảm 34% và giá trị giao dịch bình quân phiên giảm 17%.

Giá trị vốn hóa thị trường cuối tháng 6 đạt 1,17 triệu tỷ đồng, giảm 17% so với cuối năm 2021.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, phiên giao dịch ngày 7/01 được ghi nhận là phiên có khối lượng giao dịch cao nhất với 175,1 triệu cổ phiếu được giao dịch và phiên giao dịch ngày 31/03/2022 có GTGD cao nhất đạt 4,05 nghìn tỷ đồng.

Về biến động giá cổ phiếu, có 4 cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất gồm: cổ phiếu XMD của CTCP Xuân Mai - Đạo Tú, tăng 615,79% (tương đương 11.700 đồng/cp) đạt 13.600 đồng/CP, đứng thứ 2 là cổ phiếu SAP của CTCP In Sách giáo khoa Tp. HCM với mức tăng 234,34% (tương ứng 23.200 đồng/cp) đạt 33.100 đồng/cp. Tiếp sau là cổ phiếu GLW của CTCP Cấp thoát nước Gia Lai với mức tăng 168,42% (tương ứng 6.400 đồng/cp) đạt 10.200 đồng/cp, cổ phiếu DCF của CTCP Xây dựng và Thiết kế Số 1 có mức tăng 161,43% (tương ứng 33.900 đồng/cp) đạt 54.900 đồng/cp.

Về khối lượng giao dịch, cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu với thị phần 15,82%, tương đương hơn 1,4 tỷ cổ phiếu được giao dịch, tiếp theo là cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam với thị phần là 8,1% tương đương hơn 736 triệu cổ phiếu được giao dịch, tiếp theo là cổ phiếu C4G của CTCP Tập đoàn CIENCO4 với thị phần chiếm 4,7% tương đương với 431 triệu cổ phiếu được giao dịch.

Trong 06 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên thị trường UPCoM với tổng giá trị mua ròng là 1.642 tỷ đồng. Thị trường UPCoM đón nhận thêm 16 doanh nghiệp mới và nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường này lên 861 doanh nghiệp.